6.4.20

CHỨNG TỪ: Liệu chúng ta đã không học được điều gì sao? Những bài học từ Việt Nam khi đối mặt với SARS


CHỨNG TỪ: LIỆU CHÚNG TA ĐÃ KHÔNG HỌC ĐƯỢC ĐIỀU GÌ SAO? NHỮNG BÀI HỌC TỪ VIỆT NAM KHI ĐỐI MẶT VỚI SARS
Ngày 04/04/2020
Tốc độ ra quyết định, hiệu quả của các biện pháp phòng hộ, tính minh bạch của các cơ quan chức năng: công tác quản lý dịch SARS ở Việt Nam năm 2003 là ví dụ về những gì đáng lẽ phải làm khi đối mặt với đại dịch Covid-19. Pascale Brudon, đại diện của WHO [Tổ chức Y tế Thế giới] ở nước này vào thời đó, đã kể với chúng tôi về điều đó.
Thứ Ba, ngày 11 tháng 3 năm 2003, Carlo Urbani đến nói lời từ biệt ở văn phòng WHO của tôi ở tầng một tại Hà Nội trước khi bắt chuyến bay đi Bangkok, tôi không thể tưởng tượng được sẽ không bao giờ gặp lại ông ấy, ông ấy đã chết hai tuần sau đó, từ căn bệnh mà ông là người đầu tiên xác định, căn bệnh mà người ta gọi là Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS).
Lây nhiễm chớp nhoáng
Pascale Brudon
SARS là căn bệnh nghiêm trọng với khả năng lây nhiễm cao đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ 21. Dịch virus Corona đầu tiên này là một ví dụ điển hình về hậu quả kinh tế, xã hội và chính trị từ một căn bệnh mới xuất hiện trong một thế giới đa giao dịch và cơ động lớn. Đại dịch đã đặt ra những vấn đề quan trọng về khả năng của thế giới trong việc đối phó với các mối đe dọa bệnh truyền nhiễm khác, như căn bệnh mà chúng ta đang đối mặt ngày nay.
Những ca bị nhiễm SARS đầu tiên xuất hiện vào tháng 11 năm 2002 ở Trung Quốc. Báo cáo chính thức đầu tiên về bệnh viêm phổi phi điển hình này đã đến WHO vào tháng 2 năm 2003. Sau đó, mọi thứ đã diễn ra rất nhanh. Ngày 21 tháng 2, một bác sĩ Trung Quốc ở Quảng Châu, người đã tiếp xúc với căn bệnh này khi điều trị cho bệnh nhân, đã lây nhiễm cho nhiều người ở tầng chín của một khách sạn ở Hồng Kông. Trong vài ngày, những người này đã gây ra một làn sóng dịch SARS ở Việt Nam, Hồng Kông và Singapore. Trong vòng chưa đầy ba tuần, căn bệnh lây lan ra thế giới bằng các tuyến đường hàng không, nhưng qua một mạng lưới ít dày đặc hơn so với ngày nay.
Tại mỗi “điểm nóng”, người ta chứng kiến một sự gia tăng nhanh các ca bị nhiễm, đặc biệt ở các nhân viên chăm sóc y tế khi tiếp xúc với người bệnh. Trong vòng chưa đầy ba tháng, tổng số ca bị nhiễm vượt quá 8.000, số tử vong vượt quá 900 và bệnh được chẩn đoán ở hơn 30 quốc gia. Nỗi sợ cơn dịch SARS đã lan ra khắp thế giới nhanh hơn cả con virus. Hình ảnh những đám đông người đeo khẩu trang, những bệnh viện cấm người trong gia đình thăm bệnh nhân, những sân bay vắng vẻ, được tất cả các kênh truyền hình phát sóng, đã tạo ra một nỗi sợ hãi lớn khi đối mặt với căn bệnh, mà toàn bộ nền công nghệ trên thế giới chưa thể xác định được, và nó đang tấn công trước hết vào chính những người được cho là chăm sóc chúng ta.
Những phản ứng đầu tiên
Carlo Urbani (1956-2003)
Bệnh nhân mang virus SARS vào Việt Nam, đến Hà Nội vào ngày 23 tháng 2 từ Hồng Kông. Bệnh nhân đó được nhập viện vào ngày 26 tại bệnh viện Việt-Pháp ở Hà Nội. Sau này, người ta biết rằng bệnh nhân đó đã nghỉ ở tầng chín của khách sạn tại Hồng Kông. Văn phòng WHO tại Việt Nam được liên lạc vào ngày 28 tháng 2. Là người chịu trách nhiệm về các bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Urbani đã đến bệnh viện mỗi ngày và cùng với đội ngũ nhân viên của bệnh viện thu thập những thông tin đầu tiên về đặc điểm lâm sàng và dịch tễ của bệnh nhân. Các thông tin nói trên đã được nghiên cứu cẩn thận ngày qua ngày ở Geneva và các nơi khác. Các thông tin đó có tầm quan trọng hàng đầu trong diễn tiến các công trình nghiên cứu tác nhân gây bệnh xa lạ này. Bác sĩ Urbani, cùng với đội ngũ nhân viên của bệnh viện, đã triển khai những biện pháp rất nghiêm ngặt để kiểm soát sự lây nhiễm: không cho người thân thăm, đeo khẩu trang, mang găng tay, v.v.. Ông cũng áp đặt việc cách ly, một cách nghiêm ngặt, những bệnh nhân thường với những bệnh nhân có khả năng mang mầm bệnh xa lạ này.
Ở cấp độ quốc tế, mọi thứ đang tăng tốc nhanh chóng. WHO đã đưa ra cảnh báo toàn cầu vào giữa tháng 3 và đưa ra những khuyến nghị khẩn cấp nhắm đến các du khách và các hãng hàng không, các chuyên gia y tế và các cơ quan y tế, trong mục đích ngăn chặn căn bệnh này. Như vậy, WHO đã đưa ra một trong những thông báo​​ nghiêm ngặt nhất trong 55 năm tồn tại của tổ chức (Dịch bệnh: Mất ảo tưởng về sự hợp tác quốc tế), khuyến nghị hoãn mọi chuyến đi không cần thiết đến các quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao.
Một kiểu mẫu về sự hợp tác quốc tế
Đồng thời, chúng ta cũng chứng kiến ​​mt sự hợp tác quốc tế về khoa học và y tế chưa từng có tiền lệ, gạt bỏ qua một bên sự cạnh tranh về mặt công bố và uy tín và những lợi ích kinh tế tiềm năng to lớn, vì lợi ích duy nhất là giải quyết vấn đề y tế cộng đồng đang đe dọa mọi người. Phản ứng toàn cầu do WHO điều phối bao gồm một hệ thống liên kết, theo thời gian thực, 112 mạng lưới canh phòng có khả năng theo dõi làn sóng dịch bệnh hàng ngày, và cung cấp sự hỗ trợ và kiến ​​thức chuyên môn cao cấp cho những quốc gia bị ảnh hưởng.
Một mạng lưới bao gồm mười một phòng thí nghiệm tiên tiến được thành lập để xác định tác nhân gây bệnh SARS và để hoàn chỉnh một xét nghiệm chẩn đoán đáng tin cậy. Ngày 17 tháng 4 (tức sáu tuần sau khi Carlo Urbani có hiểu biết trực giác về căn bệnh này), một loại virus mới, chưa được biết đến cho đến lúc bấy giờ, đã được xác định: virus Corona. Những cuộc tham vấn hàng ngày, dưới hình thức trao đổi trực tuyến, đã giúp tinh chỉnh các ca được xác định bị nhiễm và xác nhận các phương thức lây nhiễm. Các nhóm nhà dịch tễ học và các chuyên gia khác đã được phái đến hiện trường. Ngày 5 tháng 7 (tức bốn tháng sau khi nhận diện ca bệnh đầu tiên ở Hà Nội và tám tháng sau khi dịch khởi phát ở Trung Quốc), WHO chính thức tuyên bố làn sóng dịch bệnh đã chấm dứt.
SARS đã bị đánh bại, chủ yếu nhờ vào sự hợp tác quốc tế và một tổ chức WHO có khả năng đảm bảo một sự lãnh đạo mạnh mẽ, nhưng trung lập về mặt chính trị, trên phạm vi toàn cầu. Một câu hỏi được đặt ra là vì sao những cách tiếp cận nói trên đã không được và vẫn chưa được triển khai cho đến ngày hôm nay.
Việt Nam đã đánh bại SARS như thế nào
Ở Việt Nam, số bệnh nhân (chủ yếu là đội ngũ nhân viên của bệnh viện) đã tăng nhanh, cùng với số ca tử vong. Ngày 9 tháng 3, trong một cuộc họp lịch sử, Carlo Urbani và tôi đã thuyết phục được chính quyền Việt Nam về tính cấp bách của tình hình.
Ba mươi chuyên gia từ các trung tâm khoa học uy tín nhất trên thế giới và các tổ chức phi chính phủ đã đến Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 10 tháng 3 đến cuối tháng 4. Cùng với đội ngũ nhân viên của Bộ Y tế và bệnh viện, họ đã tiến hành các nghiên cứu về dịch tễ học, thu thập mẫu và tăng cường các biện pháp kiểm soát lây nhiễm. Carlo Urbani bay đến Bangkok vào ngày 11 tháng 3 để tham dự một cuộc họp đã được lên kế hoạch từ lâu, mà không biết mình đã bị nhiễm và qua đời, vì căn bệnh còn xa lạ này, vào ngày 29 tháng 3. Cuối tháng 4, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới được WHO tuyên bố hết dịch SARS.
Tại sao Việt Nam, một quốc gia nghèo đang phát triển, lại là nước đầu tiên đánh bại SARS? Có nhiều nguyên nhân để lý giải sự thành công này, và cũng không nên bỏ qua nhân tố may mắn.
Thứ nhất, trong mọi công tác quản lý bệnh truyền nhiễm nào, tốc độ ra quyết định và can thiệp là điều cơ bản. Đối với SARS, đây là nhân tố quyết định, trong chừng mực căn bệnh này rất dễ lây nhiễm, con virus thì xa lạ chưa biết và các cuộc xét nghiệm thì bất khả. Một vài ngày là đủ để chứng kiến một số lượng lớn người bị lây nhiễm và hệ thống y tế không còn khả năng đối phó đúng đắn như đã thấy ở Hồng Kông hoặc Toronto. Tốc độ là đặc điểm chính trong phản ứng của Việt Nam: tốc độ từ bệnh viện Việt-Pháp Hà Nội trong việc cầu cứu WHO, kế đến là phản ứng nhanh từ WHO và chính phủ.
Thứ hai, Việt Nam và bệnh viện Việt-Pháp Hà Nội đã triển khai rất nhanh những biện pháp kỹ thuật đơn giản để kiểm soát sự lây nhiễm, có từ những ngày đầu tiên của vi sinh học thực nghiệm – có nghĩa là vào thời của Louis Pasteur –, chẳng hạn như: phát hiện các ca bệnh, cách ly bệnh nhân, truy tìm và theo dõi các mối tiếp xúc, bảo vệ đội ngũ nhân viên y tế, cấm các chuyến đi lại không cần thiết.
Các biện pháp phòng hộ dịch bệnh đã được áp dụng một cách nghiêm ngặt: lực lượng canh phòng ngăn chặn việc tiếp cận các nơi cách ly, bắt buộc những người đã từng tiếp xúc với bệnh nhân phải khai báo, người thân trong gia đình và đội ngũ nhân viên y tế được hướng dẫn đào tạo và được cung cấp các thiết bị phòng hộ dịch bệnh.
Thứ ba, bệnh nhân đầu tiên có mặt ở Hà Nội và đã nhanh chóng đến bệnh viện được trang bị tốt. Tình hình chắc chắn sẽ khác đi nếu bệnh nhân được đưa đến một bệnh viện cấp huyện ở biên giới với Trung Quốc. Khả năng can thiệp hạn chế của hệ thống y tế ở các vùng ngoại vi sẽ là một vấn đề lớn, chưa nói đến những rủi ro trong việc bỏ qua sự khởi phát của một dịch bệnh… như đã từng thấy ở Trung Quốc vào thời đó và ngay cả ngày hôm nay.
Cuối cùng, cam kết của Nhà nước và đảng ở cấp cao nhất (sự phối hợp của tất cả các tác nhân, ngân sách cho các thiết bị phòng hộ dịch bệnh, chỉ định những bệnh viện trong trường hợp dịch bệnh lan rộng, đào tạo đội ngũ nhân viên, v.v.) và tính minh bạch trước dư luận xã hội và các định chế quốc tế đã đóng một vai trò quyết định. Thật không may, chúng ta đã thấy tính minh bạch đó không phải là một hằng số ở tất cả các quốc gia, và chúng ta thậm chí vẫn tiếp tục thấy thiếu vắng nó vào ngày nay.
Những bài học bị lãng quên
Như chúng ta đã thấy mỗi ngày, nhiều quốc gia, trong có nước Pháp, đã quên đi bài học SARS. Một khi nỗi sợ đã qua đi, chính phủ và công dân các nước đã nhanh chóng chuyển sang những vấn đề khác. Vì nhiều lý do: tình hình căng thẳng quốc tế, sức mạnh của thị trường và hệ tư tưởng tân tự do, sự hủy hoại các dịch vụ y tế công cộng và các chính sách thắt lưng buộc bụng, sự thiếu cởi mở với những gì xảy ra ở những nơi khác khi chúng không phù hợp với sơ đồ của chúng ta, sự thiếu hiểu biết về các rủi ro y tế của chính phủ và công dân các nước, sự suy yếu của chủ nghĩa đa phương và các cơ quan chuyên môn như WHO….
Các quốc gia khác, đáng chú ý là ở châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông, v.v.) đã khá hiểu rằng nước láng giềng lớn Trung Quốc là một mối nguy về y tế cộng đồng. Họ đã có những chuẩn bị cho vấn đề đó. Và khi SARS-CoV2 đến, họ đã nhanh chóng biết đưa ra những biện pháp cần thiết, ngày nay được thừa nhận là hiệu quả nhất: phát hiện bệnh, cách ly, truy tìm các mối tiếp xúc, toàn bộ dân chúng đeo khẩu trang…
Trong những tháng tới, khi mọi thứ sẽ tốt hơn, chúng ta sẽ có nhiệm vụ tranh luận về những gì đã xảy ra, những gì đáng lý phải xảy ra và những gì nên làm để ngăn chặn điều đó xảy ra lần nữa. Dịch bệnh này đòi hỏi một suy ngẫm sâu sắc và những thay đổi cũng sâu sắc không kém về rất nhiều khía cạnh của thế giới mà chúng ta đang sống. Chúng tôi chỉ đề cập một số ít ở đây mà thôi.
Virus Covid-19 này thách thức hệ thống kinh tế và mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên. Sự hủy hoại môi trường, sự tăng tốc của đô thị hóa, tình trạng bất bình đẳng, sự phổ biến hóa các logic của thị trường đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của nhiều con virus mới và sự lây lan của nhiều bệnh truyền nhiễm mới.
Nhà nước, định chế được cho là bảo vệ chúng ta, cũng chính là tác nhân triển khai các chính sách thắt lưng buộc bụng, làm suy yếu và đôi khi hủy hoại ngành y tế cộng đồng, các hệ thống chăm sóc y tế, các viện nghiên cứu. Công dân và các phe đối lập chỉ có một vị thế hạn chế trong quá trình đưa ra các quyết định công cộng, trong các vấn đề về đạo đức và bảo vệ nhân quyền. Và ở cấp độ quốc tế, hệ thống Liên Hợp Quốc và các cơ quan như WHO, đã thất bại một phần khi dịch bệnh mới này khởi phát, không là hoặc không còn là tổ chức bảo đảm phúc lợi của người dân.
Đây là một công việc tập thể mà chúng ta phải tiến hành nếu muốn trở thành những nền dân chủ mạnh mẽ, đoàn kết, tôn trọng nhân quyền và có khả năng ngăn chặn cuộc khủng hoảng y tế kế tiếp cuốn phăng chúng ta.
Trong khi chờ đợi, hãy tưởng nhớ đến Carlo Urbani, một tấm gương tốt cho tất cả chúng ta, và cho tất cả những người, hôm qua và hôm nay, đang chiến đấu với kiến ​​thức, trí tuệ, lòng can đảm của họ để chúng ta có thể sinh tồn. Rất cám ơn tất cả.
Pascale Brudon là đại diện của WHO tại Việt Nam từ năm 1999 đến năm 2004.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: N’avons-nous rien appris ? Les leçons du Vietnam face au SRAS, Alternatives Economiques, ngày 04/04/2020.
----
Bài có liên quan:
Print Friendly and PDF