COVID-19 BỘC LỘ NHỮNG MÂU THUẪN CỦA TOÀN CẦU HOÁ TÂN TỰ DO
|
Bruno Le Maire (1969-) |
“Trong lịch sử kinh tế thế giới sẽ có một trước và một sau Coronavirus.” Những từ này, được ông bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Bruno Le Maire phát biểu, nghe có vẻ như một bản án tử hình chống lại sự toàn cầu hóa hiện nay. Thật vậy, vẫn theo Bruno Le Maire, cần phải thiết lập “một sự toàn cầu hóa có trách nhiệm hơn và có tổ chức tốt hơn”; các hiệp hội đấu tranh cho một sự toàn cầu hóa khác và cho sự bảo vệ môi trường sẽ cảm thấy vui mừng ….
Bởi vì, từ những năm 2000 và sự tăng tốc của giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, đã có nhiều tiếng nói tố cáo những tác hại của sự toàn cầu hóa tân tự do dựa trên bốn sự phá giá: sinh thái, xã hội, thuế khóa và dân chủ[1]. Những tiếng nói không tìm thấy tiếng vọng trong các cơ quan điều phối quốc tế hoặc các chính phủ nối tiếp nhau. Do đó, chúng ta không được nhầm lẫn và không quá nhanh chóng nhượng bộ trước vẻ đẹp của các bài diễn thuyết nay đã trở thành phê phán đối với sự toàn cầu hóa. Bởi vì khi mà nhiều nhà quan sát và kinh tế học tự do coi cuộc khủng hoảng Covid-19 là một cú sốc ngoại sinh, mang tính thời cuộc, đang gây khó khăn cho sự toàn cầu hóa, vốn rất tốt đẹp từ những năm 2000, thì, ngược lại, ta phải xem nó đơn giản như là một ngòi nổ, chứ không phải là nguyên nhân, cho cuộc khủng hoảng của sự toàn cầu hóa.
|
Frédéric Boccara (1964-) |
|
Alain Tournebise |
Tiếp nối Frédéric Boccara và Alain Tournebise[2], đã cho thấy Covid-19 chỉ là một “chất đã thúc đẩy” cuộc khủng hoảng sắp tới (hoặc đang diễn ra) hoặc Frédéric Lordon[3], người nói về virus như là một “điều tố cáo”, tiết lộ những tác động của các chính sách tân tự do, bài này nhằm chứng minh rằng cuộc khủng hoảng y tế do Covid-19 gây ra chỉ tiết lộ những sai sót của sự toàn cầu hóa tân tự do đã đuối sức từ lâu rồi[4]. Do đó, cần phải “tận dụng” cuộc khủng hoảng này - và các diễn ngôn nay đã chiếm ưu thế - để cho thấy sự cần thiết của một hình thức toàn cầu hóa mới, không còn dựa trên các nguyên tắc cạnh tranh và việc tìm kiếm những giá rẻ nhất, mà là trên sự hợp tác, sự điều tiết và sự chuyển đổi sinh thái và xã hội. Toàn cầu hóa tân tự do và quá trình chuyển hóa cấu trúc nội sinh
|
Frédéric Lordon (1962-) |
Toàn cầu hóa tân tự do, được thiết lập bởi các chính sách phi điều tiết hoá và xóa bỏ các quy định được thực hiện từ những năm 1970, chứa đựng những mâu thuẫn nội bộ, không thể vượt qua nay đã hiển lộ. Ta có thể định nghĩa sự chuyển hóa nội sinh của sự toàn cầu hóa tân tự do bằng cách diễn giải với những từ của Karl Marx: cuộc khủng hoảng Covid-19 bây giờ cho thấy rõ rằng sự toàn cầu hóa tân tự do mang trong mình những mầm mống của sự hủy diệt chính nó. Do đó, cuộc khủng hoảng Covid-19 không đánh dấu một bước ngoặt trong sự toàn cầu hóa tân tự do, nhưng cho thấy giới hạn bên trong của mô hình phát triển toàn cầu hóa dựa trên chuỗi giá trị toàn cầu và cuộc đua giảm chi phí sản xuất, mà quan trọng nhất là tiền lương. 1. Toàn cầu hóa và chuỗi giá trị toàn cầu
Toàn cầu hóa ngày nay là kết quả của một quá trình biến đổi và tiến hóa lịch sử cần được trình bày nhanh chóng để hiểu đầy đủ các thách thức hiện tại.
Kể từ các tác phẩm của Adam Smith (1723-1790) và David Ricardo (1772-1823), thương mại quốc tế (và do đó là sự toàn cầu hóa) đã được phân tích trên lý thuyết như là sự trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia. Thông qua thương mại tự do, mỗi quốc gia sẽ được hưởng lợi từ việc chuyên môn hóa trong sản xuất hàng hóa mà nó có lợi thế so sánh[5] và xuất khẩu sang các nước khác. Từ bỏ việc sản xuất các hàng hóa khác mà nó không có lợi thế như vậy, nó sẽ nhập chúng từ nước ngoài. Do đó, về mặt lý thuyết, thuyết thương mại tự do cho phép người tiêu dùng có thể tiếp cận với một số lượng lớn các sản phẩm giá rẻ, vì do được sản xuất bởi các quốc gia đã chuyên môn hóa và do đó cũng hiệu quả hơn. Nhờ thế, theo lý thuyết này vốn đang thống trị hiện nay, thương mại quốc tế mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Mặc dù giới hạn của chúng (lý thuyết và thực nghiệm) đã được bộc lộ, các lý thuyết của Smith và Ricardo vẫn được huy động để bảo vệ quyền thương mại tự do và sự toàn cầu hóa. Tuy nhiên, sự phát triển của các hình thức thương mại giữa các quốc gia đã buộc lý thuyết kinh tế phải điều chỉnh diễn ngôn của nó. Nhiều lý thuyết về thương mại quốc tế thực sự đã nhấn mạnh đến một sự kiện “mới” từ những năm 1990: không phải các quốc gia buôn bán với nhau mà chính là các công ty. Do đó, cần phải sửa đổi các lý thuyết cổ điển để giải thích rõ hơn thực tế của sự toàn cầu hóa tân tự do, trong đó từ nay, các quốc gia đã phải nhường chỗ cho các tập đoàn đa quốc gia (FMN) trong việc ấn định các quy tắc[6]. Do đó, nghiên cứu hàn lâm từ nay nói về chuỗi giá trị toàn cầu để mô tả giai đoạn hiện tại của sự toàn cầu hóa. Nguyên tắc rất đơn giản: các FMN sản xuất hàng hóa phân cắt sản xuất thành nhiều giai đoạn được chúng thực hiện trên khắp thế giới. Bằng cách thức này, các FMN được hưởng lợi - từ thiết kế đến chế tạo hàng hóa - từ hiệu quả sản xuất của mỗi quốc gia, tức là từ sản xuất chi phí thấp trên toàn bộ chuỗi giá trị của sản phẩm. Trong thực tế, các FMN do đó được hưởng lợi từ việc chuyên môn hóa các quốc gia không phải trong sản xuất một sản phẩm cụ thể, mà là trong sự chuyên môn hóa của một công đoạn sản xuất. Do đó, chúng ta đã đi từ việc giao dịch các hàng hóa (trade in goods) sang một giao dịch các công đoạn (trade in tasks)[7]. Ví dụ, biểu đồ sau đây cho thấy sự phân mảnh các chuỗi giá trị để sản xuất một chiếc iPhone. Các công đoạn trong sự chế tạo một iphone (Nguồn: Micmag.be)
Như chúng ta có thể thấy, việc sản xuất thành phẩm, iPhone, bao gồm ít nhất tám công đoạn sản xuất ở tám quốc gia khác nhau, từ thiết kế ở Hoa Kỳ đến lắp ráp tại Trung Quốc, bao gồm cả việc sản xuất màn hình cảm ứng hoặc bộ xử lý ở Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Chúng ta phải thêm vào các giai đoạn này việc khai thác nguyên liệu thô (ở Châu Phi hoặc Nouvelle Calédonie) và mạng lưới các cửa hàng bán hàng. Ngoài ra, cần phải thêm vào các công đoạn sản xuất những công đoạn “ảo” gắn với ý đồ trốn thuế của các FMN bằng cách đặt các công ty con trong các thiên đường thuế.
Điểm đặc biệt của sự bùng nổ các chuỗi giá trị này là chúng dựa vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nói cách khác, thương mại quốc tế ngày càng bị quyết định bởi các FMN đầu tư trực tiếp ra nước ngoài hoặc mua các công ty con, hoặc mua hay xây dựng các nhà máy sản xuất. Kết quả là, gần một phần ba thương mại quốc tế theo khối lượng được tạo thành từ thương mại nội bộ[8]. Do đó, các FMN đầu tư ra nước ngoài để kiểm soát toàn bộ chuỗi sản xuất cho một sản phẩm. Khi mà trước đây các quốc gia được chuyên môn hóa trong toàn bộ các công đoạn để sản xuất ra một sản phẩm, thì nay chính các FMN quy định và kiểm soát việc sản xuất tất cả các công đoạn của một sản phẩm, một sự sản xuất mà chúng tổ chức và phân phối ở cấp độ toàn cầu. Bằng cách gia tăng các giao dịch quốc tế, các FMN cũng gây ra ô nhiễm đáng kể, với chi phí mà họ không phải trả. Tổ chức sản xuất này ở cấp độ toàn cầu, được quy định bởi các FMN, cho phép chúng tối đa hóa lợi nhuận của mình bằng cách sản xuất với chi phí thấp. Do đó, ở mỗi công đoạn sản xuất, các FMN sẽ chọn các quốc gia tùy vào việc phá giá mà các quốc gia này cho phép chúng thực hiện: phá giá xã hội với lao động giá rẻ tại các nước đang phát triển, phá giá môi trường tại các quốc gia được coi là “thiên đường ô nhiễm”[9], phá giá tài chính của các thiên đường thuế có mức thuế lợi nhuận thấp hơn nhiều so với mức trung bình quốc tế, thậm chí bằng không, v.v.. Logic thứ hai, được nêu bật trong truyền thông của các FMN, là cần phải tiếp cận các thị trường mới nổi bằng cách sản xuất trực tiếp ngay tại chỗ. Điều này cho phép các FMN thích ứng với các đặc tính của cầu ở địa phương. Một sự kiện biểu lộ việc này, theo Hiệp Hội của Ngành Công Nghệ Ô Tô (Đức) /Verband der Automobilindustrie (VDA), các nhà sản xuất ô tô Đức nay sản xuất nhiều xe ở Trung Quốc hơn ở Đức, không có hiện tượng này năm 2014. 2. Một mô hình đã đạt tới những giới hạn của nó
Việc tổ chức sản xuất dựa trên sự bùng nổ các chuỗi giá trị toàn cầu hàm chứa nhiều mâu thuẫn đối với sự toàn cầu hóa tân tự do, các mâu thuẫn này vốn đã bộc lộ trong nhiều thập kỷ qua nay càng hiện rõ. Chúng tôi sẽ phân tích ở đây ba mâu thuẫn nội sinh của phương thức điều tiết hiện nay[10] của toàn cầu hóa tân tự do. Những mâu thuẫn không thể vượt qua này là hệ quả của việc tổ chức sản xuất thành chuỗi giá trị toàn cầu cũng như của logic của bốn phương thức phá giá: sinh thái, xã hội, thuế khoá và dân chủ. Sự siêu lệ thuộc của các nền kinh tế vào Trung Quốc
Nếu có một quốc gia hưởng lợi nhiều trong sự phân mảnh các chuỗi giá trị, thì đó chính là Trung Quốc. Trên thực tế, trong chưa đầy 10 năm, Trung Quốc đã trở thành một nước đóng vai trò lớn trong sự toàn cầu hóa. Năm 2017, theo Cơ Quan Thống kê Âu Châu (Eurostat), xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc chiếm 16,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới (trước Liên Minh Châu Âu với 15,8% và Hoa Kỳ với 11,5%). Về nhập khẩu, Trung Quốc giữ vị trí thứ ba trong cùng năm với 13,2% nhập khẩu thế giới (sau Hoa Kỳ với 17,3% và Liên Minh Châu Âu với 15,1%).
Nhưng tầm quan trọng ngày càng tăng của chuỗi giá trị toàn cầu khiến cho việc chỉ sử dụng dòng chảy thương mại tổng thể không thể cung cấp một bức tranh hoàn chỉnh về sự toàn cầu hóa. Để hoàn chỉnh phân tích của chúng ta, chúng ta nên xem xét “giá trị gia tăng được tạo ra bởi mỗi quốc gia trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ được giao dịch và tiêu thụ trên toàn thế giới”[11]. Ý tưởng là để trả lời câu hỏi: bao nhiêu giá trị đã được cộng thêm vào và bởi quốc gia nào trong hàng hóa mà tôi giao dịch hoặc tiêu dùng? Như có thể thấy trong biểu đồ dưới đây, tỷ lệ giá trị gia tăng của Trung Quốc trong cầu cuối cùng đối với hàng hóa được chế biến đã không ngừng tăng lên kể từ năm 2005, tăng từ mức dưới 5% lên gần 15% trong năm 2015. Phần này bây giờ là gần 25%[12]. Vẫn theo dữ liệu của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD), sự phụ thuộc của nền kinh tế thế giới vào Trung Quốc thậm chí còn rõ ràng hơn trong lĩnh vực hàng dệt may-da giày, trong đó tỷ lệ này đã tăng lên 38% vào năm 2015, trong kim loại cơ bản và các sản phẩm kim loại chế tạo (29,4%), máy móc và thiết bị (28,2%), và các hóa chất và các sản phẩm khoáng sản phi kim loại (23,7%). Nguồn gốc của giá trị gia tăng trong cầu cuối cùng (Nguồn OECD, cơ sở dữ liệu TIVA)
Về mặt sản xuất, Trung Quốc có một nửa năng lực sản xuất của thế giới trong công nghiệp gang thép. Ngoài ra, và trong thời kỳ khủng hoảng y tế hiện nay, 60% sản lượng paracetamol trên thế giới, 90% sản xuất penicillin trên thế giới và 50% sản phẩm ibuprofen là do Trung Quốc sản xuất. Mặc dù Liên Minh Châu Âu sản xuất phần lớn các loại thuốc của mình, nhưng nó vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc trong việc nhập khẩu các thành phần cần thiết cho việc sản xuất chúng.
Do đó, cuộc khủng hoảng y tế Covid-19 đã bộc lộ những giới hạn của sự toàn cầu hóa tân tự do, do tổ chức của nó thành các chuỗi giá trị toàn cầu bị phân mảnh khiến cho các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau. Đặc biệt, Châu Âu hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc và rộng hơn vào các nước đang phát triển. Nếu cuộc khủng hoảng Covid-19 bộc lộ những mâu thuẫn của sự siêu phụ thuộc này, thì đó thực sự là một cuộc khủng hoảng nội sinh đối với hệ thống hiện đang bùng nổ. Thật vậy, những mâu thuẫn của sự siêu phụ thuộc và việc tổ chức sự toàn cầu hóa xung quanh sự thống trị của một vài FMN có thể đã nổ ra (hoặc dẫn đến) với một cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế, địa chính trị hay khác. Do đó, Covid-19 chỉ là một máy gia tốc những căng thẳng nội sinh không thể vượt qua.
Cuộc khủng hoảng sản xuất
Toàn cầu hóa tân tự do, và nói chung chủ nghĩa tư bản, liên tục cần tìm các thị trường tiêu thụ mới để tiếp tục phát đạt. Tuy nhiên, phương thức điều tiết sự toàn cầu hóa hiện nay kéo theo hai hiện tượng mâu thuẫn với nhau và cuối cùng, phản ánh những căng thẳng nội tại không thể vượt qua. Hai hiện tượng này, cụ thể là cuộc khủng hoảng sản xuất và sự tiêu dùng kém, đã có trước cuộc khủng hoảng Covid-19 rất lâu và một lần nữa chứng minh vai trò “tố cáo” của con virus. Lúc đầu, chúng ta chứng kiến một cuộc khủng hoảng sản xuất ở phạm vi toàn cầu. Như biểu đồ sau đây cho thấy, sản xuất công nghiệp ở khu vực đồng euro và Liên Minh Châu Âu gồm 27 thành viên có xu hướng giảm kể từ tháng 12 năm 2017.
Sản Xuất công nghiệp ở Khu vực đồng Euro và Vùng Liên Minh Châu Âu 27 (Nguồn: Cơ Quan Thống Kê Châu Âu - Eurostat)[13]
Chính xác hơn, trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2018 đến tháng 12 năm 2019, sản xuất công nghiệp giảm 4,1% ở khu vực đồng euro và 3,9% ở vùng EU 27 (UE mở rộng gồm 27 nước). Trong cùng thời gian và đối với khu vực đồng euro, sản phẩm đầu tư đã có sự sụt giảm đáng kể nhất (-6,7%), tiếp theo là hàng hóa trung gian (-5,5%), năng lượng (-2,3%) và hàng tiêu dùng lâu bền (-1,4%). Chỉ có sự sản xuất hàng tiêu dùng không bền tăng 1,4% trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2018 đến tháng 12 năm 2019. Đặc biệt Đức, với mức giảm 7,2% trong sản xuất công nghiệp, đã bị ảnh hưởng mạnh.
Nhưng những khó khăn trong ngành công nghiệp không chỉ giới hạn ở Liên Minh Châu Âu. Như biểu đồ sau đây cho thấy, sản xuất công nghiệp đã chậm lại trên toàn thế giới kể từ năm 2017. Do đó, sự tăng trưởng trong sản xuất sản phẩm chế biến ngày càng ít được duy trì.
Diễn tiến của sản xuất công nghiệp thế giới (Nguồn: tạp chí L’Usine Nouvelle)
Vào chi tiết cho các quốc gia, ta có thể ghi nhận sự sụt giảm trong sản xuất công nghiệp ở Đức, Nhật Bản (trong quý cuối năm 2019), Pháp (quý cuối năm 2019) và Ý và sự suy giảm mạnh ở Trung Quốc và Hoa Kỳ[14]. Như vậy sự suy giảm trong sản xuất công nghiệp trên toàn thế giới và sự suy giảm được ghi nhận ở một số nước công nghiệp nhất định đã không chờ đợi cuộc khủng hoảng Covid-19 để được ghi nhận. Ngay cả khi sự chậm lại này dường như chỉ mới xảy ra (một năm đến một năm rưỡi), có vẻ như nó sẽ kéo dài theo logic của sự toàn cầu hóa tân tự do. Thật vậy, cuộc đua điên cuồng để giảm chi phí sản xuất đã đẩy phần lớn các quốc gia gây áp lực lên tiền lương, hoặc thậm chí hạ thấp tiền lương. Kết hợp với các chính sách thắt lưng buộc bụng hạn chế đầu tư công, việc cắt giảm lương này gây ra sự sụt giảm của cầu, cả từ các doanh nghiệp (đầu tư) và từ các hộ gia đình (tiêu dùng). Sự gia tăng nợ công và tư, được khuếch đại bởi cuộc khủng hoảng năm 2008, đã không thể bù đắp cho sự thiếu năng động của cầu thế giới, điều một lần nữa cho thấy, với những căng thẳng hiện nay trên thị trường chứng khoán thế giới, sự bất ổn của nền tài chính toàn cầu hóa.
Chúng ta sẽ quay lại vấn đề này sau, sự chậm lại này cũng là hậu quả của các nhân tố đặc thù kể từ đầu năm 2018. Đặc biệt, chiến lược trọng thương của Donald Trump và sự trở lại của các thuế hải quan, sự kiện Brexit, việc áp dụng những chuẩn mực chống ô nhiễm (đặc biệt là ở Liên Minh Châu Âu) và những cú sốc từ ngành công nghiệp ô tô giải thích phần nào sự chậm lại này. Nhưng những nhân tố đặc thù này cũng chỉ là phản ứng đối với cuộc khủng hoảng của sự toàn cầu hóa tân tự do.
Như vậy, cuộc khủng hoảng toàn cầu hóa tân tự do xảy ra trước, khá xa cuộc khủng hoảng y tế mà chúng ta hiện đang trải qua. Sự nhân bội các chính sách tân tự do ở các nước phát triển (chính sách thắt lưng buộc bụng, suy giảm đầu tư công, v.v.) và bốn sự phá giá (sinh thái, tài chính, xã hội và dân chủ) trên đó sự toàn cầu hóa đã được xây dựng từ những năm 1990 đã dẫn đến suy thoái của cầu thực tế ở phần lớn các quốc gia và do đó, sự chậm lại trong sản xuất công nghiệp toàn cầu kể từ năm 2017. Sự chậm lại của tiến trình toàn cầu hóa (slowbalisation) đã đến rồi!
Bằng chứng mới nhất về sự chuyển hóa nội sinh của sự toàn cầu hóa tân tự do là sự ra đời những gì mà một số người (như Adjiedj Bakas) đã gọi ngay từ bây giờ là sự chậm lại của tiến trình toàn cầu hóa (slowbalisation). Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ, sự toàn cầu hóa sẽ chậm lại và những giao dich hàng hóa và dịch vụ giờ cũng sẽ chậm lại. Dù việc đặt cược vào một tiến trình phi toàn cầu hóa có vẻ mạo hiểm, ta cũng phải nhận thấy rằng sự toàn cầu hóa tân tự do đã đi đến cuối chu kỳ của nó. Xu hướng xuất khẩu thế giới tính theo tỷ lệ phần trăm trong GDP cho thấy toàn cầu hóa đang chậm lại. Năm 1970, xuất khẩu thế giới chiếm 13,65% GDP, một con số tăng lên 30,76% trong năm 2008. Cuộc khủng hoảng của các tín dụng dưới chuẩn (subprimes) dường như là điểm dừng đầu tiên cho sự tiến triển gần như không bị gián đoạn này. Thật vậy, kể từ năm 2008, tỷ trọng xuất khẩu thế giới đã biến động trong khoảng 30% của GDP mà không bao giờ trở lại mức của năm 2008. Tệ hơn nữa, nó thậm chí mất 4 điểm phần trăm giữa năm 2008 và 2009 và 2 điểm trong giai đoạn 2014-2016. Do tầm quan trọng của các vụ giao dịch về sản phẩm trang thiết bị, tỷ trọng thương mại quốc tế biến động theo tốc độ tăng trưởng.
Xuất khẩu thế giới tính theo tỷ lệ của Tổng Sản Lượng Thế Giới (Nguồn: Ngân Hàng Thế Giới)
Để có một bức tranh chính xác hơn, chúng ta có thể mô tả chi tiết biểu đồ trên để so sánh sự tiến hóa của tốc độ tăng trưởng thương mại quốc tế, nghĩa là sự trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia trên thế giới (xuất nhập khẩu), với tốc độ tăng trưởng của GDP của thế giới, tức là sự sản xuất của cải. Kể từ sự ra đời của phương thức điều tiết tân tự do sự toàn cầu hóa, tốc độ tăng trưởng thương mại thế giới luôn cao hơn so với tốc độ tăng trưởng sản xuất của cải. Nói một cách đơn giản, nền thương mại quốc tế luôn năng động hơn sự sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Nói cách khác, và đây chính là định nghĩa của sự toàn cầu hóa, một phần ngày càng tăng của nền sản xuất thế giới được dành cho sự giao dịch trên thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, lần đầu tiên vào năm 2012, sự tăng trưởng của sản xuất thế giới cao hơn tốc độ tăng trưởng của thương mại quốc tế. Như biểu đồ trên cho thấy, đây cũng là trường hợp trong năm 2014, 2015 và 2016. Điều này có nghĩa là sự toàn cầu hóa đã bị chậm lại trong ba năm này, như được xác nhận bởi sự sụt giảm của tỷ lệ mở cửa toàn cầu[15]. Như vậy, các nền kinh tế đã ngày càng chuyển sang sản xuất cho thị trường trong nước hơn là cho thị trường nước ngoài. Như chúng tôi đã đề cập ở trên, sự chậm lại trong sản xuất công nghiệp cũng như sự tăng trưởng trong thương mại quốc tế được giải thích một phần bởi các nhân tố đặc thù. Đặc biệt, sự thay đổi trong chế độ tích lũy của Trung Quốc, đi từ tăng trưởng kinh tế dựa trên xuất khẩu sang tăng trưởng được duy trì bởi thị trường trong nước hoặc chính sách trọng thương do Donald Trump đưa ra, trước hết là đối với Trung Quốc, là bấy nhiêu nhân tố đã làm chậm quá trình toàn cầu hóa tân tự do.
Tăng trưởng hàng năm của thương mại quốc tế và GDP thế giới (Nguồn: OMC[16])
Tuy nhiên, những nhân tố đặc thù này cũng có thể được phân tích như là hệ quả của các mâu thuẫn trong phương thức điều tiết. Thật vậy, đối mặt với việc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không thể điều tiết sự toàn cầu hóa theo cách đa phương, đối mặt với sự sụt giảm của cầu (đặc biệt là cầu ô tô), đối mặt với mong muốn một sự tiêu dùng xanh hơn ở các nước phát triển và đối mặt với quá trình phi công nghiệp hóa do sự toàn cầu hóa gây ra, người ta ghi nhận một phản ứng về phía Trung Quốc và Hoa Kỳ để không biến thành nạn nhân của “sự kết thúc” của sự toàn cầu hóa. Do đó, Trung Quốc đã quyết định định hướng lại các thành tố của sự tăng trưởng kinh tế của mình và chấm dứt vai trò của mình như là công xưởng của thế giới, Hoa Kỳ của Donald Trump đã quyết định đi theo hướng ngược lại bằng cách bảo vệ biên giới và đe dọa rời khỏi WTO. Do đó, một mối quan hệ nhân quả kép đang diễn ra ở đây: sự suy yếu của phương thức điều tiết toàn cầu hóa tân tự do khuyến khích các nước phải điều chỉnh các chiến lược của họ và những chiến lược mới này lại củng cố mâu thuẫn nội tại của sự toàn cầu hóa hiện nay. Để kết luận về bức tranh toàn cảnh của sự toàn cầu hóa hiện tại và các giới hạn của nó, cần phải khẳng định lại rằng, như chúng tôi vừa chỉ ra, cuộc khủng hoảng Covid19 hoàn toàn không gây ra cuộc khủng hoảng của sự toàn cầu hóa, mà chỉ đóng góp vào việc làm cho nó tăng tốc và biểu lộ nó một cách mạnh mẽ. Thật vậy, phương thức điều tiết của sự toàn cầu hóa hiện nay, dựa trên bốn phương thức phá giá, sự thống trị của các FMN đối với các quốc gia (đó chính là cơ sở của chủ nghĩa tân tự do) và đối với các chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng phức tạp và phân mảnh, trong nhiều năm đã tiết lộ mâu thuẫn nội tại của nó. Thật vậy, nếu chúng ta lấy một khía cạnh, chuỗi giá trị toàn cầu, thì hóa ra những thứ này trong thực tế có một chi phí ẩn chỉ mới được bộc lộ. Tất nhiên, từng công đoạn của chuỗi sản xuất được tối ưu hóa để giảm chi phí sản xuất, nhưng những mâu thuẫn lại tỏ ra là không thể vượt qua khi cỗ máy gặp sự cố. Sự phụ thuộc quá mức vào một số quốc gia trong việc cung cấp các đầu vào cần thiết cho việc sản xuất hàng hóa cuối cùng là điều không thể chấp nhận được trong thời điểm của cuộc khủng hoảng y tế này.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng toàn cầu hóa cũng có thể được kích hoạt bởi những mâu thuẫn trong các vấn đề môi trường và xã hội của phương thức sản xuất này[17]. Bởi vì ở đây cũng vậy, các chuỗi giá trị toàn cầu có một chi phí tiềm ẩn: sự ô nhiễm do việc gia tăng vận chuyển hàng hóa trên khắp thế giới, do sự bóc lột những công nhân được yêu cầu sản xuất trong điều kiện bi thảm. Do đó, điều mà những người tân tự do xem như là một mô hình hài hòa, lý tưởng hoặc “cả hai bên cùng có lợi (win-win)” trong thực tế chỉ là một chế độ điều tiết đặc biệt, tạm thời. Việc tổ chức sự toàn cầu hóa tân tự do thành chuỗi giá trị toàn cầu hóa chỉ mới có rất gần đây và có thể bị đặt thành vấn đề. Hơn nữa, sự bất ổn của nó cho thấy rằng cách tổ chức này sẽ không vĩnh cửu. Do đó, cần phải khẳng định lại rằng có các phương thức điều tiết khác, rằng chúng ta có thể loại bỏ các chuỗi giá trị toàn cầu và sự thống trị của các FMN, để cuối cùng thúc đẩy một sự toàn cầu hóa khác, tôn trọng môi trường, người lao động và chủ quyền Nhà Nước (đặc biệt là trong vấn đề thuế...). Nói cách khác, một sự toàn cầu hóa sinh thái, đoàn kết và hợp tác.
Vì vậy, hãy hiểu lời của Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính theo nghĩa đen. Hãy khẳng định lại sự cần thiết phải phát triển các chu trình địa phương ngắn, sự sản xuất trong nước (hoặc trong trường hợp của Pháp trong bối cảnh Châu Âu) khi nó có thể được thực hiện một cách hợp lý và khi cần thiết (đặc biệt trong lĩnh vực y tế và thực phẩm nông nghiệp), phải đầu tư vào các dịch vụ công cộng và bảo vệ chúng, phải thúc đẩy các biện pháp bảo vệ nam nữ công dân và người lao động, phải chấm dứt các hiệp ước thương mại tự do chỉ củng cố bốn phương thức phá giá, và khởi đầu một cách toàn diện quá trình chuyển đổi sinh thái và xã hội cũng như một sự cải cách thuế công bằng. Điều này nhất thiết phải được tiến hành bằng việc điều tiết sự toàn cầu hóa thông qua các chính sách công, một sự điều tiết phải được đàm phán theo phương thức đa phương để tránh các chiến lược ích kỷ và bất hợp tác. Lúc đó, chúng ta mới có thể dự tính cải cách của WTO trên cơ sở Hiến chương Havana được ký năm 1948 để xác định các hiệp định thương mại mới dành ưu tiên cho việc tôn trọng các chuẩn mực xã hội, môi trường hoặc dân chủ.
Nó cũng đòi hỏi việc sử dụng các công cụ kinh tế như chủ nghĩa bảo hộ được thương lượng, sinh thái và đoàn kết.
Phạm Như Hồ dịch
Chú thích:
[i] LÉO CHARLES là giảng sư kinh tế học ở đại học Rennes 2 (Pháp). Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của ông là lịch sử kinh tế, đặc biệt các vấn đề gắn với các chính sách thương mại (chủ nghĩa bảo hộ và tự do thương mại). Ông quan tâm đến những sự tác hại của chủ nghĩa tân tự do đối với các dịch vụ công và chế độ thuế khóa.↩
[*] Nhóm “Các nhà kinh tế học sửng sốt (rụng rời)/Les Economistes Atterres” được biết đến vào mùa thu năm 2010 khi họ công bố một bản tuyên ngôn trong đó họ trình bày một cách phê phán mười định đề vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến các quyết định của chính phủ khắp nơi ở Âu Châu, bất chấp những thất bại do cơn khủng hoảng tài chính năm 2018 mang đến.
Bốn người khởi xướng cho cách tiếp cận này là Philippe Askenazy (giám đốc nghiên cứu ở CNRS, nghiên cứu ở trường kinh tế học Paris), Thomas Coutrot (nhà kinh tế học và thông kế học, đã từng là đồng chủ tịch của tổ chức ATTAC), André Orléan (giám đốc nghiên cứu ở EHESS) và Henri Sterdyniak (Trong ban lãnh đạo của Viện Thống kê và Kinh Tế Quốc Gia/ INSEE Institut National de la Statistique et des Etudes Economiques, và hiện là nhà kinh tế học trong Trung Tâm Quan Sát các Trạng Huống Kinh tế/OFCE Observatoire Français des Conjonctures Economiques). Sau này có rất nhiều nhà nghiên cứu và giáo sư kinh tế học và khoa học xã hội ở khắp nơi đã gia nhập nhóm nhằm tách kinh tế học khỏi anh hưởng thống trị hiện nay của chủ nghĩa tân tự do.
Nhóm cho xuất bản bài dưới nhiều dạng (ghi chép, bài, thông báo, sách) và có tham luận trong những buổi họp công cộng hay trên báo chí khi được mời để đề xuất một đường lối chống chủ nghĩa tân tự do bao gồm những biện pháp thay thế cho những chính sách thắt lưng buộc bụng của các chính phủ hiện nay.↩
[1] Phá giá dân chủ gần đây đã được thêm vào ba phương thức phá giá “cổ điển” của sự toàn cầu hóa. Nó tương ứng với việc thành lập Tòa án Trọng tài (ISDS) trong các hiệp định thương mại tự do. Các hiệp định này cung cấp cho các công ty đa quốc gia khả năng kiện các quốc gia đã đưa ra quyết định giới hạn đầu tư của họ và do đó lợi nhuận của họ.↩
[2] “Le coronavirus précipite la crise, il ne la cause pas!” (Coronavirus đẩy nhanh cuộc khủng hoảng, chứ không gây ra nó!), note des Economistes Atterrés, mars 2020.↩
[3] “Coronakrach” (Cuộc đại phá sản corona), La pompe à phynance, les blogs du “Diplo”, 11 mars 2020.↩
[4] Xem bài của Eric Toussaint: “Non, le coronavirus n’est pas le responsable de la chute des cours boursiers” (Không, Coronavirus không chịu trách nhiệm về sự sụt giá của các giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán), site du CADTM, 4 mars 2020.↩
[5] Đối với David Ricardo, một quốc gia có lợi thế so sánh trong việc sản xuất hàng hóa khi việc sản xuất nó tạo ra một chi phí tương đối thấp hơn. Do đó, nước này sẽ sản xuất hàng hóa có hiệu quả nhất hoặc ít tốn kém nhất. Đối với Ricardo, chi phí sản xuất được đo bằng số giờ làm việc cần thiết để sản xuất một đơn vị hàng hóa.↩
[6] Trong chủ nghĩa tự do cổ điển, kinh tế (“oikos”) là để phục vụ chính trị, phục vụ lợi ích dân chủ vốn là trên hết. Chủ nghĩa Tân tự do đã đảo ngược hệ thống phân cấp này và các quốc gia ở trong thế phải phục vụ cho lĩnh vực kinh tế tư nhân.↩
[7] Pour une revue de littérature très complète sur les chaînes de valeur globales voir, Lectard P. (2016), pages 22 à 25 en particulier.
Để có một bản rất đầy đủ điểm lại các tài liệu về chuỗi giá trị toàn cầu, xem Lectard P. (2016), “Les déterminants de la transformation productive soutenable dans le contexte des chaînes de valeur globales: une application aux pays en développement” (Các nhân tố quyết định sự chuyển đổi sản xuất bền vững trong bối cảnh chuỗi giá trị toàn cầu: ứng dụng cho các nước đang phát triển), đặc biệt các trang 22 đến 25.↩
[8] Ngoài ra, chuỗi giá trị chịu trách nhiệm tạo ra một nửa giá trị của các vụ giao dịch toàn cầu (Lectard, 2016). Sự khác biệt giữa một phần ba và một nửa được giải thích bởi thực tế là các chuỗi giá trị toàn cầu không nhất thiết được phát sinh trong một sự trao đổi nội bộ. Một số nhà kinh tế thậm chí còn ước tính rằng các FMN trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát gần 80% thương mại thế giới. Về điểm này, xem Canonne A., Combes, M. và Charles, L. “La triple impasse de la politique commerciale de l’UE” (Ba sự bế tắc của chính sách thương mại của Liên Minh Châu Âu), AOC, ngày 12 tháng 7 năm 2019.↩
[9] “Thiên đường ô nhiễm” (pollution haven) là một quốc gia thu hút các ngành công nghiệp nước ngoài thông qua các quy định về môi trường dễ dãi (hoặc không có). Do đó, các FMN có thể xây dựng các nhà máy gây ô nhiễm của họ mà không phải lo lắng. Việc phá giá môi trường này cũng cho phép các nước phát triển (đặc biệt là Hoa Kỳ và các nước châu Âu) di dời ô nhiễm của họ để phô bày một bản tổng kết tích cực hơn trên phương diện môi trường.↩
[10] Một chế độ điều tiết là một tập hợp các thỏa hiệp thể chế cho phép phát triển và ổn định hệ thống, ở đây sự toàn cầu hóa.↩
[11] Ahmad N., “Echanges en valeur ajoutée (Trade In Value Added)”, OECD.↩
[12] Xem video của Alexandre Mirlicourtois, “Le coronavirus et l’impact de la Chine dans les chaînes de valeur mondiales” (Coronavirus và sự tác động của Trung Quốc trên các chuỗi giá trị thế giới), 21 tháng 2 2020.↩
[13] Thông báo báo chí, Euroindicateurs, 28/2020, 12 tháng 2 2020.↩
[14] “Non, le coronavirus n’est pas le responsable de la chute des cours boursiers” (Không, Coronavirus không chịu trách nhiệm về sự sụt giá của giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán), Eric Toussaint, CADTM, 4 mars 2020.↩
[15] Xem Sébastien Jean, “Ouverture commerciale mondiale, deux bonds et un plateau” (Sự mở rộng thương mại thế giới, hai bước nhảy và một cái mâm), CEPII L’économie mondiale dévoile ses courbes (Nền kinh tế thế giới bộc lộ những đường cong của mình), avril 2018.↩
[16] OMC, “Global trade growth loses momentum as trade tensions persist” (Tăng trưởng của thương mại thế giới đánh mất cơ hội nếu những sự căng thẳng trong thương mại vẫn tồn tại), press release/837.↩
[17] Đối với vài người, cuộc khủng hoảng Covid-19 phải được phân tích như là một cuộc khủng hoảng về môi trường gắn với các mối quan hệ giữ con người và thiên nhiên.↩