2.4.20

Dịch bệnh cho phép nhà nước Trung Quốc mở rộng quyền kiểm soát dân số như thế nào


DỊCH BỆNH CHO PHÉP NHÀ NƯỚC TRUNG QUỐC MỞ RỘNG QUYỀN KIỂM SOÁT DÂN SỐ NHƯ THẾ NÀO
Phản ứng của Trung Quốc đối với dịch coronavirus đang được theo dõi rất chặt chẽ, nhưng hầu hết các phân tích tập trung vào hiệu quả của nó. Một khía cạnh quan trọng thường bị bỏ qua: tác động mà phản ứng này sẽ có đối với hoạt động của Nhà nước ở Trung Quốc.
Trong khi việc xây dựng các đặc quyền phi thường được hỗ trợ bởi công nghệ giám sát tiên tiến có thể cho phép Nhà nước thực hiện lâu dài một mức độ kiểm soát dân số chưa từng có.
Để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh ngay khi nó xuất hiện, giới tinh hoa chính trị Trung Quốc đã phải công khai xác định rằng virus gây ra mối đe dọa cho an ninh của xã hội. Quá trình biến một yếu tố (một vấn đề y tế, trong trường hợp này) thành một vấn đề an ninh trong khi nó thường không được coi là như vậy, được biết đến trong khoa học chính trị như là khái niệm “chính sách nâng cao mức an ninh”.
Chính sách nâng cao mức an ninh bao gồm việc thông báo và giáo dục công chúng về vấn đề này (điều rất quan trọng trong dịch bệnh truyền nhiễm cao), và cả việc báo động họ về bản chất và mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa cao đến một mức mà việc Nhà Nước “tạm thời” được trang bị với những quyền lực đặc biệt được coi như là chính đáng.
Phản ứng ban đầu của Trung Quốc đối với dịch coronavirus không phải là làm mọi cách để ngăn chặn sự lây lan của virus, mà làm mọi cách để ngăn chặn bất kỳ thông tin nào liên quan đến dịch. Do đó, công chúng Trung Quốc ban đầu hoàn toàn không ý thức về mức độ nghiêm trọng của virus.
Khi rõ ràng vấn đề sẽ không tự biến mất, Trung Quốc đã chọn chính sách nâng cao mức an ninh, đưa ra các quyết định đặc biệt như cách ly một số thành phố ở tỉnh Hồ Bắc. Tuy nhiên, đồng thời, chính phủ đã tiếp tục bóp nghẹt cuộc tranh luận công khai về dịch bệnh.
Lý Văn Lượng (1986-2020)
Ví dụ nổi tiếng nhất của phương pháp này là trường hợp bác sĩ gióng chuông báo động Lý Văn Lượng. Lý là một trong những người đầu tiên cố gắng cảnh báo công chúng về mức độ nghiêm trọng của dịch. Tuy nhiên, những nỗ lực của anh đã khiến anh bị cảnh sát địa phương triệu tập và buộc phải ngừng hoạt động.
Lý đã chết vào ngày 7 tháng 2 sau khi nhiễm virus. Sự tức giận về cái chết của ông đã khiến một số nhà bình luận cho rằng Trung Quốc có thể trải qua một “khoảnh khắc Chernobyl”, nghĩa là, Nhà nước sẽ thấy tính chính đáng của nó bị suy yếu đáng kể và do đó sẽ mất phần lớn quyền lực và sự kiểm soát mà nó áp đặt trên người dân.
Chính sách siêu nâng cao mức an ninh
Nhất là mục tiêu của chính sách nâng cao mức an ninh là mang lại cho giới tinh hoa chính trị tính chính đáng đối với nhân dân mà họ cần để giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Nhưng phản ứng ban đầu của Trung Quốc - che giấu thông tin quan trọng và quấy rầy những người gióng chuông báo động - đã có tác dụng ngược lại, làm suy yếu tính chính đáng của chính phủ.
Tuy nhiên, nếu thảm họa Chernobyl năm 1986 đã gây ra một sự tự vấn lương tâm trong giới tinh hoa của Liên Xô, thì phản ứng của chính phủ Trung Quốc đối với dịch coronavirus cho đến nay đã chọn một hướng khác. Các nhà lãnh đạo đã “nâng cao mức an ninh” đối với mối đe dọa, không phải chỉ để tấn công virus nhanh hơn mà còn để dành lại phần nào tính chính đáng bị mất do những sai lầm ban đầu của họ.
Vì vậy, thay vì giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề, chính quyền đã trình bày dịch bệnh như là một mối đe dọa chưa từng có đối với Trung Quốc, chỉ có thể được giải quyết bằng các biện pháp đặc biệt. Như chủ tịch Tập Cận Bình gần đây đã nói trong một tuyên bố trực tuyến cho 170.000 quan chức đảng và quân đội:
“Đây là một cuộc khủng hoảng và cũng là một thách thức lớn... hiệu quả của công tác phòng ngừa và kiểm soát một lần nữa cho thấy những lợi thế đáng kể của sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và hệ thống xã hội chủ nghĩa đặc thù của Trung Quốc.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi, sau những bước đi sai lầm đầu tiên, Trung Quốc đã cho thấy mình cực kỳ năng động trong việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp. Tại tỉnh Hồ Bắc, chính phủ đã kêu gọi quân đội đảm bảo thực hiện đúng các biện pháp kiểm dịch đồng thời chuyển bác sĩ từ các tỉnh khác để hỗ trợ nhân viên y tế địa phương. Nhà nước cũng tổ chức xây dựng hai bệnh viện mới ở Vũ Hán chỉ trong vài tuần.
Một robot cảnh sát an ninh đi tuần tra tại một nhà ga. Alex Plavevski/EPA
Nhưng các biện pháp khẩn cấp này đã được đi kèm với việc đưa ra các hình thức kiểm soát mới. Trung Quốc đã sử dụng công nghệ cao như máy bay không người lái, camera nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo để giám sát công dân của mình chặt chẽ hơn, tất cả đều nhân danh việc chống lại virus.
Chỉ cần nhấn một vài nút, nhà nước Trung Quốc đã có thể thu thập dữ liệu về hầu hết cư dân của đất nước. Nhà nước biết chính xác mỗi người ở đâu, thói quen hàng ngày của họ là gì và thậm chí cả nhiệt độ cơ thể của họ. Chế tài được áp dụng đối với những người vi phạm các quy tắc.
Điều này thể hiện một mức độ giám sát chưa từng có. Nhưng, do mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa giả định của dịch coronavirus, các biện pháp này đã được các nhà nghiên cứu quốc tế nghiên cứuhoan nghênh.
Cho dù các biện pháp này có hiệu quả hay không trong việc chống lại dịch coronavirus, những tác động chính trị đối với Trung Quốc có thể sẽ kéo dài. Khi một Nhà nước thành công trong việc “nâng cao mức an ninh” về một vấn đề, nó đi vào một con dốc trơn trượt. Mối đe dọa càng được trình bày như là liên quan đến sự sống còn (của đất nước), Nhà nước càng có được các đặc quyền để đối phó với nó, và sức mạnh và mức độ kiểm soát của Nhà nước đối với dân số càng tăng.
Dionysios Stivas
Nicholas Ross Smith
Câu hỏi bây giờ là Trung Quốc sẽ làm gì với các hình thức kiểm soát mới mà nước này có được khi mối đe dọa được khắc phục. Kinh nghiệm cho thấy “chính sách nâng cao mức an ninh” thành công có thể ảnh hưởng nặng nề đến mô hình quản trị một nước. Chẳng hạn như sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9, việc mở rộng các đặc quyền giám sát của chính phủ Hoa Kỳ đã kéo dài hơn một thập kỷ sau các sự kiện dẫn đến việc áp dụng các biện pháp này.
Nhưng trong trường hợp của coronavirus, câu hỏi không chỉ phát sinh đối với Trung Quốc. Những ảnh hưởng của chính sách siêu nâng cao mức an ninh về dịch bệnh này có thể được nhận thấy trên toàn thế giới. Sự quản lý sai lầm ban đầu của Nhà nước Trung Quốc đã làm cho bệnh dịch chuyển từ một vấn đề địa phương thành một vấn đề toàn cầu, và ngày nay, nhiều quốc gia khác đang khẩn trương đặt câu hỏi làm thế nào để đối phó với mối đe dọa này. Trớ trêu thay, một số lớn đã ca ngợi những ưu thế của mô hình Trung Quốc...
Phạm Như Hồ dịch
____
The Conversation là một mạng xã hội phi lợi nhuận xuất bản các bài viết của các nhà nghiên cứu và các giáo sư ở rất nhiều trường đại học và trung tâm nghiên cứu khắp thế giới. Nó được thành lập năm 2011 ở Úc và sau đó bành trướng sang các nước và lục địa khác, Anh (2013), Mỹ (2014), Phi Châu và Pháp (2015), Canada và Indonesia (2017), Tây Ban Nha (2018), v.v..
Tất cả các bài được xuất bản trên The Conversation đều được các giáo sư và nhà nghiên cứu soạn thảo trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Ban biên tập rất quan tâm đến việc các bài phải được soạn thảo với một ngôn ngữ dễ hiểu dành cho một quần chúng rộng rãi.




Chú thích:

[1] Giảng viên về quan hệ quốc tế tại trường đại học HongKong Baptist

[2] Phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại trường đại học Nottingham

Print Friendly and PDF