KINH TẾ PHI CHÍNH THỨC: NĂM ĐIỀU NGỘ NHẬN CẦN PHÁ BỎ
Người bán hàng rong ở Hà Nội (Việt Nam). Những người bán hàng rong không bất lực và vô vọng, họ là những người tự tin và có nhiều cao vọng.
Từ ngày 1 tháng bảy năm 2019, dân Úc có thể gọi đường “dây nóng về kinh tế bất hợp pháp” để báo cáo về các doanh nghiệp trốn thuế. Đây là một phần của sáng kiến lớn hơn của chính phủ nhằm chống lại kinh tế phi chính thức. Trong một bối cảnh khác, thời báo Global Times lại cho biết là Bangladesh, nơi cách xa nước Úc 7.000 cây số vế phía Tây Bắc, đang xây dựng chính sách nhằm giúp 87% giới trẻ đang làm việc trong khu vực phi chính thức thực hiện được tăng trưởng bền vững và tham gia phát triển nền kinh tế quốc gia.
Hai cách tiếp cận này cho thấy việc hội nhập lao động phi chính thức vào nền kinh tế quả là khó khăn: chúng ta cần chống lại nó hay đồng hành với nó?
Những nhà nghiên cứu chúng tôi thường được hỏi về những “nguy cơ” của việc hội nhập kinh tế phi chính thức. Liệu nó có đưa đến những “thiệt hại” cho xã hội? Có phải những người lao động phi chính thức đã không nắm bắt cơ hội? Những câu hỏi này hé lộ một điều khác: đó là kinh tế phi chính thức thường được xem là không có ích.
Với tư cách là công dân và nhà nghiên cứu, chúng ta thường nghe năm điều ngô nhận sau đây về chủ đề kinh tế phi chính thức:
1. Người lao động phi chính thức chỉ hoạt động trong nền kinh tế ngầm.
2. Người lao động phi chính thức xuất thân là người nghèo và ít học.
3. Người lao động phi chính thức thường bất lực và vô vọng.
4. Người lao động phi chính thức không sử dụng công nghệ, do đó họ bị gạt ra ngoài lề.
5. Bằng mọi giá, phải hợp thức hóa hoạt động phi chính thức.
Mặc dù danh sách những ngộ nhận trên đây chưa đầy đủ và những giả định được nêu ra không phải là hoàn toàn không có cơ sở, chúng tôi vẫn muốn giải thích tại sao cần phải phá bỏ chúng thông qua những nghiên cứu của chúng tôi về các nền kinh tế đang phát triển hoặc đang nổi lên.
Chúng tôi đã rà soát, phân tích và xem xét lại những định kiến về kinh tế phi chính thức.
Ngộ nhận thứ nhất: Người lao động phi chính thức chỉ hoạt động trong nền kinh tế ngầm
Nhận định này không đúng: Phần đóng góp của khu vực phi chính thức vào GDP của các ngành phi nông nghiệp dao động từ 25% đến 50% tùy theo nước.
Trên thế giới, kinh tế phi chính thức khá đa dạng và có đặc điểm là người lao động bị yếu thế, dễ bị tổn thương, nhưng nó đóng góp nhiều sản phẩm và tham gia vận hành nhiều hoạt động trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Người lao động có thể cùng lúc làm việc trong khu vực chính thức và phi chính thức. Quan sát lịch sử việc làm của 2.000 lao động ở Bangladesh cho thấy đa số chuyển đổi qua lại giữa công việc trong khu vực chính thức, có hợp đồng bằng văn bản và công việc phi chính thức không có hợp đồng.
Các doanh nghiệp cũng có vai trò của mình. Kết quả nghiên cứu các ngành công nghiệp chế biến của Ấn Độ cho thấy trong thập niên đầu của thế kỷ 21 phần tham gia của lao động có hợp đồng tạm thời với các doanh nghiệp trong khu vực chính thức tăng đều đặn, từ 16% lên 27% tính chung cho cả nước.
Xưởng sản xuất hàng may mặc ở Bangladesh, năm 2012. Fahad Faisal/Wikimedia, CC BY-ND
Không chỉ là đặc điểm của các nền kinh tế đang phát triển, tình trạng này cũng tồn tại ở các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), ví dụ như Hà Lan có hệ thống thuế khóa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sử dụng lao động tạm thời hơn là nhân viên thường xuyên.
Như vậy, cả những quy định pháp lý về cơ cấu hợp đồng lẫn hệ thống thuế khóa đều quan trọng để biện giải sự biến chuyển của lao động phi chính thức trong xã hội.
Một phụ nữ đang làm việc tại một bãi rác ở Calcutta (Ấn Độ). Những người thu gom rác thường cộng tác với các dịch vụ xử lý chất thải của nhà nước. Sterneck/Flickr, CC BY-SA
Lao động phi chính thức cũng là một phần của một hệ thống rộng lớn hơn. Tại Hà Nội (Việt Nam), hoạt động phi chính thức về tái chế chất thải tồn tại song song với hệ thống xử lý chất thải chính thức của thành phố. Tại thành phố Bangalore (Ấn Độ) các hệ thống cấp nước hỗn hợp công/tư, chính thức/phi chính thức đã trở thành quy chuẩn cấp nước tùy theo vị trí địa lý của các hộ gia đình và thu nhập của họ.
Kinh tế phi chính thức cũng tham gia vào thương mại toàn cầu trong mọi lãnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp đến dịch vụ. Có thể lấy ví dụ giao thương giữa Ấn Độ và Pakistan hay giữa các nước châu Phi.
Cuối cùng, “phi chính thức” không phải khi nào cũng có nghĩa là “vô tổ chức”. Sự hợp tác, tương trợ đang tạo nên các tổ chức đại diện cho người lao động là một đặc điểm chính yếu của khu vực phi chính thức với tư cách là tác nhân kinh tế.
Mặc dù khó định lượng được qui mô và mức độ xâm nhập của kinh tế phi chính thức, chúng ta không nên đồng hóa nó với kinh tế ngầm hay bất hợp pháp. Chỉ có thể là thói quen thực hiện công việc, sinh kế hoặc sự hiện diện của người lao động trong một môi trường có những kẽ hở về pháp lý hay có những cơ chế hành chính phức tạp khiến cho người lao động và hoạt động của họ bị xếp vào loại “không chính thức”.
Một người bán hàng rong bán quốc kỳ trên đường phố Johannesburg (Nam Phi) trong thời gian diễn ra Bóng đá thế giới (World Cup).
Ngộ nhận thứ hai: Người lao động phi chính thức xuất thân là người nghèo và ít học
Trả lời: không hoàn toàn như vậy.
Theo một nghiên cứu được thực hiện vào tháng 1/2019 tại 28 nước đang phát triển và một số nước mới nổi lên, tỷ lệ người lao động phi chính thức nghèo (có thu nhập bằng hoặc dưới 3,1 đô la Mỹ/người/ngày) thường cao hơn tỷ lệ người lao động chính thức. Ví dụ, ở Colombia, 13% số lao động phi chính thức thuộc loại nghèo, và chỉ 1% đối với lao động chính thức. Nghiên cứu cũng cho thấy người nghèo thường có xu hướng làm việc trong khu vực phi chính thức.
Mặc dù chúng ta cần xem xét một cách chi tiết tình trạng nghèo (có thể khác nhau tùy theo nước và tùy theo định nghĩa về nghèo), cũng sẽ rất thú vị nếu chúng ta tìm hiểu hoàn cảnh xuất thân, những trở ngại và những ước vọng của những người lao động nghèo này.
Một người bán món cá và khoai tây chiên ở Chiang Mai, Thái Lan, 2014. Takeaway/Wikimedia, CC BY
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các việc làm phi chính thức đánh dấu bước đầu tham gia thị trường lao động của nhiều người trẻ. Một nghiên cứu về những người tìm việc ở Addis-Ababa (Ethiopia) cho thấy những người tìm việc nghèo hay ít học thường không thể với tới các “công việc tốt” vì họ không có chứng nhận về chuyên môn và nguồn lực để trang trải chi phí cho việc tìm kiếm và nộp đơn xin việc.
Việc làm phi chính thức cũng có thể bổ sung cho việc làm chính thức. Chẳng hạn như ở Côte d’Ivoire và ở Việt Nam, giáo viên thường tăng thêm thu nhập một cách không chính thức bằng cách dạy thêm cho con em các gia đình trung lưu hoặc khá giả.
Trường học ở Kenya. Tại nhiều nước, giáo viên có việc làm phụ để tăng thêm thu nhập. Lambert Coleman/AFD, Author provided (No reuse)
Ngộ nhận thứ ba: Người lao động phi chính thức thường bất lực và vô vọng
Trả lời:: Hoàn toàn không phải như vậy.
Lao động không chính thức không có nghĩa là tầng lớp “vô sản” hay “bị thiệt thòi”. Một nghiên cứu được thực hiện vào tháng 1/2019 cho thấy nếu phân loại các tầng lớp dân cư dựa trên cơ sở thu nhập thì nhiểu lao động phi chính thức thuộc vào tầng lớp trung lưu. Ở Brazil, khoảng 7% tầng lớp trung lưu hoạt động chủ yếu trong khu vực phi chính thức. Tỷ lệ này lên đến 30% ở Việt Nam và gần 40% ở Côte d’Ivoire. Những lao động này thường là doanh nhân và thu nhập của họ cao hơn ngưỡng nghèo rất nhiều, có nghĩa là sức mua của họ ngang bằng với một số nhóm lao động chính thức.
Tuy nhiên, họ phải đối mặt với những thách thức của môi trường chung quanh - thiếu chỗ ở hoặc bị hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ công -, nhất là khi các chính sách công gạt họ ra ngoài lề, chẳng hạn như trường hợp những người bán hàng rong ở rất nhiều nước trên thế giới.
Hoạt động phi chính thức có thể là một phần của một dự án lớn hơn. Đây là hình một phụ nữ chế biến thức ăn ngoài đường phố ở South Central Farm thuộc thành phố Los Angeles, California (2006).
Một khảo sát người tiêu dùng năm 2016 tại Bangkok chỉ ra rằng 87% người tiêu dùng mua thực phẩm hàng ngày nơi người bán hàng rong. Mặc dù vậy, công việc của những tiểu chủ này không ổn định vì họ là nạn nhân bị kẹt giữa phát triển đô thị và những tranh chấp xã hội-chính trị.
Tuy nhiên, khi có được vị trí và quyền hợp pháp, những người lao động không chính thức này sẽ xây dựng được những mô hình phát triển mới. Ở khu chợ Warwick Junction thuộc thành phố Durban (Nam Phi), người bán hàng rong và thương nhân hợp tác cùng nhau. Nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức phi lợi nhuận, họ được học về quyền của mình và tham gia ý kiến vào việc thiết kế cơ sở hạ tầng của ngôi chợ nơi họ buôn bán, xây dựng một điển hình về biến đổi cảnh quan đô thị thông qua hợp tác xã hội.
Chợ Warwick Junction, Durban. Chris Eason/Flickr, CC BY-NC-SA
Thay vì dán nhãn cho những lao động này là “bất lực và vô vọng” - hàm ý bấp bênh - chúng ta thấy họ là những người “tự lập và đầy hy vọng”.
Ngộ nhận thứ tư: Người lao động phi chính thức không sử dụng công nghệ, do đó họ bị gạt ra ngoài lề
Trả lời: không hẳn như vậy.
Nhằm tiếp cận với thị trường, người lao động phi chính thức tích cực nắm bắt công nghệ: ở châu Phi, hầu hết đều sử dụng những ứng dụng công nghệ mới nhất.
Câu hỏi thực sự được đặt ra là làm thế nào chính phủ có thể bảo đảm một cách tốt nhất cho những người lao động này được hưởng lợi từ sự tham gia của họ vào những hoạt động được cho là nhỏ nhặt, tạm thời?
Một nghiên cứu vào tháng 11/2008 về các nước ở châu Mỹ La tinh cho thấy giới trẻ thường tin tưởng vào năng lực của mình và có nhiều cao vọng. Nhưng họ không có cơ hội được học hành, đào tạo nghề hoặc tham gia vào các chương trình khởi nghiệp nhằm giúp họ biến ước mơ thành hiện thực. Cũng như mọi người khác, họ cần được hướng dẫn về sự sung túc và an toàn, năng suất, thương lượng về lương bổng, sự lâu bền và tin tưởng công việc của họ.
Ngộ nhận thứ năm: Bằng mọi giá, phải hợp thức hóa hoạt động phi chính thức
Trả lời: Đúng và không đúng: Nỗ lực chính thức hóa là công cụ tiềm năng của chính sách, nhưng đó không phải là con đường duy nhất.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc giảm những chi phí đăng ký thành một doanh nghiệp chính thức có thể dẫn tới kết quả là sản xuất và lương bổng cao hơn. Tuy nhiên, minh chứng từ Brazil và Colombia lại cho thấy rằng giải pháp này không phải bao giờ cũng là đáng mong muốn và có hiệu quả để làm giảm số lao động không chính thức.
Mặt khác, bàn luận về những gì là quan trọng đối với người lao động, người sử dụng lao động và người lao động theo hợp đồng có thể giúp xác định những biện pháp thực hiện và thiết kế lại tương lai của việc làm. Chẳng hạn như Chương trình việc làm cộng đồng tại nhiều địa phương ở Nam Phi đặt trọng tâm vào ý tưởng cho rằng “nếu lao động không có giá trị trên thị trường thì nó vẫn có thể tạo ra giá trị xã hội”.
Như vậy, cần quan tâm đến cách quản lý các địa điểm bán hàng, nhận thức của công chúng (trong trường hợp của người bán hàng rong) hay tính hỗ tương giữa quyền lợi và phong tục (trong trường hợp của lao động làm việc nhà), bởi vì những môi trường như thế có thể gây nguy cơ cho người lao động và sinh kế của họ.
Ba câu hỏi cho Francisca, phó giáo sư đại học Buenos Ares, về vị trí của phụ nữ trên thị trường lao động Argentina. AFD/The Conversation
Các quốc gia nên làm gì?
Anda David |
Chính phủ các nước nên thừa nhận những đặc điểm của lao động phi chính thức và phá bỏ những rào cản gây trở ngại cho việc mưu sinh của người lao động. Cần cung ứng tốt hơn các quyền lợi, bảo trợ xã hội và những tiêu chuẩn lao động hợp lý, xây dựng chính sách dựa vào sự thấu hiểu môi trường địa phương và nhu cầu của các nhóm lao động. Những điều này sẽ có lợi cho lao động không chính thức và cho những lao động chuyển đổi qua lại giữa phi chính thức và chính thức.
Hành động hướng đến những mục tiêu trên sẽ giúp gỡ bỏ định kiến về khu vực phi chính thức, vì cho đến nay nó vẫn được xem là phương kế mưu sinh ở “bước đường cùng”.
Một điểm quan trọng cuối cùng nữa là các nhà nghiên cứu và các nhà lập chính sách cần đổi mới các phương pháp nhận diện lao động phi chính thức và thống kê chi tiết hơn để cải tiến các chương trình và kỹ thuật đánh giá nhằm hỗ trợ nam và nữ lao động trong khu vực phi chính thức.
Cecilia Poggi |
Claire Zanuso |
Các tác giả
Chuyên gia Kinh tế, nghiên cứu về bảo trợ xã hội, Agence française de développement (AFD)
Phụ trách nghiên cứu, Agence française de développement (AFD)
Tiến sĩ kinh tế phát triển, phụ trách nghiên cứu và lượng giá - Agence française de développement (AFD)
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: “Five myths about the informal economy that need debunking”, The Conversation, 14.6.2019