29.4.20

Các tổ chức quốc tế: mối đe doạ của sự thống trị của Trung Quốc đang được cụ thể hoá


CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ: MỐI ĐE DỌA CỦA SỰ THỐNG TRỊ CỦA TRUNG QUỐC ĐANG ĐƯỢC CỤ THỂ HÓA

Buổi họp báo ngày 26.2.2020 của đại sứ Trung Quốc Chen Xu tại Văn phòng Liên hợp quốc ở Genève về cuộc bầu cử sắp tới vào chức vụ lãnh đạo Tổ chức Thế giới về Sở hữu trí tuệ. Fabrice Coffrini/AFP
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) dường như ở một vị trí mạnh mẽ để áp đặt quan điểm của mình trong các tổ chức quốc tế chính. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) - hai cơ quan mà sự thiếu vắng tính trung lập đã đẩy nhanh đại dịch khủng khiếp nhất thế kỷ 21 - đã bị đặt dưới sự ảnh hưởng của họ. ICAO và ba cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc trong tổng số mười lăm - Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) - được lãnh đạo bởi những người Trung Quốc, nhiều gấp ba lần bất cứ quốc gia nào khác và có bảy phó tổng giám đốc người Trung Quốc trong các tổ chức quốc tế này, cũng là một con số kỷ lục. Cuối cùng, vào đầu tháng 4, Trung Quốc đã tham gia một nhóm tư vấn lớn của Hội đồng Nhân quyền LHQ chỉ gồm năm quốc gia.
Trung Quốc - mà ta cần phải nhắc lại là nước đã đưa ra sáng kiến thành lập nhiều tổ chức đa phương ở cấp khu vực hay lĩnh vực, những tổ chức trong đó Trung Quốc đã giành được một ảnh hưởng to lớn (kiểu tổ chức 17+1, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Ngân hàng Châu Á đầu tư Cơ sở hạ tầng (AIIB), v.v.) để nhân đôi hệ thống quốc tế - đặc biệt đã cho thấy tinh thần tiến công ở Liên Hiệp Quốc, tập trung ưu tiên vào các lĩnh vực mà họ cho là có tầm quan trọng chiến lược.
Trung Quốc/Mỹ: cuộc đấu của thế kỷ
Trớ trêu thay, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và những người sáng lập nó, trước hết là Mao Trạch Đông, chỉ chấp nhận lợi ích của chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế rất muộn khi hất cẳng đối thủ của họ, Cộng hòa Trung Hoa (Đài Loan), ra khỏi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với tư cách là thành viên thường trực. Đó là vào năm 1971, và với sự hỗ trợ - vì những lý do thường khác nhau - về ngoại giao của Pháp (một di sản của De Gaulle), của các quốc gia châu Phi mới được phi thực dân hóa và của Hoa Kỳ của Richard Nixon vốn muốn tiếp cận Trung Cộng để xây dựng thế đối trọng với Liên Xô. Thế quân bình này không còn nữa, và lịch sử gần đây nhất cho thấy hai xu hướng cạnh tranh đối lập Trung Quốc và Mỹ.
Cuộc gặp gỡ song phương giữa Tập Cận Bình và Donald Trump bên lề cuộc họp thượng đỉnh của nhóm G.20 tại Osaka ngày 29 tháng sáu năm 2019. Brendan Smialowski/AFP
Một mặt, Washington, vốn tố cáo sự bất lực của Liên Hiệp Quốc trong khi đóng góp vào ngân sách với tỷ lệ 27,9%, lại thường không cần đến sự bảo lãnh của Tổ chức để hành động một mình. Mặt khác, Trung Quốc, mà sự đóng góp cho ngân sách của Liên Hiệp Quốc là 15,22%, đã dựa vào tính chính đáng của họ với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, đồng thời là “quốc gia đang phát triển lớn nhất”, để kết hợp xung quanh họ những quốc gia (chủ yếu, nhưng không chỉ là Thế Giới Thứ Ba) nhằm tranh cãi ưu thế của Mỹ và Phương Tây.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã thành lập Quỹ Hòa Bình và Phát Triển (Peace and Development Fund) mà sự phân bổ được cùng quyết định bởi các nhà ngoại giao Trung Quốc và ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Do đó, Trung Quốc có được trong các cơ chế của Liên Hiệp Quốc, một thế lực vượt xa việc đơn giản sử dụng quyền phủ quyết của mình, và cũng vượt quá ảnh hưởng truyền thống của họ trong Đại hội đồng của LHQ, nơi họ trong thập kỷ qua đã xây dựng thành công nhiều liên minh biểu quyết hơn bất kỳ quốc gia thành viên nào khác.
Tiến tới sự trung quốc hóa các chuẩn mực quốc tế?
François Godement (1949-)
Tại Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc sử dụng vận động hành lang, đe dọa và trừng phạt, kể cả thông qua các đòn bẩy ngân sách cho phép họ ví dụ chặn lại các hoạt động gìn giữ hòa bình bao gồm các khía cạnh bảo vệ nhân quyền.
Mới đây, ngôn ngữ của Những Con đường tơ lụa mới (sáng kiến ​​Vành đai & Con đường, viết tắt BRI), đã được du nhập vào nhiều tuyên bố và tổ chức của Liên Hiệp Quốc, trở thành chủ đề hàng đầu. Do đó, nhà nghiên cứu François Godement nhấn mạnh, trong một báo cáo gần đây của Viện Montaigne:
“Ngay cả Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người Tị Nạn, mà những nhiệm vụ dường như khá xa vời với những thách thức của các con đường tơ lụa mới, cũng đã cảm thấy cần phải ký một Bản ghi nhớ hành động về BRI với Bắc Kinh.”
Mặt khác, thái độ của Trung Quốc đối với các thủ tục giải quyết tranh chấp và đặc biệt là đối với cơ chế trọng tài quốc tế đã thay đổi khi nền kinh tế của nước này mở cửa cho thương mại và đầu tư quốc tế. Dường như trào lưu thuận lợi cho một hình thức “chuẩn hóa” dần những thực tiễn của Trung Quốc với các thực tiễn của các đối tác nước ngoài, đang mạnh lên không những khi vị thế đàm phán của Trung Quốc được củng cố trong các dự án liên quan đến BRI mà còn trong mong muốn đi kèm theo để tăng giá trị của các tiêu chuẩn và mô hình độc đáo của họ.
Nguy cơ là, cuối cùng, chỉ có một vài trung tâm được thành lập ở Trung Quốc (ví dụ, Thâm Quyến và Tây An) sẽ được yêu cầu giải quyết tranh chấp về các khoản đầu tư được thực hiện trong khuôn khổ dự án BRI. Trong quá trình này, sự can thiệp của các chuyên gia nước ngoài có thể bị giới hạn trong giai đoạn hòa giải, giai đoạn ra quyết định được dành cho các trọng tài Trung Quốc.
Được xem lúc ban đầu như là mang tính giải phóng, công nghệ đã dần dần bẫy cộng đồng Duy Ngô Nhĩ http://bit.ly/2W8XHgN.

Ren Zhiqiang (1951-)
Những gì có thể quan sát được trong lĩnh vực luật thương mại cũng có thể quan sát được ở khả năng của Bắc Kinh trong việc áp đặt quan điểm của mình đối với cộng đồng quốc tế về các chủ đề liên quan đến quyền con người trên toàn thế giới, như quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo kể từ khi Trung Quốc gia nhập Hội đồng nhân quyền của Liên hiệp quốc (HRC). Giờ đây, họ có thể thực thi quyền lực độc đoán và kiểm duyệt về sự đàn áp người Duy Ngô Nhĩ - với một triệu người đang sống leo lắt (sống dở chết dở) trong các trại giam - và những người bất đồng chính kiến ​​quốc gia như Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang)... một cách hợp pháp. Không sợ bị trừng phạt, họ sẽ có thể hỗ trợ các lập trường của bốn chế độ độc tài nhưng cũng là đồng minh, đã là thành viên của Hội đồng, đó là Venezuela, Pakistan, Eritrea và Qatar. Chiến lược toàn cầu này trong ngắn hạn có thể cung cấp một khung pháp lý cho vài hoạt động đối ngoại nhất định được dự kiến ​​bởi Bắc Kinh. Tất nhiên, chúng ta nghĩ đến Đài Loan, nhưng cả đến những quốc gia nằm xa hơn ở vùng ngoại vi, đặc biệt là ở Châu Phi, giống như việc sơ tán một phần các công dân Trung Quốc khỏi Libya vào năm 2011.
Khống chế các tổ chức quốc tế của Liên Hiệp Quốc
Như đã nói, Trung Quốc đang dấn thân vào chiến lược nhằm khống chế các tổ chức quốc tế, bao gồm cả các cơ quan của Liên Hiệp Quốc.
Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu), cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, lãnh đạo FAO kể từ tháng 6 năm 2019 sau một trận chiến giành ảnh hưởng với Châu Âu và Mỹ. Sự ứng cử của ông đã nhận được một khối lượng phiếu lớn lao của các quốc gia Châu Phi. FAO sản xuất các chuẩn mực và quy định trong lĩnh vực rất chiến lược của nông nghiệp và thực phẩm. Chúng ta hãy nhớ lại ở đây rằng Trung Quốc là nước có ngành ngư nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản lớn nhất trên thế giới, mà nhu cầu thực phẩm đã cấu trúc hóa từ 30 năm nay sự tăng trưởng quốc tế trong lĩnh vực ngư nghiệp và nông nghiệp.
Tổng giám đốc FAO sắp mãn nhiệm, người Brazil Jose Graziano da Silva (phải), chào mừng Tổng giám đốc FAO mới, người Trung Quốc Khuất Đông Ngọc, vào ngày 23 tháng 6 năm 2019, được bầu tại Hội nghị FAO lần thứ 41 tại trụ sở của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Rome. Vincenzo Pinto/AFP
Liễu Phương (Fang Liu), cựu lãnh đạo của cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc, đã gia nhập ICAO vào năm 2007. Bà là giám đốc của ICAO từ năm 2015 (với nhiệm kỳ thứ hai). Vai trò của ICAO là chuẩn hóa vận tải hàng không quốc tế. Tổ chức này tạo ra các chuẩn mực được áp dụng cho toàn thế giới và giám sát tất cả các chuyến bay hàng ngày trên toàn thế giới.
Fang Liu (1962-)
Li Yong (1951-)
Lý Dũng (Li Yong), cựu phó bộ trưởng tài chính tại Trung Quốc, đã lãnh đạo UNIDO từ năm 2013 (cũng với nhiệm kỳ thứ hai). Tổ chức này thúc đẩy phát triển công nghiệp ở các nước đang phát triển. Đây là một sự tiếp sức đáng kể cho việc thúc đẩy “mô hình” phát triển của Trung Quốc.
Cuối cùng, Triệu Hậu Lân (Zhao Houlin), người đứng đầu văn phòng tiêu chuẩn hóa viễn thông Trung Quốc, đã tham gia IUT vào năm 2015. Từ năm 2018, Ông là người lãnh đạo tổ chức này phụ trách sự điều tiết viễn thông trên thế giới (chuẩn mực, phân bổ tần số vô tuyến, việc cấp quỹ đạo cho các vệ tinh, Internet tốc độ cao, hàng hải và hàng không, truy cập Internet, v.v.).
Zhao Houlin (1950-)
Wang Binying
Mới đây (vào đầu tháng 3), Wang Binying, một trong những ứng cử viên cho vị trí tổng giám đốc của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) (bà đã là phó giám đốc của một trong những vụ ở đó), đã bị đánh bại với 28 phiếu so với 55 phiếu dành cho ông Daren Tang Singapore. Trong khi Trung Quốc đã biến sự chuyển giao công nghệ và sự lẫn tránh các cơ chế về sở hữu trí tuệ thành những công cụ thiết yếu cho sự phát triển kinh tế và địa chính trị của mình, thì sự ứng cử của một viên chức Trung Quốc của Liên Hiệp Quốc vào Tổ Chức Sở Hữu Trí Tuệ Thế Giới (WIPO) đã khơi mào một cuộc chiến ngoại giao với Tây Phương, đứng đầu là Mỹ.
Cuối cùng, một người Trung Quốc cũng đang ứng cử cho vị trí lãnh đạo của Cục các Hoạt động gìn giữ hòa bình (DPKO). Mặc dù Trung Quốc không tham gia quân sự vào các vấn đề an ninh quốc tế lớn, nhưng việc họ tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình cho phép họ thu thập thông tin, củng cố chuyên môn và tăng cường ảnh hưởng trong các khu vực nhạy cảm trên thế giới có sự hiện diện của những Lính Mũ Nồi Xanh (lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc).
Cuối cùng, các tổ chức khác cúng cần được theo dõi rất chặt chẽ. Ảnh hưởng mà Trung Quốc có thể gây ra và những được mất chiến lược mà chúng có thể có đối với Bắc Kinh khiến chúng trở thành những thách thức tương lai của các cuộc đấu tranh quyền lực: Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), các Tòa án Quốc tế, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), v.v..
Cuộc chiến đã bắt đầu
Emmanuel Lincot (1970-)
Emmanuel Véron
Nếu chỗ trống do Mỹ để lại, sự phân hóa trong Phương Tây và hoạt động rất kiên nhẫn và tích cực của Trung Quốc đã góp phần định hình cảnh quan của Liên Hiệp Quốc ngày nay, thì thí dụ của thất bại chua cay mà Bắc Kinh đã phải chịu để kiểm soát WIPO có thể tạo thành tiền lệ, đặc biệt với sự phơi bày dần sự phát triển của ảnh hưởng của Trung Quốc trong các tổ chức và sự che giấu quy mô lớn cuộc khủng hoảng của Covid-19. Tương quan lực lượng giữa Trung Quốc và Mỹ và ở một mức độ nào đó, nhiều chủ thể quốc gia, để kiểm soát các định chế quốc tế có thể sẽ càng gay go theo thời gian.
Phạm Như Hồ dịch




Chú thích:

[1] Giáo sư-nhà nghiên cứu - Trường Hải quân, Viện Quốc Gia các Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương (Inalco) - USPC

[2] Chuyên gia về lịch sử chính trị và văn hóa Trung Quốc đương đại, Viện Đại Học Công Giáo Paris

Print Friendly and PDF