25.4.20

Xã hội học về nguy cơ và khủng hoảng y tế: một nhận định về đại dịch coronavirus


XÃ HỘI HỌC VỀ NGUY CƠ VÀ KHỦNG HOẢNG Y TẾ: MỘT NHẬN ĐỊNH VỀ ĐẠI DỊCH CORONAVIRUS
Patrick Peretti-Watel
Patrick Peretti-Watel

Đại dịch coronavirus là bằng chứng cho vị trí trung tâm mà sự nguy cơ chiếm trong các xã hội đương đại, vừa là mối lo lắng xã hội vừa là sản phẩm của sự phát triển của chúng. Trong cuộc phỏng vấn này, nhà xã hội học Patrick Peretti-Watel trở lại cách mà xã hội học hiểu sự nguy cơ và các vấn đề xã hội mà các cuộc khủng hoảng y tế và sự quản lý chúng làm nổi lên. Ông giải thích rằng các hình tượng, các thái độ đối với sự nguy cơ và sự khác biệt xã hội trong việc tiếp xúc với nguy cơ là những yếu tố không thể bỏ qua khi ta cố gắng ngăn ngừa nguy cơ y tế.


Patrick Peretti-Watel là giám đốc nghiên cứu ở Viện Quốc Gia Y Tế và Nghiên Cứu Y Học/INSERM (Institut National de la Santé et de la Recherche Médicale) ở phòng thí nghiệm VITROME (Véctơ của sự lây lan các bệnh truyền nhiệm ở các vùng nhiệt đới và Địa Trung Hải)[1] mà trụ sở nằm ở Viện Đại Học Y Học /IHU (Institut Hospitalo Universitaire) ở Marseille, nơi mà ông là đồng lãnh đạo của nhóm Thế đối ngã và Quyết định, Nguy Cơ và Hành vi Y Học. Chuyên gia về xã hội học nguy cơ và xã hội học y tế, ông là tác giả của nhiều bài báo và sách khoa học, bao gồm Sociologie du risque (Xã hội học về nguy cơ) (2000), La société du risque (Xã hội nguy cơ) (2010) và La cigarette du pauvre (Thuốc lá của người nghèo) (2012).
Các câu hỏi khác nhau được đề cập trong cuộc phỏng vấn:
1.   Ý niệm nguy cơ và cách tiếp cận xã hội học ý niệm này
2.   Vị trí của nguy cơ trong các xã hội đương đại
3.   Bản chất của nguy cơ trong các xã hội toàn cầu hóa và liên kết chặt chẽ
4.   Đại dịch coronavirus như là một loại nguy cơ
5.   Quản lý khủng hoảng y tế
6.   Nguyên tắc cẩn trọng
7.   Sự xuất hiện của các nguy cơ bổ sung cho nhau trong việc xử lý khủng hoảng y tế
8.   Sự khác biệt giữa chuyên gia và người không chuyên trong việc cảm nhận nguy cơ
9.   Tác động của các thông điệp phòng ngừa trong lĩnh vực y tế
10.   Tầm quan trọng của thái độ đối với nguy cơ trong việc xử lý khủng hoảng y tế
11.   Bất bình đẳng xã hội khi đối mặt với nguy cơ
* * *
1.   Nguy cơ là một ý niệm phức tạp và xuyên ngành, mà khoa học xã hội đã nghiên cứu rất nhiều từ những năm 1980. Với tư cách là một nhà xã hội học, ông nắm bắt nguy cơ như thế nào?
François Ewald (1946-)
Các khoa học xã hội đã chỉ ra rằng các nguy cơ được thiết kế về mặt xã hội. Khi tôi nghiên cứu vấn đề nguy cơ trong khuôn khổ luận án của mình, tôi đã bắt đầu từ công trình của nhà triết học François Ewald (1996) theo đó nét đặc trưng của thế kỷ XX là thế giới ngày càng bị đặt trong một tình huống nguy cơ và một “tiến trình bảo hiểm hóa” các xã hội. Với cụm từ “đặt thế giới trong tình huống nguy cơ”, ông muốn nói rằng điều tạo nên nguy cơ là cái nhìn mà chúng ta có về một biến cố. Ví dụ, cúm Tây Ban Nha đã giết chết từ 20 đến 50 triệu người vào cuối Thế chiến thứ nhất không phải là nguy cơ vào thời điểm đó, bởi vì không ai thấy nó đến, không ai cố gắng ngăn chặn nó và kiểm soát nó. Ngược lại, cúm H1N1 hoặc coronavirus là những nguy cơ, vì những dịch bệnh này đã được dự đoán trước và chính quyền đã tìm cách hành động để đối phó với mối nguy hiểm mà chúng thể hiện, bằng cách áp dụng các biện pháp để ngăn chặn chúng, để phát hiện mối đe dọa, và sau đó cố gắng xử lí chúng.
Trên phương diện lịch sử, François Ewald đặt bản chất của nguy cơ vào khoảng thế kỷ XIV-XV với sự ra đời của bảo hiểm hàng hải, khi các chủ tàu quyết định tự bảo vệ mình đối với các hiểm họa trên biển bằng cách thiết lập các cơ chế bảo hiểm, nhờ vào một quỹ trong đó mọi thành viên đều đóng góp rất nhiều. Việc chìm hoặc mắc cạn của một con tàu trước đó được coi là một điều ngẫu nhiên mà họ chấp nhận ít nhiều như là số mệnh. Nó trở thành một nguy cơ khi các chủ tàu nhận thức được mối đe dọa này và cố gắng ngăn chặn nó trước. Như vậy, một mối đe dọa, một mối nguy hiểm, hoặc bất kể một điều gì khác, biến thành nguy cơ ngay khi một tập thể nhận thức về sự hiện diện của mối đe dọa và mong muốn kiềm chế nó, bằng các cơ chế phòng ngừa hoặc các cơ chế bảo hiểm. Mối đe dọa này cũng có thể hoàn toàn phi lý và tưởng tượng. Chẳng hạn, trong luận án của tôi, tôi đã nghiên cứu về nỗi sợ xuống địa ngục của người Tin lành và làm thế nào tôn giáo của họ có thể trấn an họ trước “nguy cơ” này.
Phải nói thêm rằng khái niệm rủi ro dựa trên hình tượng về mối đe dọa như là một tai nạn và một sự kiện ngẫu nhiên. Sau khi ngành bảo hiểm hàng hải được thành lập vào thế kỷ XV, tại Pháp, Colbert đã xác lập trong một sắc lệnh[2] rằng bảo hiểm này bao gồm những thiệt hại tình cờ trên biển do “vận may rủi trên biển” gây nên, như bão, nhưng không bao gồm những sự mất mát và thiệt hại vật chất do chính người đóng bảo hiểm gây ra hoặc do những vụ nổi dậy trên tàu vốn không được xem như là những tai nạn. Như vậy, việc chính là phải tự bảo vệ đối với các biến cố có thể xảy ra một cách tương đối không thể lường trước hay ngẫu nhiên. Khái niệm tai nạn phản ánh bản chất ngẫu nhiên này của rủi ro. Đối với Ewald, luật đầu tiên về những tai nạn công nghiệp năm 1898 tại Pháp xác nhận ý niệm nguy cơ này. Vào thế kỷ XIX, sự công nghiệp hóa, đặc biệt là sự ra đời của động cơ hơi nước, đã gây ra một sự bùng nổ các tai nạn lao động tại các nhà máy. Để tránh phải xác định trách nhiệm về những tai nạn này, có nguy cơ làm chậm sự phát triển công nghiệp, luật năm 1898 đã coi rằng tai nạn lao động là mối nguy hiểm gắn liền với bất kỳ hoạt động sản xuất nào và do đó không thể tránh khỏi. Rủi ro nghề nghiệp đã thay thế lỗi lầm và sự bồi thường các nạn nhân đã cho phép xử lý nó mà không phải dừng hoạt động. Trong suốt thế kỷ XX, ngày càng có nhiều sự kiện được “biến thành rủi ro”, với việc thành lập Nhà nước Phúc lợi (bệnh tật, thương tật, thất nghiệp ...) và sự mở rộng lĩnh vực hoạt động của bảo hiểm (trộm cắp, tai nạn đường bộ, lũ lụt ...).
Cuối cùng, dự phòng nguy cơ và hành động để kiểm soát nó đòi hỏi phải ước tính tần suất của mối nguy hiểm và thiệt hại tiềm tàng của nó. Hình tượng này của mối đe dọa có xu hướng dựa trên những công trình của các chuyên gia, thường được định lượng, những người tìm cách khách quan hóa nguy cơ, ví dụ bằng cách tính xác suất xảy ra tai nạn hoặc bằng cách đánh giá cái giá phải trả cho nó.
Nguy cơ, như một phạm trù phân tích trong khoa học xã hội, do đó rất thường được coi là một sản phẩm xã hội. Có rất nhiều công trình trong xã hội học về nguy cơ, và chúng bao phủ các lĩnh vực rất đa dạng. Chúng đặc biệt quan tâm đến hành vi cá nhân khi đối mặt với nguy cơ, đặc biệt là nhận thức về nguy cơ và những hành vi có thể tạo ra nguy cơ, cũng như cách thức mà nguy cơ cấu trúc một tập thể.
2.   Vậy vị trí của nguy cơ trong các xã hội đương đại là gì?
Anthony Giddens (1938-)
Nhà xã hội học người Anh Anthony Giddens (1991, 1994), người đã cung cấp rất nhiều ý tưởng cho tôi, đã quan tâm, trên một phương diện cá nhân hơn, đến các nguy cơ của các cá nhân và vị trị của nguy cơ trong các quyết định hàng ngày của họ. Theo ông, đặc tính của tính hiện đại là ưu thế của một “nền văn hóa nguy cơ”. Điều này có nghĩa là xã hội của chúng ta liên tục thúc giục các cá nhân vốn đã đạt đến một quyền tự chủ lớn hơn, chịu trách nhiệm về cuộc sống của họ, trở thành người chủ của chính sự tồn tại của họ, bao gồm cả sức khỏe của chính họ, khi chú ý đến mọi thứ trong môi trường của họ có thể tạo thành mối đe dọa hoặc cơ hội cho hạnh phúc tương lai của họ. Để họ có thể đưa ra quyết định đúng đắn cho tương lai của họ ngày hôm nay, trong lựa chọn tiêu dùng, lối sống, v.v., người ta cung cấp cho họ kiến ​​thức chuyên môn thường được định lượng.
Giddens lấy ví dụ về hôn nhân, mà ngày nay không còn là sự lựa chọn phải chấp nhận, nhưng có thể được coi là một rủi ro nếu dựa trên số liệu thống kê về ly hôn. Ví dụ ở Pháp, theo INSEE, 20% các cặp vợ chồng ly hôn trong năm năm đầu tiên của cuộc hôn nhân. Do đó, quyết định kết hôn được các cá nhân đánh giá dưới ánh sáng của kiến ​​thức của các chuyên gia và có thể được đánh giá lại theo các cơ hội hoặc trở ngại phát sinh.
Michel Foucault (1926-1984)
Việc trở về lại trách nhiệm cá nhân trong việc quản lý rủi ro của chính mình gắn với những công trình của Foucault về việc xã hội chi phối các cơ thể: chính quyền đang ngày càng cố gắng quản lý các cơ thể từ xa, nghĩa là thay vì sử dụng vũ lực để thúc đẩy các cá nhân chấp nhận các hành vi mong muốn, họ biến các cá nhân thành tác nhân của sự điều tiết các cách cư xử xã hội. Đây là lý do tại sao trách nhiệm cá nhân rất thường xuyên là trọng tâm của các chiến dịch phòng ngừa y tế vốn nhn mạnh rằng ta phải chịu trách nhiệm về vốn sức khỏe của mình, rằng ta phải bảo tồn nó, làm cho nó sinh lợi, bằng cách có những hành vi đúng đắn. Ví dụ, WHO đã phát động một chiến dịch phòng chống thuốc lá vào năm 2000 mà thông điệp chính cho những người trẻ tuổi là: ở tuổi 25, tuổi thọ của họ là 40 tuổi nếu họ là người hút thuốc và 48 tuổi nếu họ ngừng hút thuốc. Đó đúng là để thuyết phục những người hút thuốc, trên cơ sở dữ liệu thống kê, rằng họ có lợi khi thay đổi hành vi của họ ngay bây giờ để hưởng lợi từ nó trong tương lai, có phần còn hơi khá xa. Chúng ta có thể quan sát điều tương tự trong lĩnh vực bảo vệ sinh thái ngày nay, khi các công dân ngày càng được xem là chịu trách nhiệm và được khuyến khích dự đoán tác động môi trường của hành vi của họ nhờ vào kiến ​​thức của các chuyên gia nhằm sửa đổi thói quen tiêu dùng của họ.
Do đó, trong các xã hội đương đại, mọi người đều phải nhận thức được các rủi ro mà họ phải chịu và kiểm soát cuộc sống của chính họ, để “chiếm lấy tương lai”, để dùng thuật ngữ của Giddens, dựa trên kiến ​​thức có sẵn, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu thống kê. Nhưng tất cả các cá nhân không tuân thủ quy tắc này cấu thành văn hóa nguy cơ và đó chính là lợi ích của những công trình xã hội học để chỉ ra sự đa dạng xã hội về thái độ đối với nguy cơ và tương lai.
3.   Bản chất của nguy cơ có thay đổi trong các xã hội toàn cầu hóa và liên kết cao ngày nay không?
Ulrich Beck (1944-2015)
Nhà xã hội học người Đức Ulrich Beck (2001)[3], một tác giả chủ yếu khác về vấn đề nguy cơ, nhấn mạnh rằng những nguy cơ ngày nay, mà ông gọi là nguy cơ của sự hiện đại mới, là những mối đe dọa thoát khỏi các giác quan của chúng ta: chúng ta không nhìn thấy chúng, chúng ta không nghe thấy chúng, chúng ta không cảm thấy chúng. Đây là trường hợp với virus, ô nhiễm hoặc bức xạ hạt nhân. Beck giải thích rằng rất thường những nguy cơ đương thời này là những ngoại ứng của các hoạt động sản xuất, vốn đồng thời tạo ra hàng hóa hữu hình, có giá trị và cùng lúc những nguy cơ thầm lặng, vô hình, điều làm cho chúng càng phát triển. Đây là một trong những nghịch lý của xã hội nguy cơ, được Beck làm rõ: nhờ tiến bộ khoa học và kỹ thuật, xã hội ngày càng an toàn hơn vì có thể kiểm soát ngày càng nhiều nguy hiểm, nhưng cùng lúc cũng tạo ra những nguy cơ mới.
Đối với Beck, những nguy cơ khó nhận biết này thường bị bỏ qua, bởi vì xã hội của chúng ta đánh giá cao hơn tất cả của cải vật chất, được sản xuất ngay lập tức. Sự phổ biến đại trà của chúng cũng được kích thích bởi sự toàn cầu hóa các chu trình kinh tế, sự tăng cường các vụ giao dịch quốc tế và sự tiến bộ của các phương tiện giao thông. Tất nhiên đây cũng là trường hợp của virus lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới, khi hàng hóa và con người di chuyển ngày càng nhanh hơn trên quy mô hành tinh.
Điểm quan trọng khác trong tư tưởng của Beck, và đã phát triển cùng với Internet và sự phát triển của phương tiện truyền thông xã hội, là hiện tượng của sự tỉnh ngộ của khoa học đối với chính nó. Theo Beck, trong suốt thế kỷ XIX và XX, khoa học đã liên tục áp dụng phương pháp hoài nghi của mình đối với các niềm tin và mê tín để tháo dỡ chúng. Nhưng sau một thời gian, nó cũng tự áp dụng sự hoài nghi cho chính mình, điều này đã dẫn đến sự đa dạng của các lý thuyết khoa học, rời rạc, mâu thuẫn, tạm thời và sự gia tăng mạnh của các cuộc tranh luận khoa học. Beck đã thích thú nói vào những năm 1980 rằng “việc đặt câu hỏi về sự thật cho một nhà khoa học gây ra sự lúng túng cũng gần giống như việc bàn về Thượng Đế với một giáo sĩ”. Những bất đồng giữa các nhà khoa học khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn trong việc xác định và quản lý nguy cơ đương thời.
Bernard Debré (1944-)
Richard Lacey (1940-)
Tôi đã nghiên cứu về vấn đề này vào thời điểm cơn khủng hoảng y tế bò điên. Nguy cơ truyền BSE sang người và mức độ nghiêm trọng của nó đã gây ra nhiều tranh cãi, tất cả đều được truyền thông khuếch đại rất nhiều. Vào thời điểm đó, căn bệnh này không gây thương vong cho con người, nhưng một nhà vi trùng học người Anh, Richard Lacey, đã dự đoán hàng trăm nghìn ca tử vong mỗi năm, do thời gian ủ bệnh rất dài. Tại Pháp, dịch cúm H1N1 năm 2009 cũng đã gây ra nhiều tranh cãi, chính quyền đã rất coi trọng mối đe dọa từ loại virus mới này, trong khi các chuyên gia khẳng định rằng nó không nguy hiểm, như bác sĩ và đại biểu quốc hội Bernard Debré cho rằng cúm A cũng chỉ là một thứ “cúm nhỏ”. Tất nhiên, những tranh cãi xung quanh sự tồn tại của một nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của nó nay hoàn toàn được nhân lên bởi các phương tiện truyền thông xã hội đương đại.
4.   Chúng ta đang đối mặt với loại nguy hiểm hay nguy cơ nào với đại dịch coronavirus? Có phải đó là sự điển hình cho “xã hội nguy cơ” theo nghĩa của Ulrich Beck?
Với coronavirus hiện tại hoặc cúm H1N1, rõ ràng chúng ta đang ở trong lĩnh vực của sự nguy cơ, bởi vì, ngược lại với cúm Tây Ban Nha, đây là những dịch bệnh mà chúng ta đã dự đoán. Khi cúm H1N1 đến Pháp vào mùa thu năm 2009, mối đe dọa đã được biết đến từ mùa xuân vì nó có mặt ở Mexico vào thời điểm đó. Chúng ta đã chuẩn bị cho nó từ nhiều tháng, WHO đã xây dựng các kịch bản và đưa ra các ước tính định lượng bằng các mô hình.
Sau đó, nó thuộc về loại nguy cơ vô hình điển hình của “xã hội nguy cơ”, cho dù rằng Beck chủ yếu quan tâm đến các nguy cơ công nghệ lớn, hóa học hoặc phóng xạ, hơn là các nguy cơ lây nhiễm. Hơn nữa là vì một số người mang mầm bệnh, đặc biệt là trẻ em, có thể không có triệu chứng. Đây cũng là một trong những lý do tại sao biện pháp đầu tiên được thực hiện là đóng cửa trường học, để bảo vệ người lớn hoặc người già mà trẻ em có thể tiếp xúc. Tính vô hình của nguy cơ làm cho sự quản lý nó trở thành phức tạp.
Nguy cơ này cũng là hiệu ứng ngoại lai của phương thức phát triển đương đại, bởi vì, như tôi đã nói, sự lây lan nhanh chóng của coronavirus là do cường độ của các luồng của hàng hóa và con người trên thế giới. Vào năm 1917-1918, cúm Tây Ban Nha, một loại virus tương đương, đã phải mất hai hoặc ba năm để đi vòng quanh thế giới, trong khi ngày nay, chỉ mất vài tuần để coronavirus có mặt ở mọi nơi hoặc gần như mọi nơi trên thế giới.
5.   Những khó khăn trong việc quản lý các cuộc khủng hoảng y tế như của coronavirus là gì?

Theo tôi, những nét đặc trưng của khủng hoảng y tế là sự không chắc chắn, không chắc chắn về mức độ của mối đe dọa, về hiệu quả của các phương tiện điều trị và hậu quả của nó, trong khi những cuộc khủng hoảng này xảy ra thường xuyên và chúng ta tìm cách ngăn chặn chúng bằng cách thiết lập một sự canh gác y tế và phát triển sự giám định khoa học. Trong một số của tạp chí Problèmes politiques et sociaux sur la gestion des crises sanitaires (Những vấn đề chính trị và xã hội về quản lý khủng hoảng y tế) (Peretti-Watel, 2010), tôi đã sử dụng công trình của một nhà chính trị học, Claude Gilbert[4], người từng nghiên cứu về khái niệm khủng hoảng này trong lĩnh vực y tế công cộng. Gilbert nhấn mạnh khoảng cách có thể tồn tại giữa hình tượng về cuộc khủng hoảng theo lẽ thường, với hiện tượng phản ứng quá mức hoặc quá yếu của dư luận, và thực tế của nó: chúng ta có những cuộc khủng hoảng mà không có nạn nhân, những cuộc khủng hoảng dai dẳng vì chúng ta cố gắng ngăn chặn chúng. Hơn nữa, ông còn kết hợp cuộc khủng hoảng với sự thất bại về sự giám định do sự không chắc chắn cao xung quanh các vấn đề y tế mới nổi, cũng như với việc xét lại các thực tiễn trong các quy trình giám định[5].
Patrick Lagadec (1948-)
Một chuyên gia khác về khủng hoảng và quản lý khủng hoảng, cũng có mặt trong số tạp chí này, Patrick Lagadec[6], lúc bấy giờ nghiên cứu tại phòng thí nghiệm kinh tế của École Polytechnique, giải thích rằng nói chung nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng là kế hoạch khủng hoảng[7], bởi vì rất thường khi, ở trong một tình hình không xác định, kế hoạch sẽ không hoạt động, do các sai lầm trong dự đoán và sự ước tính kém các nguy cơ. Hiện nay, chúng ta không thực sự biết dịch coronavirus nghiêm trọng như thế nào: các số liệu được công bố rất đáng báo động (hàng chục ngàn người bị ảnh hưởng, vài nghìn người chết), nhưng khi chúng ta tham khảo số liệu thống kê về tỷ lệ tử vong dường như nó cũng không khác lắm với virus cúm[8], ngoại trừ việc không có vắc-xin và bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng hơn. Cũng có sự không chắc chắn lớn về việc điều trị bệnh, như được thể hiện qua các tranh cãi khoa học xung quanh hiệu quả của chloroquine.
Một trong những điều không chắc chắn khiến tôi đặc biệt quan tâm trong các cuộc khủng hoảng này là sự không chắc chắn về yếu tố con người, điều mà các cơ quan công quyền thường không ý thức tuy rằng điều này là vấn đề mấu chốt. Các kế hoạch mà chính phủ đã đưa ra để quản lý cuộc khủng hoảng cho rằng mọi người sẽ hợp tác, nhưng phản ứng của họ không phải lúc nào cũng như chúng ta mong đợi.
Ví dụ, vào đầu những năm 2000, chính quyền Hoa Kỳ đã phát triển các thủ tục để đối phó với một cuộc tấn công khủng bố sinh học bằng bệnh đậu mùa. Người dân phải trực tiếp đến các trung tâm tiêm phòng bệnh đậu mùa và nhất là không được đón con ở trường. Nhưng một cuộc khảo sát thăm dò cho thấy trong trường hợp bị tấn công khủng bố sinh học, ba phần tư người Mỹ sẽ không tuân theo các khuyến nghị này, bằng cách đến trường ngay lập tức để đón con hoặc từ chối tiêm vắc-xin bởi vì họ cảnh giác với vắc-xin đậu mùa. Ở Pháp, trong đại dịch cúm H1N1, các cơ quan công quyền hoàn toàn không lường trước được sự huy động yếu kém của người Pháp để tiêm phòng: cuối cùng chỉ có 8% trong số họ đi tiêm chủng. Do đó, kế hoạch phòng ngừa đã thất bại thảm hại chỉ vì mọi người không hành động như chúng ta nghĩ họ sẽ làm. Hiện tại, chiến lược phổ cập phong tỏa người dân trong nhiều tháng cho tôi cảm giác nó tương đối là sự ứng biến. Chúng ta có tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với những người bị cách ly trong ba tháng, về những hậu quả kinh tế, y tế và xã hội của tình huống này?
Theo tôi, một trong những chiều kích chính của cuộc khủng hoảng là sự không chắc chắn này trên một loạt các cấp độ và đặc biệt là sự không chắc chắn về cách người dân sẽ phản ứng. Phải chăng phản ứng của mọi người sẽ là quả ngư lôi phá tan sự quản lý khủng hoảng? Đó là một điều cổ điển trong quản lý nguy cơ.
6.   Trong trường hợp không chắc chắn về nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của nó, chính phủ có nên áp dụng nguyên tắc cẩn trọng không?
Nguyên tắc cẩn trọng xuất phát từ luật môi trường. Đó là một nguyên tắc đã được sử dụng một cách lệch lạc rất nhiều. Trong công thức ban đầu của nó, như đã xuất hiện trong các văn bản pháp lý đầu tiên, nó chỉ nên được áp dụng khi đối mặt với một mối đe dọa rất lớn, có thể tạo ra thiệt hại nghiêm trọng và không thể đảo ngược trên quy mô môi trường, với một chi phí kinh tế chấp nhận được[9].
Nhưng từ mười lăm năm qua, thuật ngữ này đã lan truyền trong ngôn ngữ hàng ngày. Nó được sử dụng một cách bừa bãi, thường để quy trách nhiệm về một nguy cơ, bao gồm cả trong các cuộc tranh cãi trong đó hai bên đối lập đều tuyên bố là mình theo nguyên tắc đề phòng. Ví dụ, trong đại dịch cúm H1N1, các chuyên gia một bên và bên đối lập là những người chống vắc-xin đã dự đoán những kịch bản y tế thảm khốc. Người ta đã giữ lại bài học rằng trong các tình huống không chắc chắn, trong tất cả các lĩnh vực, tốt hơn là dự đoán điều tồi tệ nhất. Cần phải lưu ý rằng trong tình huống bình thường, trong tất cả các lĩnh vực, nguyên tắc cẩn trọng không nên được áp dụng cho tất cả các vấn đề sức khỏe cá nhân và nó đòi hỏi các rào cản để tránh việc các biện pháp được áp dụng có một chi phí quá đắt.
Nguyên tắc cẩn trọng cũng phải được coi là tạm thời: nó được áp dụng khi người ta không biết và cho đến khi tiến bộ khoa học có thể có đủ kiến ​​thức về sự tồn tại và mức độ nghiêm trọng của nguy cơ. Thoát khỏi tình trạng không chắc chắn thông qua việc sản xuất kiến ​​thức giúp có thể chuyển sang chế độ phòng ngừa, đây là một phương pháp quản lý cổ điển hơn. Nguyên tắc phòng ngừa (Moatti và Peretti-Watel, 2009) được áp dụng cho các rủi ro được biết đến: hút thuốc, dịch cúm, phạm pháp, v.v.. Sự phòng ngừa lúc đó bao gồm các biện pháp nhằm giảm khả năng xảy ra rủi ro và giảm thiểu hậu quả của nó, chẳng hạn như tiêm phòng cúm.
7.   Các biện pháp được thực hiện để ngăn ngừa nguy cơ có làm cho các nguy cơ khác hiện ra?
Sự xuất hiện của các nguy cơ bổ sung, cạnh tranh hoặc thay thế, thực sự là một khó khăn trong quản lý nguy cơ. Khi ngăn ngừa một nguy cơ, chúng ta lại thúc đẩy các nguy cơ khác, có thể là kinh tế, chính trị, xã hội, y tế. Một ví dụ điển hình trong lĩnh vực y tế là sự điều trị nguy cơ tái phát sau ung thư vú. Để giảm nó, phụ nữ dùng liệu pháp hormone trong năm năm. Vì sự điều trị này đồng thời có thể gây ung thư, ước tính sau giai đoạn này, nguy cơ mắc ung thư khác vượt quá mức giảm nguy cơ tái phát ung thư vú. Giả định về sự nguy cơ thay thế cũng là điều thúc đẩy cha mẹ từ chối một số loại vắc-xin cho con. Trong trường hợp này, các tác dụng phụ của vắc-xin, mặc dù rất hiếm, được cha mẹ coi là nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe hơn là nguy cơ mắc bệnh được bảo vệ bởi vắc-xin hoặc có các biến chứng liên quan đến điều này.
Quản lý cuộc khủng hoảng y tế hiện nay bằng cách phong tỏa người dân và ngưng lại nhiều hoạt động kinh tế và xã hội tạo ra hoặc làm nổi bật các nguy cơ khác, dần dần được phát hiện và cũng phải được ngăn ngừa và điều trị. Ví dụ, Bộ Nội vụ đã phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn ngừa bạo lực gia đình và nội bộ gia đình bị bối cảnh của sự giam hãm làm cho gia tăng (việc tiếp nhận nạn nhân tại các hiệu thuốc hoặc khả năng gửi SMS báo động để báo hiệu sự nguy hiểm). Về mặt chính trị, cơ quan hành pháp phải đối mặt với nguy cơ bị truy tố về mặt pháp lý chống lại các thành viên của chính phủ bị buộc tội là thiếu chuẩn bị và gây nguy hiểm cho những người khác trong việc quản lý cuộc khủng hoảng coronavirus. Nguy cơ kinh tế rõ ràng là rất quan trọng và các cơ quan công quyền đang cố gắng hạn chế nó bằng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và một thiết chế thất nghiệp một phần.
Do đó, khủng hoảng y tế cũng là khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội, bởi vì chúng có hậu quả chính trị, kinh tế và xã hội, nhưng cũng vì chúng có nguyên nhân chính trị, kinh tế và xã hội.
Margaret Thatcher (1925-2013)
Ví dụ, cuộc khủng hoảng bò điên ở Anh có nguồn gốc từ chính sách phi quy định hóa của chính phủ Thatcher, cho phép các tiêu chuẩn ít chặt chẽ hơn trong các hoạt động xả thịt, ít kiểm soát thú y hơn đối với hoạt động của các người chăn nuôi, ít kiểm soát hơn sự xuất khẩu thịt, điều đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự lây lan của bệnh. Cũng như vậy, chúng ta có thể nói rằng ảnh hưởng của đợt nắng nóng năm 2003 là hậu quả của một mô hình xã hội nhất định để giữ người già ở nhà càng lâu càng tốt. Khủng hoảng cũng có thể tiết lộ những điểm yếu mang tính cấu trúc trong xã hội. Ngày nay, những khó khăn mà các bệnh viện gặp phải trong việc quản lý dịch Covid-19 ở một số quốc gia Châu Âu bao gồm cả Pháp rõ ràng là hậu quả của việc giảm bớt đầu tư công vào lĩnh vực này. Chúng cũng tiết lộ sự phụ thuộc mạnh mẽ của chúng ta vào nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, đối với một số sản phẩm chiến lược và trọng yếu trong cuộc khủng hoảng này, như khẩu trang bảo vệ, máy thở nhân tạo hoặc thuốc.
Ngoài ra, các khủng hoảng còn là thời cơ chính trị, kinh tế và xã hội. Chúng có thể tạo ra một thời cơ để thay đổi xã hội, bằng cách cho phép đưa ra các quyết định mà ta không thể đưa ra trong những hoàn cảnh khác. Tại Paris, vào thế kỷ XIX, sau cuộc đại dịch tả, các hệ thống lọc nước được thiết kế và xây dựng lại và chính quyền đã nhân cơ hội này biến đổi kiến ​​trúc của thủ đô. Liên quan đến cuộc khủng hoảng coronavirus, vài người tiên đoán những sự biến đổi xã hội triệt để, chẳng hạn như sự kết thúc của toàn cầu hóa. Điều cần phải được xem xét lại ... Cũng có thể có những điều ít ngoạn mục hơn, chẳng hạn như sự phát triển của làm việc tại nhà hoặc sự mong muốn có tự chủ dân tộc trong việc sản xuất các nhu yếu phẩm cơ bản trong trường hợp xảy ra dịch bệnh.
8.   Ông đã từng nghiên cứu về nhận thức về nguy cơ và sự đa dạng của nó theo các tác nhân xã hội. Đặc biệt, các chuyên gia và những ai không phải là chuyên gia, thường có một nhận thức khác nhau về nguy cơ, điều này có thể khiến các chuyên gia và chính quyền lên án những nỗi sợ phi lý của những công dân bình thường, hoặc tố cáo một số thái độ và hành vi vô trách nhiệm và những hành động phản kháng đối với những mệnh lệnh phòng ngừa. Ông phân tích các sự khác biệt này của nhận thức về nguy cơ như thế nào?
Nếu trước hết chúng ta quan tâm đến nhận thức của người không chuyên về nguy cơ, phân tích xã hội học cho thấy họ, những người không đưa ra quyết định đúng đắn trong mắt các chuyên gia hoặc nghi ngờ kiến ​​thức chuyên môn, không nhất thiết là vô trách nhiệm hoặc phi lý. Rất thường xuyên, họ sử dụng một cách tạm bợ các hình tượng bằng cách dựa trên các hình tượng đã có trước. Về Covid-19, khi không có sự chắc chắn về mặt khoa học, các cá nhân cố gắng quay về với các tiền lệ khi tự hỏi liệu nó có nguy hiểm nhiều hơn hay ít hơn, dễ lây nhiều hơn hay ít hơn bệnh cúm.
Sự kháng cự của những người không chuyên đối với các mệnh lệnh trong lĩnh vực y tế có thể là một lựa chọn chín chắn và hoàn toàn hợp lý theo quan điểm của họ. Hãy lấy ví dụ về sự chống đối tiêm chủng, ở Pháp mạnh hơn ở các nước khác[10]. Trong mười năm, các ngành khoa học xã hội đã quan tâm đến khái niệm sự do dự đối với vắc-xin. Những công trình nghiên cứu trong lĩnh vực này đã chỉ ra rằng chỉ một thiểu số rất nhỏ trong dân số, thường rất nhạy cảm với thông tin phổ biến trên mạng xã hội và các thuyết âm mưu, đã hoàn toàn bác bỏ tiêm chủng. Nhưng một phần lớn hơn (20 đến 40% theo các cuộc khảo sát), tuy không cáo giác nguyên tắc tiêm chủng, vẫn có mối lo ngại về một số loại vắc-xin và đưa ra lựa chọn hay không tiêm vắc-xin cho con mình tùy theo các lợi ích và những điều bất lợi mà họ nhận thấy từ mỗi loại vắc-xin. Loại hình của những người có tư thế phê phán này tương ứng với các cá nhân có trình độ học vấn cao, rất hiểu biết, rất quan tâm đến các vấn đề sức khỏe liên quan đến con cái họ. Do đó, họ là những người tuân thủ đầy đủ nền “văn hóa nguy cơ” của Giddens, những người chủ động về sức khỏe của họ, chăm chú đến các nguy cơ, v.v.. Hoàn toàn không phi lý, ngược lại, họ cố gắng đưa ra quyết định tốt nhất cho sức khỏe của con mình.
Brian Wynne (1947-)
Tiếp đó, các chuyên gia cũng có thể sai hoặc sử dụng các phương pháp không đáng tin. Brian Wynne, một nhà xã hội học khoa học người Anh, đã nghiên cứu về các giới hạn của kiến ​​thức của chuyên gia và sự khác biệt về quan điểm giữa người không chuyên và chuyên gia. Ông quan tâm đến các nhà khoa học Anh được chính phủ gửi vào năm 1986 tới miền bắc nước Anh để đánh giá nguy cơ ô nhiễm thịt cừu bởi đám mây phóng xạ của Chernobyl. Các chuyên gia đã đặt cừu vào những chuồng được rào kín ở nhiều nơi mà đất có thể bị ô nhiễm khác nhau. Nhưng cuộc thí nghiệm đã thất bại vì họ không hiểu rằng một số khu vực nhất định là đất sét và những khu vực khác thì không, rằng một số con cừu được tập trung ở một nơi không thích ở trong chuồng và do đó đã xé rào, v.v., những điều mà các người chăn nuôi hoàn toàn biết rõ. Các chuyên gia đã sai lầm vì họ đã áp dụng các phương pháp phổ quát và tiêu chuẩn hóa của họ mà không tính đến kiến ​​thức thực tiễn địa phương của các người chăn nuôi.
Tóm lại, một mặt chúng ta có kiến ​​thức chuyên môn bị chỉ trích mạnh mẽ và mặt khác kiến ​​thức của người phàm tục không phải là ngu ngốc như ta tưởng. Trong một số lĩnh vực nhất định, những người phàm tục có hiểu biết và cảnh giác thậm chí có thể có được một kiến thức phản giám định và đóng vai trò là người cảnh báo.
9.   Làm thế nào chúng ta có thể giải thích rằng các thông điệp phòng ngừa về mặt y tế thường lại có hiệu quả hạn chế?
Kiến thức chuyên môn về các vấn đề y tế có xu hướng coi thường môi trường văn hóa xã hội của cá nhân. Các thông điệp phòng ngừa sinh ra từ đó do đó rất ít có khả năng có hiệu quả.
Bruno Latour (1947-)

Ví dụ, đặc biệt dựa trên tác phẩm của Bruno Latour (1995), tôi đã nghiên cứu tác động của sự ưu thế của “hệ chuẩn dịch tễ học” trong cách nắm bắt hành vi gây nguy cơ và trong việc xác định chính sách y tế để ngăn chặn chúng (Peretti-Watel, 2004). Dịch tễ học tập trung vào việc tìm kiếm các “nhân tố nguy cơ” cá nhân và mối liên hệ thống kê của chúng với một vấn đề y tế, chẳng hạn như mối liên hệ giữa hút thuốc và ung thư phổi. Cách tiếp cận khoa học này, đặc biệt là mô hình nhân quả đa nhân tố của nó, đã lan truyền rộng rãi trong nhiều lĩnh vực và vượt ra ngoài lĩnh vực khoa học. Philip Morris thậm chí đã dựa vào các cuộc điều tra dịch tễ học vào những năm 1990 để tương đối hóa nguy cơ của việc hút thuốc thụ động! Tuy nhiên, hệ chuẩn dịch tễ học đặt ra nhiều vấn đề về phương pháp luận và tạo ra kết quả thường thiếu vững chắc. Nhất là, nó dành ưu tiên cho sự dự đoán các hành vi nguy cơ từ các mối quan hệ nhân quả sinh học, thay vì cho sự hiểu biết về các hiện tượng và hành vi của con người. Do đó, nó có xu hướng sinh học hóa các hành vi tuy chúng được ghi nhận trong một bối cảnh xã hội hoặc văn hóa. Nghiên cứu của các nhà xã hội học cho thấy trái lại rằng các hành vi nguy cơ có ý nghĩa đối với cá nhân, liên quan đến niềm tin, nghi thức, nhu cầu tự thực hiện, khẳng định bản sắc, hội nhập xã hội, v.v..
Richard Hoggart (1918-2014)
Tôi đã nghiên cứu rất nhiều về việc nghiện thuốc lá, đặc biệt là về thói quen hút thuốc của những người dân bị bạc đãi và sự chống cự của họ đối với các chính sách phòng ngừa (Peretti-Watel, 2012). Những thái độ này được hiểu rõ hơn nếu chúng ta coi sự nghiện thuốc lá, không phải là bệnh tật hay lệch lạc, mà là một thực tiễn xã hội có ý nghĩa, là kết quả của sự học tập xã hội đáp ứng những nhu cầu (chống lại căng thẳng, không hài lòng, tình trạng cô đơn ...), vốn tạo ra và duy trì các mối quan hệ xã hội cho những người trong tình huống bị loại trừ. Nếu những người trong tình trạng bấp bênh ít nhạy cảm với cuộc chiến chống thuốc lá, thì đó không phải là do sự thiếu hiểu biết về nguy cơ cho sức khỏe của họ hoặc do sự thiếu hiểu biết các thông điệp phòng ngừa, mà là do khoảng cách với văn hóa thống trị[11] và sự ngờ vực đối với khoa học và các chính sách công. Thí dụ này cho thấy một lần nữa thái độ đối với nguy cơ, mà các chuyên gia hoặc cơ quan công quyền thường có xu hướng coi là phi lý, lại là chính đáng trong mắt những cá nhân có rất nhiều lý do để hành xử như thế.
10.    Những thái độ này đối với nguy cơ có làm cho việc ngăn ngừa nguy cơ y tế trong một cuộc khủng hoảng như coronavirus trở nên phức tạp hơn không?
Điều cần phải ghi nhớ với cuộc khủng hoảng y tế này là các cá nhân phải đối mặt với các nguy cơ cạnh tranh với nhau. Những nguy cơ cạnh tranh này là một yếu tố chính trong việc hiểu thái độ đối với vài nguy cơ y tế.
Nhiều công trình nghiên cứu minh họa điều này. Các nghiên cứu về sự nghiên hút thuốc lá ở Pháp hoặc Vương quốc Anh đã chú trọng đến động lực của những bà mẹ đơn thân hút thuốc khi thu nhập của họ cực kỳ thấp. Họ sống trong một sự căng thẳng khủng khiếp hàng ngày và giải thích với các nhà điều tra rằng thuốc lá là thứ khiến họ chịu đựng được. Giữa hai rủi ro cạnh tranh, trầm cảm ngay bây giờ nếu họ bỏ thuốc lá và tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của họ trong nhiều thập kỷ, họ đã chọn hút thuốc vì điều này tương ứng với một nhu cầu tức thời. Tương tự, tại thời điểm xảy ra đại dịch HIV, người ta thấy rằng nhiều thanh thiếu niên vẫn ngại ngùng đối với việc sử dụng bao cao su. Lý do là nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục đối với họ không quan trọng bằng nguy cơ cạnh tranh, trong ngắn hạn, là không có quan hệ tình dục khi trưng ra bao cao su cho người bạn tình tiềm năng. Tôi đã nghiên cứu rất nhiều về hành vi nguy cơ trong lĩnh vực y tế công cộng, cho dù đó là hút thuốc, lạm dụng rượu, tiêu thụ ma túy bất hợp pháp, lái xe quá nhanh, v.v.. Trong các công trình nghiên cứu y sinh, ví dụ trong lĩnh vực hút thuốc, người ta nói nhiều về lý do của những người bỏ thuốc và sự lệ thuộc của họ, nhưng rất ít đến niềm vui mà việc hút thuốc lá mang lại trong khi đó là một trong những động cơ chính của người hút thuốc.
Vì vậy, rất thường xuyên, đối với các cá nhân, có những nguy cơ cạnh tranh với nguy cơ y tế. Ngày nay, một số người sẵn sàng chấp nhận nguy cơ bị nhiễm coronavirus khi không tuân thủ các biện pháp cách ly, bởi vì những nguy cơ trước mắt nặng ký hơn: họ có nguy cơ mất việc, thu nhập, không thành công trong việc thực hiện một dự án, họ sợ sự cô đơn, v.v.. Nguy cơ y tế mà chính quyền tìm cách quản lý không nhất thiết là ưu tiên của mọi người. Nhiều người lo sợ nhiều hơn về những hậu quả mà sự quản lý nguy cơ gây ra cho lối sống hoặc điều kiện sống của họ.
11.    Có phải cuộc khủng hoảng y tế coronavirus biểu lộ các rối loạn xã hội, đặc biệt là sự bất bình đẳng xã hội khi đối mặt với nguy cơ trong xã hội của chúng ta?
Ulrich Beck nói rằng các nguy cơ “mới” (công nghiệp, sinh thái, thực phẩm, v.v.) có tính chất dân chủ hơn một chút, bởi vì không ai thoát khỏi chúng, ngược lại với các nguy cơ khác[12] nói chung là có tính phân hóa về mặt xã hội.
Có một truyền thống của các nghiên cứu Anglo-Saxon tìm cách chỉ ra rằng sự khác biệt xã hội trong nhận thức nguy cơ chỉ đơn giản phản ánh sự khác biệt xã hội trong khả năng bị tác động bởi nguy cơ và do đó, những người nghèo nhất thường nhạy cảm hơn với một số nguy cơ nhất định bởi vì thực tế họ tiếp xúc nhiều hơn với chúng.
Mary Douglas (1921-2007)
Paul Slovic (1938-)
Một trào lưu nghiên cứu xuất hiện vào những năm 1970, “hệ chuẩn đo lường tâm lí”, tập hợp các nhà kinh tế học và tâm lý học hành vi, đã tập trung vào nhận thức của người không chuyên về nguy cơ và sự khác biệt xã hội của họ. Paul Slovic, một trong những tác giả chính của trào lưu này, và các đồng nghiệp của ông đã liệt kê và định lượng tất cả các khía cạnh rủi ro được các cá nhân tính đến để đánh giá nguy cơ và khả năng chấp nhận nó, ngoài tần suất và mức độ nghiêm trọng của nó: phải chăng đó là một nguy cơ quen thuộc hay nguy cơ mới, một nguy cơ được lựa chọn hay phải chịu đựng, một nguy cơ công bằng hay bất công, một nguy cơ có thể giết chết nhiều người cùng một lúc hoặc tác động kín đáo hơn, v.v.? Đặc biệt là cảm giác có thể kiểm soát trên phương diện cá nhân hay không nguy cơ phụ thuộc vào tài nguyên vật chất và văn hóa của người dân. Nhà nhân học người Anh Mary Douglas (1921-2007) cũng nhấn mạnh trong các công trình của bà tầm quan trọng của các nguồn lực trong những bất bình đẳng xã hội khi bị phơi bày trước nguy cơ và trở lại sự phân biệt giữa nguy cơ phải gánh chịu và nguy cơ được lựa chọn. Theo bà, người giàu có thể chọn những gì họ bị phơi nhiễm, trong khi người nghèo không thể không chọn sống ở nơi ô nhiễm, nơi tội phạm cao, nhà ở chật chội, v.v., và thường buộc phải hứng chịu những nguy cơ.
Trong những cuộc khủng hoảng như chúng ta đang trải qua, những người phải chịu sự thiếu thốn, bấp bênh và cô lập nhất thực sự bị phơi bày nhiều hơn và cảm thấy dễ bị tổn thương hơn đối với nguy cơ[13].
Cuộc phỏng vấn được Anne Châteauneuf-Malclès thực hiện vào ngày 27 tháng 3 năm 2020 cho SES-ENS.
Tài liệu tham khảo
Beck U. (2001), La société du risque, Sur la voie d'une autre modernité (Xã hội nguy cơ, Hướng tới một sự hiện đại khác (dịch từ tiếng Đức của Laure Bernardi, lời tựa của Bruno Latour)), Paris, Aubier. Ấn bản đầu tiên: Risikogesellschaft. Auf dem Weg trong eine andere Moderne (1986).


Ewald F. (1996), Histoire de l'État-providence (Lịch sử của nhà nước phúc lợi), Paris, Grasset và Fasquelle / Le Livre de Poche.
Giddens A. (1991), Modernity and Self-Identity (Tính hiện đại và Bản sắc), Stanford, Nhà xuất bản Đại học Stanford.
Giddens A. (1994), Les Conséquences de la modernité (Hậu quả của sự hiện đại). Paris, L'Harmattan.
Latour B. (1995), La science en action (Khi khoa học hành động), Paris, Gallimard.

Moatti J.-C. và Peretti-Watel P. (2009), Le Principe de prévention. Le culte de la santé et ses dérives (Nguyên tắc phòng ngừa. Sự sùng bái sức khỏe và những sự lệch lạc của nó), Paris, Seuil, La République des Idées.
Peretti-Watel P. (2000), Sociologie du risque (Xã hội học rủi ro), Paris, Armand Colin, Bộ U-Sociologie.
Peretti-Watel P. (2004), “Du recours au paradigme épidémiologique pour l'étude des conduites à risque (Về việc dựa vào hệ chuẩn dịch tễ học để nghiên cứu hành vi nguy cơ)”, Revue française de sociologie, n° 1, 45, tr. 103-132.

Peretti-Watel P. (2005), “La culture du risque, ses marqueurs sociaux et ses paradoxes. Une exploration empirique (Văn hóa rủi ro, các dấu hiệu xã hội và nghịch lý của nó. Một sự khảo sát thực nghiệm)”, Revue Économique, số 2, 56, tr. 371-92.
Peretti-Watel P. (2010), La gestion des crises sanitaires (Quản lý khủng hoảng y tế), La Documentation française, Problèmes politiques et sociales, n° 971, April.
Peretti-Watel P. (2010), La société du risque (Xã hội nguy cơ), Paris, La Découverte, coll. Repères.
Peretti-Watel P. (2012), La cigarette du pauvre. Enquête auprès des fumeurs en situation précaire (Thuốc lá của người nghèo. Khảo sát người hút thuốc trong tình huống bấp bênh), Presse de l’EHESP, coll. Recherche, y tế, xã hội.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn:Sociologie du risque et crises sanitaires: un éclairage sur la pandémie du coronavirus, Ressources en sciences économiques et sociales, 8.4.2020.




Chú thích:

[1] VITROME là một Đơn Vị Nghiên Cứu Hỗn Hợp (UMR-Unité Mixte de Recherche) được sáng lâp vào tháng 1 năm 2018 dưới sự bảo trợ của Đại học Aix-Marseille (AMU), Viện Nghiên cứu Phát triển (IRD), Cơ Quan Y tế Quân đội (SSA), hợp tác với Hội Cứu Trợ Công Cộng - Bệnh viện của Marseille (AP-HM).

[2] Sắc lệnh của Hàng Hải, tháng 8 năm 1681: Quyển III, Tiêu đề VI “Des assurances (Bảo hiểm)”.

[3] Ulrich Beck (1944-2015). “Introduction à la sociologie (cosmo) politique du risque d'Ulrich Beck (Để có một sự trình bày về xã hội học về nguy cơ của Beck”, trong Frédéric Vandenberghe (2001), Giới thiệu về xã hội học chính trị (vũ trụ) của Ulrich Beck, Revue du MAUSS, n° 17, 1, p. 25-39.

[4] Giám đốc nghiên cứu danh dự tại CNRS (PACTE, Science-Po Grenoble).

[5] Trong một bài viết năm 2011 (Vers une gestion politique des crises sanitaires? (Hướng tới quản lý chính trị các cuộc khủng hoảng sức khỏe?)), Claude Gilbert cũng giải thích rằng việc quản lý các cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng trong các tình huống khẩn cấp ngày nay đã trở nên chính trị hơn là khoa học hoặc kỹ thuật, bởi vì các vấn đề y tế cực kỳ nhạy cảm đối với dư luận và bao gồm các nguy cơ chính trị quan trọng, như chúng ta đã thấy với vụ việc máu bị nhiễm hoặc vụ bê bối amiăng. Trong sự quản lý chính trị này, mối quan hệ giữa những người ra quyết định chính trị, chuyên gia và các tác nhân kinh tế là rất cần thiết.

[6] Giám đốc nghiên cứu danh dự của École Polytechnique, chuyên gia về quản lý nguy cơ và quản lý khủng hoảng.

[7] Ở Pháp, trong số các biện pháp phòng ngừa các nguy cơ chính, trong lĩnh vực y tế, có thí dụ của kế hoạch quốc gia về đại dịch cúm.

[8] Tỷ lệ tử vong vượt mức do dịch coronavirus hiện rất khó ước tính, theo INSEE trong một bài đăng trên blog vào đầu tháng 4 năm 2020: Bayet A., Le Minez S. và Roux V., “Mourir de la grippe ou du coronavirus: faire parler les chiffres de décès publiés par l'Insee… avec discernement (Chết vì cúm hay vì coronavirus: để cho các số liệu tử vong do INSEE xuất bản bởi INSEE ... được suy xét một cách kỹ càng)”. Blog INSEE, ngày 7 tháng 4 năm 2020.

[9] Tuyên bố Rio (1992): “Trong trường hợp có nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng hoặc không thể đảo ngược, việc không có một sự xác thực khoa học tuyệt đối không thể được sử dụng như là cái cớ để hoãn việc áp dụng các biện pháp có hiệu lực nhằm ngăn chặn sự xuống cấp của môi trường”. Luật Barnier ngày 2 tháng 2 năm 1995 liên quan đến việc tăng cường bảo vệ môi trường: “(…), nguyên tắc cẩn trọng, theo đó nếu không có những sự xác thực, và có tính đến các kiến thức khoa học và kỹ thuật của thời điểm này, không được trì hoãn việc áp dụng các biện pháp có hiệu lực và tương xứng nhằm ngăn ngừa nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng và không thể đảo ngược đối với môi trường với một chi phí chấp nhận được về mặt kinh tế.

[10] Trào lưu chống vắc-xin thường được mô tả là một bệnh truyền nhiễm, như trên “trang nhất” của tờ báo Libération năm 2017: https://www.liberation.fr/direct/element/a-retrouver-dans-liberation-ce-mercredi-12-juillet_67521/.

[11] Xem: Richard Hoggart (1970), La culture du pauvre. Étude sur le style de vie des classes populaires en Angleterre (Văn hóa của người nghèo. Nghiên cứu về lối sống của các tầng lớp lao động ở Anh), Editions de Minuit, Bộ Le Sens Commun.

[12] Đặc biệt là những nguy cơ “cũ” đã xuất hiện với xã hội công nghiệp (thất nghiệp, tai nạn, tuổi già, v.v.) có thể nhận biết được, có thể dự đoán và có thể được bảo hiểm.

[13] Điều này dường như được xác nhận tại Hoa Kỳ, nơi các số liệu thống kê đầu tiên cho thấy tỷ lệ quá cao của người dân Mỹ gốc Phi trong các trường hợp tử vong và nhập viện do dịch Covid-19. Mức độ tiếp xúc cao hơn với sự bấp bênh, bệnh tật do nghề nghiệp của họ và sự bất bình đẳng về sức khỏe có thể giải thích cho sự khác biệt này. Nguồn: “Coronavirus: aux États-Unis, le lourd tribut des Afro-Américains (Coronavirus: tại Hoa Kỳ, sự trả giá quá lớn của người Mỹ gốc Phi)”, Le Monde, ngày 9 tháng 4 năm 2020.

Print Friendly and PDF