14.4.20

Chiến lược chống Covid-19 với chi phí thấp của Việt Nam


CHIẾN LƯỢC CHỐNG COVID-19 VỚI CHI PHÍ THẤP CỦA VIỆT NAM
Hong Kong Nguyen
8/4/2020
Thắt chặt kiểm soát biên giới, các cơ quan y tế phản ứng nhanh nhạy, nền tảng công nghệ, và một bài hát rửa tay lan truyền nhanh chóng trên mạng đã tạo nên một chiến lược chống COVID-19 đơn sơ nhưng rất hiệu quả. Sự thành công của quốc gia này là một mô hình mà các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi nên áp dụng.
EPPU - Khi đại dịch COVID-19 lây lan khắp nam bán cầu, các chính phủ của các quốc gia ở nam bán cầu có thể học được nhiều điều từ phương pháp chống dịch của Việt Nam. Thông tin rõ ràng và sự hợp tác giữa người dân và chính phủ làm đòn bẩy cho công nghệ là những yếu tố chính lý giải tại sao quốc gia này có khá ít ca nhiễm.
Người ta chú ý nhiều đến những mô hình khác ở châu Á. Các cơ quan quản lý y tế của Đài Loan điều tra các ca viêm phổi được ghi nhận ở Vũ Hán trước khi dịch lây lan ra cộng đồng. Hàn Quốc thiết lập một hệ thống chống dịch khẩn cấp hoạt động 24/24 để xét nghiệm tất cả những ai nhập cảnh từ Vũ Hán từ đầu tháng Một. Tương tự, Singapore huy động một lực lượng phản ứng liên cơ quan để truy tìm trên diện rộng những người tiếp xúc với người nhiễm, cách ly cộng đồng tập trung, và xét nghiệm đại trà, và chi trả toàn bộ chi phí xét nghiệm và chữa trị.
Các quốc gia này phản ứng kịp thời là do lãnh đạo của họ nhìn thấy rõ sự nghiêm trọng của [dịch bệnh gây ra bởi] chủng virus mới này. Chính phủ Việt Nam thắt chặt kiểm soát biên giới và đặt các bệnh viện và các cơ quan y tế địa phương vào trình trạng báo động cao đối với bệnh viêm phổi mới vào ngày 3/1 - trước ca tử vong đầu tiên ở Trung Quốc và chỉ ba ngày sau khi chính thức công bố dịch bùng phát ở đó. Việt Nam ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 23/1, và tình hình có vẻ trong tầm kiểm soát cho đến khi có một đợt gia tăng người nhiễm bệnh là du khách nước ngoài, người trở về từ nước ngoài và du học sinh. Tuy nhiên, Việt Nam đã xử lý khủng hoảng rất tốt và đã tránh được nguy cơ trở thành ổ dịch.
Không như trường hợp của Hàn Quốc đã chi rất nhiều tiền cho xét nghiệm đại trà, hay Singapore đã thiết lập hệ thống giám sát dịch tễ vững mạnh, có lẽ điểm sáng đáng chú ý nhất của Việt Nam là họ theo đuổi biện pháp tiết kiệm ngân sách nhưng đã mang lại hiệu quả tương đương. Mặc dù tiên lượng tỷ lệ lây nhiễm sẽ rất cao, vì có chung biên giới với Trung Quốc và hoạt động thương mại song phương với nước này rất tấp nập, nhưng Việt Nam có số ca nhiễm chỉ bằng 1/5 con số được ca tụng của Singapore, hiện chưa có ca tử vọng nào được ghi nhận. Nghiên cứu gần đây của chúng tôi về chính sách chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam cho thấy sự thành công bước đầu của quốc gia này trong việc làm chậm tốc độ lây nhiễm là do các cơ quan chính quyền chú trọng đến truyền thông và giáo dục cộng đồng thông qua các nền tảng công nghệ và nỗ lực truy tìm một cách có hệ thống những người mang virus.
Với 65% trong số 96 triệu dân Việt Nam có kết nối internet, các cổng thông tin chính thống và các kênh truyền thông xã hội (60% là Facebook) đã lan tỏa thành công thông tin về chủng virus mới. Trong thời đại mà rất khó để truy tìm và ngăn chặn thông tin không chính xác, việc nhận thức được nguy cơ, cụ thể là tỷ lệ lây nhiễm, là điểm then chốt để người dân sẵn lòng hợp tác, bằng biện pháp giãn cách xã hội hoặc tự cách ly.
Từ ngày 3/1, truyền thông của Việt Nam mô tả căn bệnh xuất phát từ Vũ Hán là bệnh viêm phổi “lạ” hay viêm phổi “bí ẩn”. Từ 9/1 đến 15/3, trung bình mỗi ngày có khoảng 127 bài báo về chủ đề dịch bệnh được đăng trên 13 trang tin trực tuyến phổ biến nhất, hạn chế tối đa sự lan truyền tin đồn và tin giả. Kết quả là người Việt nhìn chung không còn coi đại dịch COVID-19 chỉ là một loại cúm mùa, mà nhận thức rõ đó là bệnh nặng nghiêm trọng như dịch suy hô hấp cấp (SARS). Kinh nghiệm của cộng đồng chống dịch SARS, dịch cúm heo và cúm gia cầm, đã giúp định hình nhận thức về COVID-19, và có khả năng ảnh hưởng đến sự sẵn sàng chống dịch của người dân.
Việc triệt để truy tìm người tiếp xúc với người bệnh chỉ hiệu quả khi cá nhân hiểu được tính nguy cấp của vấn đề và sẵn lòng cung cấp thông tin trung thực và chi tiết về quá trình di chuyển và tiếp xúc của họ. Điều này đúng đối với cả các quốc gia độc đảng. Ở Việt Nam, người dân tự nguyện chia sẻ thông tin sức khỏe cá nhân thông qua ứng dụng NCOVI của chính phủ. Ứng dụng này lọt vào tốp ba ứng dụng miễn phí ở Việt Nam từ khi được đưa vào sử dụng vào ngày 10/3.
Mặc dù Việt Nam không có các ứng dụng tương đương do cộng đồng phát triển nhằm theo dõi những vị trí có người nhiễm bệnh hoặc những cá nhân có các triệu chứng đáng nghi, như các ứng dụng của Đài LoanHàn Quốc, nhưng các nền tảng công nghệ đã đóng vai trò rất quan trọng. Chúng cung cấp thông tin cập nhật về đại dịch và những lời khuyên phòng bệnh, nhanh chóng đính chính thông tin sai lệch, thu thập thông tin một cách có hệ thống, và xác định các cụm nhiễm bệnh sớm nhất có thể.
Công nghệ cũng giúp những người chống đại dịch. Trong vòng ba tháng kể từ khi đại dịch bùng phát, các bệnh viện địa phương, các viện nghiên cứu, và các trường đại học đã tạo ra các nền tảng đáng tin cậy để theo dõi những ca cách ly vì COVID-19, tăng sản xuất nước rửa tay, công bố các phát hiện lâm sàng quan trọng về dịch bệnh, và phát triển các bộ xét nghiệm phát hiện virus gây dịch bệnh với chi phí thấp.
Đầu tư cho việc kiềm chế và chống đại dịch có thể bằng các hình thức khác, tuy đơn giản nhưng có tác động mạnh. Bài hát “Ghen Co Vy,” đã trở thành hiện tượng mạng toàn cầu (không có ý chơi chữ) sau khi xuất hiện trên chương trình truyền hình Last Week Tonight với John Oliver, đã giúp xây dựng ý thức cộng đồng về chủng virus mới và tầm quan trọng của việc rửa tay. Đáng chú ý hơn, khi việc cách ly tập trung bắt buộc đối với tất cả những ai trở về từ nước ngoài được thắt chặt từ cuối tháng Ba, người dân cập nhật và đánh giá quy mô cũng như chất lượng các khu cách ly tập thể do nhà nước vận hành, thức ăn, kiểm tra sức khỏe, và xét nghiệm đã thu hút hàng ngàn tương tác trên Facebook. Hàng trăm bức ảnh về những suất ăn sáng, trưa, chiều, và quà vặt khuya được gói cẩn thận lan truyền rộng rãi cho thấy hai tuần cách ly được cảm nhận đầy thiện cảm, góp phần khuyến khích người dân nghiêm chỉnh chấp hành.
Khi trận đại dịch toàn cầu đang ngày một xấu đi và sự bất định bao trùm gần như khắp thế giới, kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy một quốc gia thiếu thốn nguồn lực với hệ thống y tế còn nhiều hạn chế có thể kiểm soát được đại dịch bằng cách chú trọng vào việc đánh giá rủi ro sớm, truyền thông hiệu quả và sự hợp tác giữa người dân và chính phủ. Khi đối mặt với một ẩn số không xác định, lãnh đạo quyết đoán, thông tin chính xác, và tinh thần đoàn kết cộng đồng tạo nên sức mạnh để chúng ta tự bảo vệ mình - và những người khác.
Về tác giả:
Hong Kong Nguyen là nghiên cứu viên của Trung Tâm Trí tuệ nhân tạo dành cho Dữ liệu Xã hội tại Hà Nội.
Trần Thị Minh Ngọc dịch
Nguồn: Vietnam’s Low-Cost COVID-19 Strategy”, Project Syndicate, 8/4/2020.
Print Friendly and PDF