COVID-19 HAY LÀ ĐẠI DỊCH CỦA ĐA DẠNG SINH HỌC BỊ NGƯỢC ĐÃI
Philippe Grandcolas và Jean-Lou Justine
Con tê tê, một trong những động vật bị săn bắt trái phép nhiều nhất trên thế giới có thể là động vật trung gian làm lây lan Covid-19 sang người.
Covid-19 đang tấn công thế giới về mọi mặt. Nó động chạm đến mỗi người trong chúng ta, chúng ta lo lắng cho sức khỏe của mình, của người thân và của những người ốm yếu. Đối với chúng ta, chỉ trong vòng vài tuần Covid-19 đã trở nên vô cùng quan trọng hơn các cuộc khủng hoảng về khí hậu hay đa dạng sinh học. Hơn cả những khủng hoảng gần đây đã huy động sự quan tâm của thế giới như thảm họa cháy rừng ở Úc chẳng hạn.
Tuy nhiên, những cuộc khủng hoảng môi trường này - chúng gây ra cho chúng ta những vấn đề nghiêm trọng trong ngắn hạn và trung hạn - dường như ít nghiêm trọng hơn rất nhiều trong hiện tại vì nạn dịch đe dọa có thể lây lan tức thì đến cơ thể của chúng ta.
Tuy vậy, cần nhấn mạnh rằng Covid-19, cũng như các nạn dịch quan trọng khác (HIV/AIDS, Ebola, SARS, v.v.) vẫn có mối tương quan với khủng hoảng về đa dạng sinh học và về khí hậu mà chúng ta đang trải nghiệm.
Những đại dịch này nói lên điều gì về trình trạng của đa dạng sinh học?
Chương trình La Terre au carré, Đài phát thanh France Inter
“Chúng ta có những biện pháp đối phó với cơn khủng hoảng toàn cầu này vì chúng ta biết chúng chỉ là tạm thời, sẽ kéo dài trong ba tuần thôi. Trong khi đó biến đổi khí hậu là một sự biến đổi không thể đảo ngược.”
François @Gemenne @sciencespo #LaTac
"Nous prenons des mesures face à la crise sanitaire parce que nous savons qu'elles seront temporaires, qu'elles dureront 3 semaines. Alors que le changement climatique est une transformation irréversible."
François @Gemenne @sciencespo #LaTac pic.twitter.com/T0plSXqwFF
— La Terre au Carré 🌏² (@LaTacfi) March 13, 2020
Những tác nhân gây bệnh mới
Chúng ta tàn phá môi trường thiên nhiên với nhịp độ ngày càng nhanh: 100 triệu hecta rừng nhiệt đới đã bị đốn hạ từ năm 1980 đến năm 2000; hơn 85% vùng khí hậu ẩm đã bị phá hủy từ đầu thời kỳ công nghiệp đến nay. Với những hành động như thế, chúng ta đã làm cho nhiều nhóm dân cư, thường là với tình trạng sức khỏe yếu, tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh mới. Kho dự trữ các mầm bệnh này là các động vật hoang dã vốn khu trú trong những môi trường hầu như không có con người hoặc chỉ có một số ít dân cư sống biệt lập. Do rừng bị tàn phá, dân làng sống ở bìa rừng bị phá săn bắn các động vật hoang dã và chuyển thịt có mầm bệnh đến các thành phố lớn.
Chính bằng cách đó mà Ebola đã lần theo đường đến các trung tâm đông dân cư. Món mà người ta gọi là thịt rừng còn được xuất khẩu đến các nước khác để đáp ứng nhu cầu của kiều dân ở nước ngoài và như thế đã làm lan rộng những rủi ro về sức khỏe đến những nơi rất xa vùng xuất phát bệnh.
Chúng ta săn bắt không một chút thận trọng những giống loài hoang dã xa lạ vì những lý do tiêu khiển ngu ngốc: sức hút của loài quý hiếm, những món ăn lạ và hiếm, dược liệu vớ vẩn, v.v.. Động vật hiếm được cung ứng cho các chợ và từ đó tạo điều kiện truyền nhiễm đến các thành phố lớn. Nạn dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) xảy ra trong hoàn cảnh như vậy, do sự gần gũi giữa loài dơi, loài ăn thịt và những người tiêu thụ ngây ngô.
Năm 2007, kết luận của một bài báo khoa học quan trọng về nạn dịch SARS đã khẳng định như sau:
Dường như quả bom nổ chậm ấy đã nổ vào tháng 11/2019 với Covid-19…“Sự hiện diện của một khối dự trữ quan trọng virus chủng SARS-CoV trong loài dơi Rhinolophidae kết hợp với việc chăn nuôi phục vụ tiêu dùng các động vật có vú lạ ngoại lai ở miền nam Trung Quốc là một quả bom nổ chậm.”
Nguy hiểm của các bệnh động vật truyền cho người
Tiêu dùng và xuất nhập khẩu động vật lạ ngoại lai có hai hậu quả chính. Một mặt nó gia tăng nguy cơ dịch bệnh khi làm cho ta tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm hiếm. Nhưng không như trường hợp các virus, các tác nhân truyền nhiễm này thường khu trú vào một giống loài và không thể xâm nhập vào cơ thể của chúng ta, không đánh bại được hệ thống miễn dịch, thậm chí không xâm nhập và sử dụng các tế bào của chúng ta. Những vụ buôn bán tạo ra sự chung đụng của nhiều loài vật tạo thuận lợi cho các tác nhân truyền nhiễm kết hợp lại và có khả năng vượt qua rào cản giữa các giống loài, như trường hợp đã xảy ra với SARS, và cũng có thể là trường hợp của COVID-19.
Ngoài cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện thời, nguy cơ này là không nhỏ: cần nhớ rằng hơn hai phần ba các bệnh mới xuất hiện đều là bệnh truyền từ động vật sang người, nghĩa là những bệnh có nguồn dự trữ tác nhân truyền nhiễm là một động vật; trong các bệnh động vật truyền cho người thì phần lớn có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Mặt khác, bắt và bán các động vật lạ ngoại lai này tạo ra một áp lực to lớn lên các quần thể động vật hoang dã. Đó là trường hợp con tê tê mà gần đây dịch Covid-19 đã đưa ra ánh sáng. Loài động vật có vú này (có tám loại ở châu Phi và châu Á) bị săn bắn trái phép để lấy thịt và vảy, mặc cho chúng có quy chế được bảo vệ: hàng năm 20 tấn tê tê đã bị hải quan phát hiện, suy ra có khoảng 200.000 con tê tê bị giết hại để buôn bán.
Như vậy, chúng ta đã rơi vào một mối hiểm nguy kép: “sáng tạo” ra những bệnh mới và hủy hoại một đa dạng sinh học mong manh vốn có vai trò trong cân bằng sinh thái tự nhiên mà chúng ta đang thừa hưởng.
Những hoàn cảnh xuất hiện của các bệnh mới này có thể còn phức tạp hơn. Chính vì vậy mà virus Zika hay virus gây sốt xuất huyết dengue là do muỗi ngoại lai do con người chuyển tải mang lại qua hoạt động thương mại quốc tế trên toàn thế giới.
Người ta lên án việc buôn bán các vỏ bánh xe cũ có nước tích tụ và tạo điều kiện cho các ấu trùng sống trong nước của muỗi phát triển và truyền đi. Trong trường hợp này, bệnh không lây lan ra qua sự tiếp xúc đầu tiên trực tiếp giữa người và vật chủ rồi được tiếp nối bởi sự lây truyền giữa người và người, mà bệnh được truyền qua người bởi một vectơ là muỗi, mà muỗi thì di chuyển dễ dàng với sự trợ giúp của chúng ta.
Muỗi hổ (“muỗi hổ châu Á” Aedes albopictus.- muỗi vằn Aedes aegypti đều là muỗi Aedes vectơ truyền bệnh cho người - ND) hoặc các loại muỗi lạ ngoại lai khác sẽ không bao giờ rời khỏi châu Á nếu không có sự trợ giúp của chúng ta.
“Một thế giới, một sức khỏe”
Sáng kiến toàn cầu này - tiếng Anh là “One Health” - chủ trương quản lý vấn đề sức khỏe trong mối liên hệ với môi trường và đa dạng sinh học. Sáng kiến này xác định ba mục tiêu chính: hành động chống lại các bệnh động vật truyền cho người (bệnh lây lan từ động vật sang người và ngược lại); bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chống lại tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
Khái niệm “Một sức khỏe” – liên kết sức khỏe của con người với sức khỏe động vật và sức khỏe của môi trường.
Sáng kiến này nhắc nhở chúng ta một cách mạnh mẽ rằng chúng ta không thể sống trong cái kén nhân tạo để rồi chúng ta sẽ không bao giờ tiếp xúc với đa dạng sinh học dù là hoang dã hay được nuôi dưỡng, vun trồng. Hai trong ba mục tiêu của sáng kiến “Một thế giới, một sức khỏe” - vệ sinh an toàn thực phẩm và bệnh lây lan từ động vật sang người - trực tiếp dính dáng đến khủng hoảng Covid-19 hiện nay. Chúng ta không nên tạo ra những chu trình thực phẩm kỳ cục, dù đó là nhập khẩu các loại lạ ngoại lai trong điều kiện vệ sinh không được kiểm soát hay chăn nuôi thú vật với những sản phẩm thức ăn không phù hợp như đã thấy trong trường hợp bệnh bò điên vì ăn phải bột động vật.
Phòng ngừa đại dịch
Một lần nữa, khi nói về đa dạng sinh học thì chúng ta đều đã biết những nguyên nhân và cả giải pháp: vậy thì khi nào chúng ta áp dụng các giải pháp đây?
Giải pháp sẽ là ngưng tàn phá môi trường tại các nước phương Nam (các nước đang phát triển - ND) – nạn phá rừng, chuyên chở các động vật lạ ngoại lai, buôn bán toàn cầu bất cứ loại thực phẩm hay sinh vật nào – chỉ để kiếm lời thêm vài phần trăm so với các sản phẩm địa phương hay các chu trình ngắn hơn… Chúng ta bắt đầu nghe đây đó rằng “thế giới sẽ không như cũ sau Covid-19”. Thế thì trong những quy tắc mới của “thế giới sau đại dịch”, chúng ta hãy đưa vào sự tôn trọng lớn nhất đối với đa dạng sinh học… vì lợi ích to lớn nhất ngay trước mắt của chúng ta.
Thế giới mà chúng ta để lại cho con cháu chúng ta sẽ còn bị tác hại bởi những đại dịch mới, tiếc thay điều đó là chắc chắn… Vấn đề còn lại là cần biết sẽ có bao nhiêu đại dịch. Điều này tùy thuộc vào những nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học và cân bằng tự nhiên khắp nơi trên hành tinh của chúng ta. Hy vọng rằng ngoài những thảm cảnh của nhân loại hiện thời, Covid-19 có ít nhất một tác dụng tích cực là thổi bùng lên nhận thức mới này.
Bài báo này được xuất bản với sự cộng tác của các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hệ thống, Tiến hóa, Đa dạng sinh học, (Institut de systématique, évolution, biodiversité) thuộc Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Quốc gia, (Muséum national d’Histoire naturelle), Đại học Sorbonne Universités). Các nhà khoa học này đề nghị một chuỗi thời luận khoa học về đa dạng sinh học, “En direct des espèces”. Mục tiêu: hiểu được lợi ích của việc khám phá sinh vật và mô tả đa dạng sinh học.
Các tác giả
Philippe Grandcolas |
Jean-Lou Justine |
Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia CNRS, chuyên viên nghiên cứu hệ thống, Viện Nghiên cứu Hệ thống, Tiến hóa, Đa dạng sinh học, ISYEB – (Institut de Systématique, Evolution, Biodiversité (CNRS, SU, EPHE, UA), Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia, Muséum national d’histoire naturelle (MNHN)
Giáo sư, Phòng nghiên cứu ISYEB, Viện Nghiên cứu Hệ thống, Tiến hóa, Đa dạng sinh học (Institut de Systématique, Évolution, Biodiversité), Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia (Muséum national d’histoire naturelle (MNHN)
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: “Covid-19 ou la pandémie d’une biodiversité maltraitée”, The Conversation, ngày 26/03/2020
----
Bài có liên quan: Đa dạng sinh học: đằng sau dịch bệnh, cuộc khủng hoảng sinh thái
Phim tư liệu: Động vật hoang dã có còn không?