8.4.20

Dịch SARS, biến cố 11 tháng 9 của châu Á


DỊCH SARS, BIẾN CỐ 11 THÁNG 9 CỦA CHÂU Á
Frédéric Keck[*]
Nếu vào năm 2001, cuộc tấn công khủng bố vào Tháp World Trade Center đã đế lại dấu ấn trên tâm trí ở Phương Tây, thì đó không phải là trường hợp vào năm 2003 khi châu Á đi vào cuộc chiến chống lại bệnh truyền nhiễm.
Kiểm tra thân nhiệt ở Đài Loan năm 2003. Ảnh của Simon Kwong. Reuters
Đọc tin tức về những ngày đầu tiên phong tỏa ở Pháp, ta có cảm tưởng dường như thế giới đã chuyển sang một kỷ nguyên mới: Châu Âu là tâm điểm của một đại dịch, Hoa Kỳ đang chuẩn bị đối phó với hàng ngũ bị phân tán và Trung Quốc, nước đã kiểm soát dịch bệnh này trong một vài tháng bằng hàng loạt các biện pháp mạnh, gửi viện trợ đến phần còn lại của thế giới bao gồm mặt nạ, máy trợ thở và bác sĩ. Lời tuyên chiến của Tổng thống (Pháp) vào những ngày đầu tiên của cuộc “chiến tranh” có âm điệu của năm 1914: chúng ta không biết việc động viên sẽ kéo dài bao lâu, nhưng chúng ta biết rằng nó đã bắt đầu làm đảo lộn trật tự của thế giới. Cũng như năm 1914 đã thúc đẩy sự suy tàn của Châu Âu và đẩy nhanh sự trỗi dậy của Hoa Kỳ trong việc chỉ đạo các vấn đề thế giới, phải chăng virus Covid-19 có thể sẽ thừa nhận Trung Quốc như là cường quốc thế giới mới, do đó biến các lời tiên tri của các chuyên gia mà, về cơ bản, ít người Châu Âu tin?

Một sự chập mạch để lại nhiều chấn thương

Ở Pháp người ta đã không hiểu tầm quan trọng của cuộc khủng hoảng SARS, vì người ta chỉ cảm nhận được âm vang qua hình ảnh của người dân Trung Quốc đeo mặt nạ bị các truyền thông bóp méo, trong khi Pháp đã từng phải đối mặt với cơn khủng hoảng y tế của một đợt nắng nóng đã giết chết khoảng 15.000 người, hầu hết là người già. Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã tạo ra một sự chập mạch để lại nhiều chấn thương giữa hai ký ức này: hiện nay mặt nạ đang được đeo trên đường phố Pháp - trong khi đáng lẽ nó phải có sẵn trong các bệnh viện - và hàng loạt người già chết vì bệnh SARS -COV2 - trong khi SARS chủ yếu giết chết thanh niên.
SARS được người dân châu Á trải nghiệm như là một “ngày 11 tháng 9”. Sự tương đồng với cuộc tấn công khủng bố vào Tháp Manhattan tập trung vào sự chênh lệch trong kịch bản thảm họa giữa sự ít ỏi của phương tiện và quy mô của các hậu quả. Một loại virus truyền từ dơi sang người qua con cầy hương, một động vật có vú được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc và được truyền từ người sang người di chuyển bằng máy bay giữa Canton, Hồng Kông, Bắc Kinh, Đài Bắc, Singapore, Hà Nội, Bangkok và Toronto, cuối cùng đã lây nhiễm khoảng 8.000 người và giết chết khoảng 800. Nhân viên y tế đã hy sinh để giải cứu bệnh nhân, giống như lính cứu hỏa ở New York đã chết trong đống đổ nát của Trung tâm Thương mại Thế giới, và Chính phủ Trung Quốc, sau khi do dự vài tháng về mức độ nghiêm trọng của căn bệnh, tuyên bố một cuộc chiến chống virus với việc xây dựng hàng loạt các bệnh viện, điều có thể so sánh với cuộc chiến tranh chống khủng bố được tuyên bố sau ngày 11 tháng 9 năm 2001 của chính quyền Bush.
Ngay sau ngày 11 tháng 9, báo Le Monde đã chạy tựa: “Tất cả chúng ta đều là người Mỹ”. Nhưng không có người Châu Âu nào lên tiếng sau cuộc khủng hoảng SARS: “Tất cả chúng ta đều là người Châu Á”. SARS đã không đi vào trí tưởng tượng của chúng ta như trường hợp các cuộc tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới. Ngay cả bộ phim Contagion, tuy là nguồn thông tin tốt nhất về các biện pháp phòng chống đại dịch vì nó được sản xuất với sự hỗ trợ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh và Tổ chức Y tế Thế giới sau vụ thất bại cúm A-H1N1, năm 2009, vẫn phổ biến các định kiến ​​về Châu Á như là một “ổ chứa virus”. Tổng những xúc động, ký ức, khái niệm, kiến ​​thức mà Châu Á đã trải nghiệm trong SARS đã bị chúng ta bỏ qua. Và đó là lý do tại sao chúng ta bất lực trước Covid-19, trong khi Châu Á đã được chuẩn bị từ năm 2003.

Người lính canh các đại dịch

Vấn đề không phải là rơi vào một thứ thuyết định mệnh mới của “chủ nghĩa chuyên quyền phương Đông”, than phiền rằng một chế độ độc tài - chính phủ của Tập Cận Bình, người được tôn xưng lên chức chủ tịch trọn đời vào năm 2018, mà quyền lực được củng cố mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng này - nắm quyền lãnh đạo trên hành tinh. Châu Á không phải là Trung Quốc lục địa, và Trung Quốc cũng biết về các quy tắc dân chủ mà chúng ta gắn bó. Đài Loan, Hồng Kông và thậm chí Singapore là những ví dụ về một sự kiểm soát dịch bệnh thông minh, với các mạng xã hội khuyến khích mọi người tham gia vào cuộc vận động y tế. Mỗi vùng trong ba lãnh thổ này đã khảo sát, thông qua điện ảnh, văn học, nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật kỹ thuật số, hậu quả của cuộc khủng hoảng SARS, để chuẩn bị cho người dân của mình đối phó với một căn bệnh hô hấp mới đòi hỏi các biện pháp độc đoán nhanh chóng để bảo tồn tốt hơn các quyền tự do.
Frédéric Keck (1974-)
Do lịch sử của họ trong hai thế kỷ qua, ba vùng lãnh thổ này, có thể được mô tả là lính canh các đại dịch, bởi vì chúng là những lãnh thổ đầu tiên trên chiến tuyến chống lại các loại virus mới nổi, đã là điểm tiếp xúc giữa Đông và Tây. Vũ Hán, nơi Pháp đã cùng Trung Quốc xây dựng một phòng thí nghiệm về an ninh sinh học với mức an toàn cấp 4 để xử lý các mầm bệnh nguy hiểm nhất như Ebola, SARS hoặc H5N1, có thể là một lính canh mới, vì lịch sử công nghiệp và thương mại của nó cho phép. Các lính canh của đại dịch là những nơi mà nền dân chủ thế kỷ 21 được sáng tạo trong sự chuyển đổi của thế giới.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn:Le SRAS, 11 Septembre asiatique”, Libération, 22.3.2020.




Chú thích:

[*] Giám đốc nghiên cứu Ở Trung Tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS - Pháp), giám đốc Phòng nghiên cứu Nhân học xã hội.

Print Friendly and PDF