4.4.20

Nicolas Celnik phỏng vấn Antonio Casilli: “Sự cách ly khác nhau tuỳ vào vị thế trong xã hội”


NICOLAS CELNIK[*] PHỎNG VẤN ANTONIO CASILLI: SỰ CÁCH LY KHÁC NHAU TÙY VÀO VỊ THẾ TRONG XÃ HỘI
Paris, hôm thứ ba 24.3.2020. Ảnh của Albert Facelly
Đối với nhà xã hội học Antonio Casilli, cuộc khủng hoảng virus Corona biểu lộ sự bất bình đẳng giữa những người có thể làm việc từ xa và nhân viên ở cuối chuỗi giao dịch, nhân viên thu ngân, người giao hàng hoặc người vận chuyển, những ngành nghề trên thực địa là rất cần thiết. Bất chấp những lời hứa của chính sách tất cả dựa trên kỹ thuật số.

Antonio Casilli (1972-)
Sự phong tỏa liên quan đến coronavirus làm sáng tỏ những giới hạn của xã hội thuần kỹ thuật số: các cuộc hội họp qua truyền hình không thể thay thế bạn bè, làm việc từ xa trở nên nặng nề mà không có bất kỳ sự tiếp xúc nào với thực tế, máy tính của những người có nó thì bị hỏng. Đối với nhà xã hội học Antonio Casilli, giáo sư tại Trường Télécom Paris, cuộc khủng hoảng cho thấy các đường gãy xã hội làm nền tảng cho sự bất bình đẳng kỹ thuật số này, giữa các công nhân ở cuối chuỗi giao dịch (nhân viên thu ngân, nhân viên giao hàng, nhân viên vận chuyển, v.v.) và các cán bộ điều hành từ xa, hay còn tốt hơn nữa từ căn nhà ở nông thôn. Đối với tác giả của cuốn En attendant les robots. Enquête sur le travail du clic (Trong khi chờ đợi các Robot, Điều tra về công việc nhấp chuột, NXB Seuil, 2019), cuộc khủng hoảng này còn có thể có một hậu quả không ngờ: trí tuệ nhân tạo, khi bị mất đi các nhân viên nhấp chuột, trong những tháng tới có nguy cơ trở nên kém thông minh hơn.
Lợi dụng sự cách ly phải chăng là một đặc quyền mang tính giai cấp?
Sự cách ly khác nhau tùy vào vị thế trong xã hội. Đối với những người có vốn tài chính cho phép họ có bất động sản, căn nhà thứ hai để nghĩ dưỡng, vườn, sự cách ly có thể biến thành một trải nghiệm về hưu trí, giải trí, việc cắt đứt sự kết nối. Họ thường là những người thuộc các nhóm xã hội giàu có nhất, những người có vốn xã hội lớn hơn mà, ở thời điểm bình thường, đã bị nhắm đến bởi diễn ngôn về sự “giải độc xã hội” này. Điều đó đã không thay đổi: sự cách ly hiện được xem là một cơ hội để thoát khỏi việc đua nhau phải có giao du xã hội rộng rãi mà họ phải đối phó trước đây.
Nhưng cũng có những người bị bỏ rơi bền lề đường: những người thuộc các giai cấp bình dân bảo đảm những last miles jobs (việc làm ở những chặng đường cuối - BBT). Họ là những người thực hiện phần cuối của chuỗi sản xuất hoặc cung ứng: giao hàng, vận chuyển, lái xe, đóng gói, bán hàng. Họ thực hiện các hoạt động đặt họ trong những tình huống gần gũi với người khác - và do đó có nguy cơ bị nhiễm cao hơn.
Sự phong toả tiết lộ gì về bản chất của những ngành nghề này?
Điều đầu tiên là các nghề nghiệp này không dừng lại với sự phong toả. Trong những năm gần đây, những nhân viên này là những người phải hứng chịu sự bấp bênh nhất, bởi vì họ đã phải gánh chịu sự xói mòn những quyền lợi của chính mình; họ thường được chuyển đổi thành những người làm việc tự do bấp bênh, hoặc đã bị “uber hóa”. Các công đoàn bắt đầu được nghe, để nói rằng những tình huống này sẽ sớm trở nên bi thảm bởi vì những người lao động này không còn có nguồn thu nhập ổn định và do đó sẽ phải chịu những tổn thất nặng nề trong những tháng tới, và họ không có quyền thụ hưởng các quyền xã hội, dành riêng cho người làm công ăn lương. Vị trí của họ cho thấy sự phong tỏa là một cơ chế xã hội hai tốc độ.
Nhân viên y tế cũng là một ví dụ đáng chú ý về sự cần thiết phải bảo vệ tất cả các công việc đòi hỏi sự gần gũi với công chúng. Không chỉ cần phải ngăn chặn sự xói mòn các thành tựu xã hội của họ, được các chính phủ của thập kỷ trước công nhận, mà còn phải hành động để khái quát chúng cho các ngành nghề khác ở chặng cuối cùng của sự giao dịch.
Dịch virus Corona có làm cho sự bất bình đẳng nổi bật hơn nữa không?
Cuộc khủng hoảng này là một chất xúc tác rất mạnh làm biểu lộ nhiều mặt kinh tế và xã hội: mặt nạ đang rơi xuống và, trong trường hợp một số ngành nghề mới liên quan đến công nghệ kỹ thuật số, những người đã từng nghĩ rằng họ là những người làm việc cao thượng, những người làm nghề tự do có thể lựa chọn điều kiện cho chính mình, nay phải thừa nhận rằng họ phải chịu đựng một phần hoàn cảnh của chính họ. Ít nhất, điều này cũng có giá trị là giúp cảnh báo về sự bấp bênh của những ngành nghề như thiết kế đồ họa, dịch thuật, thiết kế mà phần lớn trong những năm vừa rồi, là do những nền tảng kỹ thuật số.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng, làm việc từ xa đã được trình bày như là liều thuốc chữa bách bệnh. Nhưng lập luận này có giới hạn. Để có thể làm việc từ xa đúng cách, bạn cần có một ngôi nhà phù hợp, đòi hỏi phải có đủ vốn kinh tế. Đối với những người sống trong một vài mét vuông hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đặc biệt là phụ nữ, việc làm từ xa có thể trở thành một hình phạt kép: ngoài sự khó nhọc và nhịp độ của công việc của họ tại một chỗ ở không phải là luôn luôn phù hợp, họ còn phải đảm nhận cùng lúc công việc canh chừng con cái hoặc người già.
Thế còn “nhân viên vi mô trên mạng web” mà ông đã nghiên cứu trong cuốn sách mới nhất của ông, Trong khi chờ đợi các robot, thì sao?
Những người này thực hiện các nhiệm vụ phân mảnh để hiệu chỉnh trí tuệ nhân tạo, thường là từ thiết bị của chính họ. Mặc dù bản chất của nghề nghiệp của họ làm cho họ trở thành ứng cử viên lý tưởng cho việc làm việc từ xa, đây không phải là trường hợp của tất cả các loại công nhân vi mô. Người điều hành các mạng nối kết xã hội thực hiện những nhiệm vụ có mức độ bảo mật rất cao: họ làm việc với những dữ liệu nhạy cảm. Các hợp đồng ràng buộc họ với các doanh nghiệp - cho dù đó là các tập đoàn lớn như Facebook hay các nhà thầu phụ - đều có các điều khoản rất chặt chẽ về việc cấm tiết lộ. Người chủ buộc họ làm việc với một nhịp độ không thể chịu nổi, họ không được phép mang theo điện thoại thông minh hoặc bất cứ thứ gì để ghi chú, do yêu cầu bảo mật. Họ gần như trong một tình huống bị giam cầm. Đây là lý do tại sao họ không thể làm việc từ xa, ngay cả trong giai đoạn đặc biệt này: đối với một số người, họ buộc phải đến công sở, khi các giám đốc điều hành của cùng một công ty có thể làm việc ở nhà.
Nicolas Celnik
Những người lao động vi mô cũng là những người lao động làm việc ở chặng cuối mà sự hữu ích không được biết đến. Đó không phải là chặng cuối trong quy trình giao hàng, mà là chặng cuối của các dịch vụ kỹ thuật số. Đây là những người chịu trách nhiệm điều chỉnh mô hình lý tưởng của một phần mềm, chẳng hạn như GPS hoặc hệ thống bán hàng trực tuyến của bạn, với điều kiện cụ thể của người sử dụng. Họ cải tiến trí tuệ nhân tạo, hiệu chỉnh thuật toán. Nếu họ ngừng hoạt động vi mô, vì họ bị nhiễm bệnh hoặc buộc phải ngừng hoạt động vì bị giam ở nhà, thì toàn bộ chuỗi sản xuất trí tuệ nhân tạo này bị gián đoạn. Cộng đồng đại học đã dự đoán điều này: sự phong tỏa gây ra sự đứt đoạn của một số chuỗi sản xuất dữ liệu. Do đó, người ta dự đoán rằng các trí tuệ nhân tạo có thể nói là sẽ kém thông minh trong những tháng tới. Điều này có thể có nghĩa là cái loa được kết nối của bạn sẽ đưa ra các khuyến nghị âm nhạc kém hơn. Nhưng nó cũng có thể có những hậu quả nghiêm trọng hơn: ảnh hưởng đến các quyết định của tòa án ở một số quốc gia hoặc xác định liệu tín dụng sẽ được cấp hay không.
Chúng ta thấy ở đây giới hạn của những người khuyến nghị, cả ở cấp chính phủ Pháp và ngành công nghiệp, sử dụng mạnh hơn công nghệ thông minh để đối phó với dịch bệnh.
Tóm lại, virus cho thấy tất cả các lỗ hổng trong vũ trụ công nghệ trơn tru và hoàn hảo mà một số người đã muốn tưởng tượng là đã hiện hữu, và làm rõ thực tế rằng trí tuệ nhân tạo không tự trị mà cần vô số người lao động nhỏ bé để được vận hành.
Phạm Như Hồ dịch




Chú thích:

[*] Nicolas Celnik là phóng viên báo Libération. Ông quan tâm đặc biệt đến các vấn đề văn hóa, các vấn đề của xã hội và quốc tế.

Print Friendly and PDF