2.4.20

Virus Corona: Hàn Quốc đã làm thế nào để ngăn chặn dịch bệnh mà không bắt chước Trung Quốc


VIRUS CORONA: HÀN QUỐC ĐÃ LÀM THẾ NÀO ĐỂ NGĂN CHẶN DỊCH BỆNH MÀ KHÔNG BẮT CHƯỚC TRUNG QUỐC
(Nguồn: pri.org) Người dân Hàn Quốc tự bảo vệ khỏi Covid-19 bằng cách đeo khẩu trang.
Mặc dù là một trong những nước đầu tiên bị ảnh hưởng, Hàn Quốc trong vài ngày qua đã ghi nhận ngày càng ít số ca bị nhiễm virus Covid-19 mới trên lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, Seoul đã không áp dụng các biện pháp phong tỏa quyết liệt giống như Trung Quốc, và giờ là Italia, Pháp và Tây Ban Nha. Làm thế nào để giải thích sự thành công trong chiến lược của họ?
Vào hôm thứ Hai này, ngày 16 tháng 3, Hàn Quốc báo cáo có 74 ca nhiễm Covid-19 mới trên lãnh thổ của họ. Con số này, ít hơn con số 100, cũng thấp hơn con số bệnh nhân được chữa khỏi. Tuy nhiên, con số tử vong vẫn ở mức 75. Cùng lúc đó, con số bệnh nhân bị nhiễm virus Corona mới ở Pháp không ngừng gia tăng. Vào hôm thứ Ba, ngày 17 tháng 3, đã có 9.134 ca được xác nhận nhiễm virus, tức cao hơn 1.404 ca so với ngày hôm trước và đã có 264 ca tử vong.
KINH NGHIỆM VỀ DỊCH BỆNH
Việc so sánh diễn biến những ca được xác nhận bị nhiễm Covid-19 trong thời gian thực theo từng quốc gia là rất thuyết phục. Các quốc gia phương Tây, Iran và Brazil, trước giờ, không có kinh nghiệm về loại dịch này: họ bị bất lợi đáng kể trước các quốc gia châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, Singapore và Hồng Kông. Trong vòng mười lăm năm qua, các quốc gia châu Á đã bị ảnh hưởng bởi virus SARS vào năm 2003 và virus MERS vào năm 2015.
Diễn biến số ca được xác nhận bị nhiễm Covid-19, theo từng quốc gia (Nguồn: FT Analysis, John Hopkins University)
Tình hình ở Trung Quốc thì khác: họ đã chậm trễ trong việc thừa nhận sự tồn tại của virus. Ở Vũ Hán, chính quyền, khi tuyên bố phong tỏa thành phố, đã chờ đến ba ngày để triển khai biện pháp đó vào đêm hôm trước kỳ nghỉ lễ Tết nguyên đán. Trong thời gian đó, đã có 5 triệu người rời khỏi thành phố và phát tán virus ở Trung Quốc và các nơi khác. Điều đó đã biện bạch cho những biện pháp quyết liệt đã được triển khai, giúp ngăn chặn sự lây lan của virus. Tuy vậy, sự thành công đó không đủ sức để làm cho Trung Quốc trở thành một mô hình quản lý virus Covid-19.
Vào ngày 20 tháng 2 năm 2020, đã có 100 ca được xác nhận bị nhiễm virus Covid-19 ở Hàn Quốc, nước với dân số 50 triệu người. Mười ngày sau, con số bị nhiễm đã gần tăng lên 3.000 ca. Sau đó, sự lây lan virus đã chậm lại. Theo bảng xếp hạng số ca bị nhiễm được công bố, Hàn Quốc, nước đứng sau Trung Quốc, đã bị Italia, Iran, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ và Pháp vượt qua.
khưỚc TỪ CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC
Hàn Quốc đã đi theo một chiến lược độc đáo, được giải thích bằng nhiều nhân tố: kinh nghiệm trong quá khứ, chất lượng của hệ thống y tế và các phương thức chi trả cho các dịch vụ chăm sóc y tế, mức thu nhập và tất nhiên là hệ thống chính trị. Ở châu Âu, Italia, Thụy Sĩ và Pháp đã áp dụng biện pháp phong tỏa. Về phần mình, nữ Thủ tướng Đức khuyên người dân nên ở nhà, nhưng vẫn từ chối áp dụng biện pháp phong tỏa, mà theo bà Angela Merkel, được xã hội coi là mang tính toàn trị. Đây cũng là trường hợp ở Hàn Quốc, nơi mà xã hội dân sự sẽ khước từ một biện pháp lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của Trung Quốc. Chính quyền đã đóng cửa các trường học, cấm tụ tập và khuyến khích làm việc từ xa, nhưng đã không chọn biện pháp phong tỏa. Hoạt động của đất nước đã chậm lại nhưng không dừng lại.
Chiến lược của Hàn Quốc dựa trên bộ ba biện pháp là “phát hiện, xét nghiệm và điều trị”. Một lựa chọn được giải thích bởi ký ức buồn do công tác quản lý hỗn loạn đối với hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS, Middle East Respiratory syndrome) vào năm 2015.
thỜi hỖn loẠn cỦa virus mers
Xuất hiện ở Ả Rập Saudi vào năm 2012, virus MERS thuộc họ virus SARS. Bệnh đã lan rộng ra khoảng 20 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, sau khi được một doanh nhân mang vào, vào năm 2015. Quốc gia này là nước bị ảnh hưởng nặng nhất sau Ả Rập Saudi với 180 ca bị nhiễm và 37 ca tử vong, tức là tỉ lệ tử vong 20%, nghĩa là cao hơn trường hợp của virus Codiv-19. Chính quyền Hàn Quốc đã chậm chạp trong việc xử lý nguy cơ. Bị nghi có tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh, đã có 25.508 người Hàn Quốc bị cách ly và 2.000 trường học bị đóng cửa. Thế nhưng, các biện pháp đó đã không làm chậm lại sự lây lan virus. Lý do, bệnh nhân thường đến nhiều cơ sở y tế để chẩn bệnh, và các phòng cấp cứu được tổ chức kém, buộc họ phải chia sẻ không gian nằm bệnh.
Một tháng sau, chính phủ Hàn Quốc, thừa nhận thất bại, đã yêu cầu sự giúp đỡ từ Trung tâm phòng chống dịch bệnh ở Washington và từ tổ chức WHO. Tổ chức quốc tế đã chỉ trích nặng nề sự bất cập trong việc kiểm soát dịch bệnh lẫn nhận thức thấp của đội ngũ y tế và công chúng về sự nguy hiểm của virus. Khi tính đến sự chỉ trích nói trên, các bệnh viện Hàn Quốc đã tự trang bị lại và điều chỉnh lại các quy trình chăm sóc. Ngoài ra, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc cũng đã thành lập một bộ phận đặc biệt để chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
SỰ GIA TĂNG chỚp nhoáng sỐ CA BỊ NHIỄM virus
Ca đầu tiên bị nhiễm virus Covid-19 ở Hàn Quốc là một phụ nữ Hàn Quốc đến từ Vũ Hán vào đầu tháng Hai. Số ca bị nhiễm đã tăng lên một cách chậm chạp cho đến bệnh nhân #31, một nữ cư dân của thành phố Daegu (2,5 triệu cư dân). Bệnh nhân #31 đã tiếp xúc với 1.100 người thuộc Giáo hội Chúa Giêsu, một tổ chức có hơn 200.000 tín đồ ở thành phố này.
Từ đó, số ca bị nhiễm virus đã tăng lên hơn 100 ca một ngày vào ngày 23 tháng 2. Dòng bệnh nhân đã đầy ứ các cơ quan y tế, khiến Hàn Quốc trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi virus sau Trung Quốc. Vào ngày 17 tháng 2, Tổng thống Moon Jae-in đã cảnh báo công chúng về mối nguy nghiêm trọng này, lớn hơn virus MERS, và tuyên bố tăng cường các biện pháp phòng chống. Mười hai ngày sau, với 909 ca nhiễm mới, theo số liệu của chính phủ, dịch bệnh đã lên đến đỉnh điểm.
ƯU TIÊN CHO VIỆC XÉT NGHIỆM
Từ chối áp dụng các biện pháp phong tỏa đối với một nước nằm trong số những nước dân chủ nhất ở châu Á, chính phủ đã ưu tiên cho việc xét nghiệm. Trong hai tuần, Hàn Quốc đã thiết kế một bộ xét nghiệm và phát triển một mạng lưới các trung tâm xét nghiệm, có khả năng xét nghiệm 15.000 bệnh nhân mỗi ngày, một công suất chưa từng có trên thế giới. Các bác sĩ được phép chỉ định xét nghiệm, các trung tâm xét nghiệm được thiết lập bên ngoài bệnh viện, và người dân không phải rời khỏi xe của mình để được xét nghiệm trong vòng mười phút. Kết quả xét nghiệm, sau đó, được nhanh chóng công bố và người cần chăm sóc y tế sẽ được chuyển đến bệnh viện, trong khi những người khác được điều trị tại nhà. Vào giữa tháng 3, Hàn Quốc đã xét nghiệm hơn 270.000 người, thay vì 21.000 người ở Nhật Bản, 30.000 người ở Úc và 11.500 người ở Hoa Kỳ.
Quá trình xét nghiệm, nhập viện và điều trị virus Covid đều miễn phí. Những người không có toa thuốc có thể mua thuốc tới 130 US$. Để so sánh, để xét nghiệm người bệnh phải trả 2.000 US$ ở Hoa Kỳ. Cuối cùng, chi phí của công cuộc quản lý theo kiểu Hàn Quốc này, lấy tiền từ nguồn quỹ chi tiêu công, thấp hơn rất nhiều so với việc dừng lại hoạt động kinh tế trong một tháng rưỡi. Và điều đó đã được chứng minh là đặc biệt hiệu quả trong việc kiềm chế dịch bệnh. Sự tập trung vào thành phố Daegu đã góp phần vào thành công đó, nhưng hãy nhớ rằng cho đến giữa tháng 1, tình hình Trung Quốc cũng không khác lắm, vì dịch bệnh tập trung ở Vũ Hán. Hơn nữa, kết quả xét nghiệm của Hàn Quốc cho thấy có khoảng 3% trong số 270.000 người được xét nghiệm là mang mầm virus, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ quan sát được ở Trung Quốc giữa số ca bị nhiễm được báo cáo và tổng dân số (0,06%). Nói cách khác, số ca mang mầm virus của Trung Quốc có thể cao gấp 50 lần so với số ca bị nhiễm được phát hiện.
Diễn biến số ca bị nhiễm virus Covid-19 ở Hàn Quốc (dữ liệu của WHO)
Hàn Quốc đã không chiến thắng trong cuộc chiến chống virus Covid-19, nhưng họ đã thắng một trận chiến. Một thắng lợi sẽ cho phép họ tấn công vào nhiều ổ virus mới đang xuất hiện trong những ngày qua, trong khi sự tái phát đã được ghi nhận ở nhiều nước châu Á, ngoại trừ Trung Quốc.
Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière

Jean-Raphaël Chaponnière là thành viên nhóm Asie21 (Futuribles) và là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles). Ông là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Tác phẩm mới nhất của ông, đồng tác giả với M. Lautier: Economie de l'Asie du Sud-Est, au carrefour de la mondialisation [Kinh tế Đông Nam Á, ở ngã tư toàn cầu hóa] (Bréal, 2018) và Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường]” (Armand Colin, 270 trang, 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF