20.4.20

Virus Corona: một cơn khủng hoảng của khủng hoảng của sự tiến bộ


CORONAVIRUS: MỘT CƠN KHỦNG HOẢNG CỦA KHỦNG HOẢNG CỦA SỰ TIẾN BỘ
Michel Wievorka[*]
Cơn khủng hoảng do dịch coronavirus dường như là một dịp để lần lượt đánh giá những ưu điểm của các thể chế dân chủ và độc tài. Tuy nhiên, với Michel Wieviorka, chúng ta cần vượt ra khỏi sự đối kháng xơ cứng này để tìm hiểu mối tương quan giữa các xã hội loài người với ý niệm về sự tiến bộ nhằm hiểu được lý do khiến các chính phủ và dân chúng phản ứng một cách khác nhau đối với nạn dịch.


Có thể là sau dịch Covid-19 mọi sự sẽ không như trước. Hoàn toàn không có gì như trước nữa. Ngay cả những phạm trù và khái niệm của chúng ta. Và lúc đó phải “suy nghĩ một cách khác” (nhan đề một quyển sách của Alain Touraine) để hiểu được một thế giới đã hoàn toàn biến đổi. Nhưng với công cụ trí thức nào chúng ta có thể dự kiến một sự thay đổi toàn diện, nếu không phải là những công cụ mà Ulrich Beck (nhà xã hội học người Đức - 15/5/1944 - 1/1/2015) và một vài đầu óc có tầm nhìn xa trước ông như Ivan Illich (triết gia người Áo, 04/09/1926 - 02/12/2002) đã nêu ra trước đây – quyển sách cuối cùng của Beck có nhan đề “Sự biến hóa của thế giới”? 
Sự gián đoạn mà Covid-19 có thể gây ra hoặc tăng nhanh tùy thuộc vào một loạt các vấn đề rộng lớn hơn liên quan đến những rủi ro bất trắc và không an toàn. Cũng trong loạt vấn đề này, có thể kể sự khủng bố, biến đổi khí hậu, thảm họa hạt nhân hoàn toàn do con người như trường hợp Chernobyl, xảy ra ngày 26 tháng tư 1986, hoặc do một chuỗi biến cố tự nhiên gây ra như sóng thần ngày 11 tháng ba năm 2011 ở Fukushima. Chúng ta cũng có thể xem những đại khủng hoảng tài chính như khủng hoảng năm 2008 thuộc loại rủi ro bất trắc và không an toàn.
Ulrich Beck (1944-2015)
Edgar Morin (1921-)
Cần nhận thức các hiện tượng này trên bình diện toàn cầu, cho dù chúng chỉ xảy ra ở một địa điểm cụ thể: nói theo cách của Ulrich Beck, chúng đòi hỏi một cách tiếp cận trên phạm vi toàn cầu. Chúng ta cần suy nghĩ ở mức độ toàn cầu, cho dù một vài hậu quả của nạn dịch này có thể được nghiên cứu ở mức độ địa phương. Nhưng nạn dịch có thể tác động mạnh đến chính toàn cầu hóa, không phải để chấm dứt hay giảm thiểu toàn cầu hóa, mà để biến đổi nó, và đặc biệt là có thể thúc đẩy các tác nhân chính trị ngưng chấp nhận mô hình toàn cầu hóa nặng tính chất tân tự do. Cần khuyến khích một số nước định hướng lại công nghiệp hóa. Cần thiết lập lại những cuộc thảo luận về phi toàn cầu hóa.
Hiểu biết những hiện tượng này không chỉ tùy thuộc vào tri thức, vì chúng kết hợp các phương diện nhân văn và xã hội với khoa học tự nhiên và khoa học về sự sống: chúng đòi hỏi được xem xét trong tính chất phức tạp của chúng, với cách tiếp cận đa ngành, như Edgar Morin đã gợi ý, bằng cách huy động những năng lực và tri thức đa dạng, từ xã hội học, nhân học đến y học, sinh học, vật lý và hóa học.
Manuel Castells (1942-)
Để hiểu được những hiện tượng này khi chúng đột ngột xảy ra, để tiên đoán chúng, để đối mặt chúng, từ nay chúng ta phải bằng hàng nghìn cách nhờ tới Internet, các mạng lưới xã hội, điện thoại di động, hoặc các công cụ tối tân nhất của trí tuệ nhân tạo và các nền tảng hoặc ứng dụng kỹ thuật số. Ngày nay, chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số, mà cuộc khủng hoảng y tế hiện nay càng đẩy nhanh tốc độ phát triển. Chúng ta thấy điều đó trong cách truy vết bệnh và theo dõi người bệnh, trong cách thực hiện nghiên cứu khoa học và nghiên cứu y tế nhằm tìm ra thuốc chữa trị và thuốc chủng ngừa, trong cách từng người bị cách ly sống ảo với các mối liên hệ với tập thể vẫn dày đặc, và thường là trên qui mô toàn cầu. Trong những chuyển động của việc dạy và học từ xa cũng như các doanh nghiệp tổ chức công việc từ xa, nếu từ những năm 90, Manuel Castells (nhà xã hội học Tây Ban Nha, sinh ngày 09/02/1942) đã báo trước sự gia nhập vào kỷ nguyên truyền thông, thì từ nay chúng ta đã hoàn toàn chìm đắm trong đó.
Sự biến hóa ngày càng nhanh mà virus áp đặt cho chúng ta cũng là một dịp để các nguyên thủ quốc gia toan tính tăng cường các chính sách tập trung quyền lực. Ở Trung Quốc, ngay từ đầu, các lãnh đạo đã chỉ rõ cuộc chiến chống Covid-19 là một vấn đề chính trị. Các nước dân chủ chống dịch theo cách của mình, đã toan tính thực hiện các biện pháp đặc biệt hạn chế các quyền tự do và ảnh hưởng không tốt đến thể chế phân quyền. Chế độ độc tài cũng như chế độ dân chủ đang tiến dần đến chủ nghĩa chuyên chế - có người còn nói đến chủ nghĩa độc tài toàn trị.
Nạn đại dịch đã nêu lại trọng tâm của cuộc thảo luận một câu hỏi không ngừng lan rộng từ vài năm nay: có phải chủ nghĩa chuyên chế là tốt hơn thể chế dân chủ, về mặt phúc lợi, sự an toàn và sức khỏe của người dân? Chúng tôi mong muốn thoát ra khỏi sự đối kháng giản đơn này.
Khi nạn dịch mới bắt đầu, Trung Quốc đã phô bày hai hình ảnh của chính mình. Hình ảnh đầu là tính hiệu quả của một hệ thống toàn trị đang thực hiện các biện pháp cần thiết mà không hề gặp bất cứ sự kháng cự nào, không mất thời gian và huy động được những nguồn lực to lớn. Ví dụ, cả thế giới đã chứng kiến họ đã xây dựng một bệnh viện trong tám ngày như thế nào, và sau ba tháng bệnh dịch đã được tiêu diệt, ít nhất là ở những vùng mà nó đã hoành hành. Nhưng một hình ảnh thứ hai cũng đã xuất hiện ngay lập tức, đó là hình ảnh một quyền lực dối trá, thô bạo đến mức hành hạ các bác sĩ đầu tiên đã nêu lên tính chất nghiêm trọng của nạn dịch lúc đó vừa mới bắt đầu. Ngay từ ngày 30 tháng 12/2019, khi bác sĩ Lý Văn Lượng và vài đồng nghiệp thảo luận riêng về vấn đề dịch bệnh thì họ đã bị kết tội phát tán “tin đồn”. Như vậy, rõ ràng Trung Quốc đã chọn tính hiệu quả tàn bạo chống lại các quyền tự do.
Lý Văn Lượng (1986-2020)
Tuy nhiên, khi các chính quyền độc tài khác phải đối mặt với đại dịch thì những hành động của chính phủ lại tỏ ra không hiệu quả và thậm chí thảm hại, như ở Iran và Ai Cập. Iran có thể cho rằng những khó khăn của họ là do Hoa Kỳ và Trump áp đặt những biện pháp trừng phạt, nhưng điều đó không thể giải thích tất cả. Chính quyền Ai Cập không viện cớ này được, vẫn không có khả năng đối phó với dịch.
Trong số các chính quyền dân chủ, một vài nước đã chuẩn bị tốt cho loại nguy cơ này và đã thực hiện các chính sách công với kết quả tốt đẹp. Đáng chú ý là trường hợp Hàn Quốc, nước này bị nạn dịch nặng nề, nhưng đã dự đoán được, chuẩn bị đầy đủ mặt nạ, dụng cụ xét nghiệm, dùng công nghệ kỹ thuật số để theo dõi những người bị nhiễm bệnh. Tương tự, Đài Loan đã sớm thiết lập một cơ sở dữ liệu qui mô dựa trên việc sử dụng dữ liệu lớn (big data) và các phiếu bảo hiểm y tế liên thông với các dữ liệu do Cơ quan di trú quốc gia thu thập và dựa vào sự hợp tác của các cơ quan chịu trách nhiệm ứng phó với Covid-19 với các công ty cung cấp dịch vụ điện thoại, Đài Loan đã vạch ra được hầu hết chuỗi lây nhiễm, và tự động thông báo những người đã tiếp xúc với từng người bệnh[1].
Trong hai trường hợp trên, sự tôn trọng tự do cá nhân không phải là điều ưu tiên. Sẽ khó hình dung việc áp dụng các biện pháp này ở Pháp, nơi mà những gì liên quan đến thông tin cá nhân đều rất nhạy cảm, các thảo luận của chúng ta về nhận diện khuôn mặt đã chứng tỏ điều đó. Thế nhưng ở Hàn Quốc thì những dữ liệu thu thập được đều được đưa ra tức thì cho công chúng sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi sáng kiến của dân chúng. Nhờ đó người dân dễ dàng biết được ở đâu và khi nào có khẩu trang. Ở Đài Loan cũng vậy, sự đồng thuận giữa chính quyền và xã hội dân sự đã hỗ trợ cho những sáng tạo trong lãnh vực kỹ thuật số.
Ta đã thấy ở Pháp việc tiến hành một hành động khẩn cấp và triệt để đã gặp phải nhiều trở ngại. Trở ngại đầu tiên là sự thiếu chuẩn bị, khẩu trang và dụng cụ xét nghiệm thiếu kinh khủng. Trở ngại khác thuộc lãnh vực kinh tế, chính quyền và giới lãnh đạo lo ngại kinh tế sẽ sụp đổ nếu không cố gắng duy trì các hoạt động càng lâu càng tốt. Yêu cầu nhân viên đến sở làm khi không thể thực hiện công việc từ xa là đi ngược lại những nỗ lực cách ly tối đa. Trở ngại cuối cùng liên quan đến những chậm chạp về thể chế của nhà nước pháp quyền và của nền dân chủ. Trái ngược với “Đảng-Nhà nước” Trung Quốc, chính quyền Pháp phải tuân thủ các qui định, bỏ phiếu thông qua các luật.
Ta nhận thấy nạn dịch cũng giống như nạn khủng bố: nó cổ vũ cho sự suy yếu của nhà nước pháp quyền và tăng cường chức năng hành pháp thông qua các luật và các biện pháp đặc biệt. Khi kêu gọi đoàn kết dân tộc đến mức viện dẫn đến một cuộc “chiến tranh”, vị nguyên thủ quốc gia khuyến khích chấp thuận những biện pháp trái với nhân quyền và nguyên tắc phân quyền. Nhưng khác với những gì diễn ra trong các chế độ độc tài, những biện pháp nêu trên nếu không được hoàn toàn mong muốn thì ít ra cũng được chấp nhận một cách dân chủ, và tiếng nói chính đáng của những người phản kháng lại những lệch lạc bắt nguồn từ các biện pháp đặc biệt có thể được lắng nghe[2].
Không có nền dân chủ nào mà không bao hàm nhà nước pháp quyền và không có chế độ độc tài nào lại có nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, mọi nền dân chủ không duy trì mối tương quan như nhau với nhà nước pháp quyền. Ở nơi mà nhà nước pháp quyền có hiệu quả, ngành tư pháp và cảnh sát là những cơ quan bảo đảm hoàn hảo, tính chính đáng của sự độc quyền sử dụng biện pháp mạnh của nhà nước là được thừa nhận, thì sự đồng thuận giữa dân chúng và chính quyền là vững chắc hơn một khi tính chính đáng này bị phản đối ít nhiều do có những lạm dụng, tham nhũng, lừa dối. Dân chủ sẽ mạnh nhất một khi có sự minh bạch, truyền thông thông suốt, ngành tư pháp độc lập, các lực lượng giữ gìn trật tự tự hạn chế việc dùng bạo lực. Nên đi từ quan điểm này để so sánh các nền dân chủ với nhau trước khi đối chiếu chúng với mô hình Trung Quốc.
Do đó, mối tương quan giữa các chế độ dân chủ cũng như độc tài với chủ nghĩa chuyên chế không phải là nhân tố duy nhất để phân biệt chúng, để hiểu những năng lực khác nhau của chúng trong cung ứng chăm sóc sức khỏe, an toàn và phồn vinh kinh tế.
Vì các quốc gia với lịch sử và văn hóa riêng khác biệt nhau, nên chăng phải lưu ý đến những khác biệt ấy và nhất là tìm hiểu các nhân tố văn hóa có thể giúp giải thích những biến dị mà chúng ta quan sát được? Điều đó giúp giải thích tại sao những phương thức giao tiếp xã hội và các hình thức tương trợ lại khác nhau không những giữa các nước mà cả giữa các vùng trong một nước. Chẳng hạn như miền Bắc nước Ý bị dịch nặng nề, còn dịch ở nước Đức thì nhẹ hơn, đó có phải do các hình thức tổ chức đời sống gia đình, bè bạn hoặc đời sống đô thị khác nhau? Đôi lúc virus phát tán một cách nhanh chóng ở những điểm tụ tập đông tín đồ tôn giáo như ở Mulhouse, hay ở các sự kiện thể thao (duy trì những trận bóng đá quan trọng). Mặt khác, Trung Quốc hay Hàn Quốc có tìm chăng trong quá khứ tương đối xa xôi họ đã xây dựng nên những cường quốc xem trọng giá trị của tập thể hơn cá nhân?
Những suy nghĩ như vậy có thể lùi về quá khứ rất xa, và quan tâm đến những đặc thù di truyền giúp phân biệt một số nhóm dân cư. Những suy nghĩ này chủ yếu dựa trên những khuôn mẫu xơ cứng về văn hóa mà bỏ qua điều chính yếu. Thực vậy, một số nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore đã tạo lập nên những xã hội cực kỳ hiện đại, nơi đó khoa học và công nghệ tiên tiến phục vụ một ý tưởng về tiến bộ đang lụi tàn ở châu Âu. Trái với hầu hết các nước thành viên của Liên minh châu Âu, các nước này không theo hướng phi công nghiệp hóa. Nếu họ có phát hiện ra nét quyến rũ của xã hội tiêu thụ hay ngay cả sự xa hoa cho tầng lớp giàu có thì họ vẫn không buông lơi ý tưởng phải kiến thiết một tương lai tốt đẹp hơn. Họ tiếp nhận lấy ý tưởng ấy trong lúc châu Âu đã rời xa nó. Cả châu Á đặt niềm tin mạnh mẽ vào khoa học. Cũng vậy, ước muốn về một nền dân chủ vẫn cháy bỏng ở khu vực này của thế giới, như ta đã chứng kiến ở Hồng Kông và Đài Loan, hoặc như dân chúng Hàn Quốc theo dõi với lòng háo hức những trải nghiệm dân chủ phương Tây.
Thay vì dừng lại ở sự đối kháng xơ cứng giữa dân chủ và độc tài, tốt hơn nên tìm hiểu mối tương quan của từng xã hội với tương lai của họ, khả năng suy tưởng về mình về phương diện lịch sử và sáng tạo một tương lai riêng. Cuộc khủng hoảng về sức khỏe dường như chỉ ra rằng đất nước chúng ta (nước Pháp - ND) cũng như các nước khác ở phương Tây phải trấn tĩnh lại, đoạn tuyệt với sự kiêu ngạo của dân tỉnh lẻ vốn coi thường sự suy tàn mà họ đã cảm nhận được, cần tập trung suy nghĩ về việc định nghĩa lại tính chân thật lịch sử. Sự sáng tạo lại này phải dành phần quan trọng cho tính chủ quan của các cá nhân.
Nếu phân tích được trình bày trên đây không đúng hoặc không xác đáng thì ít ra cũng đáng để thảo luận một vấn đề được đặt ra: đâu là phần của dân chúng trong các diễn tiến chính trị liên quan? Ở đây đành phải chấp nhận đối mặt với một mâu thuẫn. Một mặt, tất cả các nền dân chủ đang gặp khủng hoảng vì hố ngăn cách ngày càng rộng giữa chính phủ với dân chúng đang dẫn đến khủng hoảng về đại diện chính trị và sự gia tăng của các phong trào dân túy. Mặt khác, chủ nghĩa toàn trị có thể được thiết lập thông qua một tiến trình dân chủ là bỏ phiếu mặc dù chỉ có một thiểu số thành viên tham gia. Xét theo quan điểm này thì đó là các chế độ toàn trị hiện thời cũng như các chế độ toàn trị phát xít hay Staline trước đây: chúng đã phát triển bằng cách gieo rắc khủng bố, nhưng mặt khác chúng vẫn được một phần dân chúng ủng hộ.
Các chế độ này sụp đổ một khi sự ủng hộ của dân thu hẹp lại như miếng da lừa, điều này đã xảy ra cho các chế độ độc tài Mỹ La tinh trong những năm 1970 và chế độ cộng sản Xô viết trong những năm 1980. Chế độ độc tài cộng sản Trung Quốc đạt được thành quả trong lãnh vực an ninh và sức khỏe cộng đồng bởi vì ngoài sự tàn bạo và kiếm soát gắt gao đối với từng cá nhân, chế độ này cũng tạo ra khả năng thăng tiến xã hội và thành đạt của cá nhân, thậm chí có phần tự do giúp cho chế độ tránh khỏi xa rời hoàn toàn với dân chúng.
Nhưng chúng ta không nên bi quan thái quá! Nạn dịch khơi nguồn cho các hành động của công dân và hội đoàn, cho sự đoàn kết tương trợ, ở qui mô một chung cư, một khu phố, một làng, hay ở một qui mô rộng lớn hơn. Kỹ thuật số cũng là một công cụ cho sáng tạo và sự khẳng định những giá trị của tinh thần tương trợ. Nhiều tiếng nói đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đến những người yếu thế nhất, cô quạnh nhất, nghèo khó nhất. Nạn dịch đã khiến ta không chịu đựng được ngôn từ mơ hồ của các chính khách và nó đẩy mạnh hơn lòng tin vào khoa học. Các chính sách công về sức khỏe như việc nghiên cứu khoa học nói chung sẽ được ủng hộ trong tương lai, với suy nghĩ là cần dự đoán trước và nếu không tiên đoán được điều bất ngờ thì ít ra cũng chuẩn bị trước. Điều này có thể đưa đến hai hệ quả.
Điều đầu tiên là ta có thể hy vọng lý trí sẽ có trọng lượng hơn bởi nó đang bị tin giả và những cảm xúc che giấu sự thật dẫn dắt sai đường một cách nghiêm trọng: còn ai ngoài những giáo phái đã bác bỏ viễn cảnh tìm ra vắc-xin chủng ngừa Covid-19? Điều thứ hai, sự đột nhập của điều bất ngờ gây ra thiệt hại to lớn là một hiện tượng lịch sử nhắc chúng ta nhớ rằng những đổ vỡ to lớn luôn có thể xảy ra: tương lai vẫn tồn tại, chúng ta không thể tiếp tục chỉ sống trong hiện tại, phó mặc chúng ta cho triết lý “chỉ sống với hiện tại”.
Trong nửa thế kỷ tồn tại của chủ thuyết tân tự do vốn tin tưởng vào thị trường và mở cửa biên giới, nếu không phải là cho con người – di dân gặp phải rất nhiều trở ngại – thì ít ra cũng cho sự lưu thông của tiền tệ và hàng hóa, bất bình đẳng đã trầm trọng hơn và những rủi ro to lớn đã không được dự báo, hoặc rất ít. Khủng hoảng về sức khỏe có thể đưa đến những điều tồi tệ nhất, nền dân chủ bị thụt lùi và một tình trạng suy thoái tàn khốc khiến cho bất bình đẳng gia tăng. Mặc dù vậy, như Ulrich Beck đã viết, phải nhắm đến những chiều hướng có tính giải phóng của tai ương này, tác động tích cực của nó có thể đảo chiều những chệch hướng theo chủ nghĩa toàn trị và chủ nghĩa dân tộc, sự tăng cường kiểm soát toàn diện và sức mạnh của một nền kinh tế dựa trên các quy phạm, biên giới và các quốc gia. Nói tóm lại: cuộc khủng hoảng có thể là dịp cho chính trị quay trở về.
Bài này lấy lại các chi tiết của một hội thảo từ xa “Xã hội học xung đột” của trường EHESS do Hervé le Bras và Michel Wieviorka điều hành, 25/03/2010.
Bài này đã được đăng trong Le Grand Continent ngày 3.4.2020.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn:Le coronavirus: une crise de la crise du progrès”, blog của tác giả, 6.4.2020




Chú thích:

[* ] Michel Wievorka là nhà xã hội học Pháp, phụ trách chuyên môn (directeur d'études) ở trường Cao học khoa học xã hội (l'École des hautes études en sciences sociales – EHESS) - Pháp

[1] Xem phóng sự của Adrien Simorre “Covid-19: comment Taïwan s’est appuyé sur la technologie pour contenir l’épidémie” (Covid – 19: Đài Loan đã dựa vào công nghệ để khống chế dịch như thế nào). L’Usine Digitale, 20/03/2020.

[2] Xem công trình xuất sắc của “mạng lưới chống khủng bố-các quyền-tự do”

Print Friendly and PDF