Ở GIAO ĐIỂM CỦA NHỮNG TÍNH HIỆN ĐẠI
Về cuốn Maruyama Masao. Un regard japonais sur la modernité (Một cái nhìn Nhật về tính hiện đại) của Bernard Stevens, NXB CNRS
|
Maruyama Masao (1914-1996) |
|
Thêm chú thích |
Sự hiện đại hóa của Nhật Bản có phải là do sự tác động duy nhất của Phương Tây, như người ta thường nghĩ, hay nó phái sinh từ một sự tiến hóa đặc thù? Đó là luận điểm mà Maruyama Masao khẳng định, một nhà tư tưởng được vinh danh lần đầu tiên trong một chuyên khảo bằng tiếng Pháp.
Tranh luận về tính hiện đại ở Nhật
Là đối tượng của một sự quan tâm thường xuyên của các trí thức Nhật Bản, tính hiện đại đã ở trung tâm của nhiều cuộc tranh luận vào thế kỷ XX, phần lớn dựa trên những vấn đề tổng quát sau: Phải chăng chính bản thân Nhật Bản là hiện đại? Nếu đúng là như vậy, thì Nhật đã hiện đại hóa vào lúc nào? Vào thời đại Minh Trị (1868-1912), đồng nghĩa với sự âu hóa của đất nước? Tại sao Nhật Bản lại hiện đại hóa trong khi nó không thuộc về Phương Tây? Cuốn sách của Bernard Stevens, Maruyama Masao. Un regard japonais sur la modernité (Maruyama Masao. Một cái nhìn Nhật về tính hiện đại) là một cơ hội để suy nghĩ về mối quan hệ giữa một nước không phải là Tây Phương và sự hiện đại hóa, vốn thường được xem như là một sản phẩm hoàn toàn của Phương Tây sau này được xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới.
|
Simon Ebersolt |
Từ ngữ tiếng Nhật tương ứng với “moderne/hiện đại” là kindai 近代 có nghĩa đen là “triều đại/thời đại gần với”, gần giống với “mới đây/récemment”, phó từ La tinh là phái sinh từ của từ modernus. Đó là một từ được tìm thấy trong các bản văn cổ của Trung Quốc và Nhật Bản, với nghĩa sự gần gũi về thời gian. Nó vẫn giữ nghĩa này khi thời đại Minh Trị bắt đầu được gọi là kindai, vào cuối thế kỷ XIX. Nó đã có một nội dung khái niệm vào những năm 1920-1930 với sự xuất bản của những cuốn sách mác xít, dựa trên tiêu chuẩn của chủ nghĩa duy vật lịch sử, xác định sự phát triển của chủ nghĩa tư bản từ sự mở cửa đất nước vào năm 1854 dưới áp lực của những cường quốc Tây Phương.
Sau khi Những bài giảng về lịch sử của sự phát triển của chủ nghĩa tư bản Nhật (1932-1933) được xuất bản, những giới mác xít đã tranh luận về những đặc tính cụ thể của chủ nghĩa tư bản này. Đặc biệt là các cuộc tranh luận bàn về vấn đề Nhật đã bước vào thời đại lịch sử nào từ cuộc Phục Hưng thời Minh Trị: đối với các nhà kinh tế học và sử học của Những bài giảng, vốn chấp nhận những luận điểm của Đảng Cộng Sản Nhật, Nhật đã có một thời kỳ hiện đại hóa mà họ đồng hóa với chủ nghĩa tư bản và tiến trình Tây phương hóa, nhưng cuộc Phục Hưng Minh Trị là một cuộc cách mạng không trọn vẹn đã nhường chỗ cho một chế độ chuyên chế và bán phong kiến, điều này có nghĩa là trong tương lai sẽ xảy ra một cuộc cách mạng tư bản dân chủ và sau đó một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Còn đối với những nhà mác xít thuộc xu hướng Công Nhân và Nông Dân, nằm ở bên ngoài Đảng Cộng Sản, Nhật Bản, với cuộc Phục Hưng Minh Trị, đã trở thành một Nhà nước tư bản phát triển mà đặc tính là một chế độ tư bản độc quyền và hướng đến một chế độ toàn trị phát xít; đối với họ, điều này kéo theo chỉ một cuộc cách mạng trong tương lai, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sự diễn giải đầu tiên đồng nhất tiến trình hiện đại hóa Nhật Bản với sự Tây Phương hóa thời Phục Hưng Minh Trị, nhưng lại xem Nhật Bản như là một nước hiện đại không toàn vẹn với những tàn tích phong kiến, sẽ được lưu truyền lâu dài.
|
Keiji Nishitani (1900-1990) |
Sự quan tâm của các trí thức Nhật đối với ý tưởng hiện đại được kết tinh lại trong bàn tròn được tổ chức năm 1942 về “Sự vượt qua tính hiện đại” do một tạp chí văn học tổ chức, ngay giữa cuộc chiến Á Châu-Thái Bình Dương[1]. Những trí thức có mặt đã có những ý kiến rất khác nhau về tính hiện đại, nhưng đều nhất trí để đồng nhất nó với tính hiện đại của Tây Phương, đặc biệt là tính hiện đại của Nhật Bản được đồng nhất với “sự mở rộng đối với nền văn minh” Tây Phương xảy ra dưới thời đại Minh Trị. Đối với những nhà văn thuộc “trường phái lãng mạn Nhật”, vì lịch sử của Nhật Bản từ cuộc Phục Hưng Minh Trị là lịch sử của sự xói mòn của Nhật Bản bởi nọc độc của Phương Tây, ta cần phải trở lại lòng trung thành với hoàng đế để lật đổ các cường quốc Anh-Mỹ và làm cho cơ thể dân tộc Nhật Bản được thanh khiết trở lại khỏi ảnh hưởng của Tây Phương. Những nhà triết học của trường phái Kyoto, đặc biệt Keiji Nishitani (1900-1990), thì nhấn mạnh đến “sức mạnh tinh thần” của dân tộc Nhật Bản trong cuộc chiến chống lại sự thống trị thực dân của Phương Tây và cho sự thiết lập một trật tự thế giới mới. Như ta có thể thấy, sự đồng nhất hóa tính hiện đại với Tây Phương và bối cảnh của một cuộc chiến với Mỹ bắt đầu từ tháng 12 năm 1941 đã dẫn các nhà phê phán tính hiện đại tới sự khẳng định “sự vượt qua tính hiện đại” đi cùng với sự lật đổ quyền bá chủ của Tây Phương trên thế giới. Maruyama về tính hiện đại đôi chiều của Nhật Bản
Maruyama Masao (1914-1996), đã học đại học và thực hiện những công trình nghiên cứu đầu tiên về lịch sử tư tưởng chính trị vào những năm 1930, là một cái mốc quan trọng trong cuộc tranh luận ở Nhật Bản về tính hiện đại sau cuộc thua trận. Ông đã từng biết về cuộc luận chiến mác xít. Ông cũng đã từng bị cơ quan an ninh chính trị tra hỏi vào năm 1933 vì đã tham gia một cuộc họp của Viện Nghiên Cứu về Chủ nghĩa Duy Vật. Là một nhà sử học về tư tưởng đã để lại dấu ấn trong giới tri thức Nhật sau chiến tranh, đặc biệt thông qua một sự dấn thân chính trị cho dân chủ và chủ nghĩa hòa bình, ông đã không ngừng tự vấn về việc làm thế nào để cho tinh thần hiện đại tiến bộ từ chính những tài nguyên tri thức của Nhật Bản và điều gì cản trở sự tiến bộ này. Nhiệm vụ chính của cuốn sách của Bernard Stevens, cuốn sách bằng tiếng Pháp đầu tiên dành cho Maruyama, là trình bày một dẫn nhập cho sự nghiệp của Maruyama khi nhấn mạnh đến việc là có một tính hiện đại không phải là Tây Phương, một tính hiện đại của Nhật Bản không thể bị tóm gọn trong sự nhập một sản phẩm của Tây Phương vào một đất nước của “truyền thống”.
|
|
Thật vậy, trong Tiểu Luận về Lịch Sử Tư Tưởng Chính Trị ở Nhật Bản[2] được soạn thảo giữa năm 1940 và 1944, Maruyama đã đặt ra giả thuyết về một sự hiện đại của Nhật Bản mà những mầm mống, đặc biệt được thể hiện trong tư tưởng của Ogyu Sorai (1666-1728), đã xuất hiện vào thời đại Edo (1603-1868) nhưng chỉ nảy nở hoàn toàn ở Nhật Bản vào thời Minh Trị thường được xem như là thời kỳ mà đất nước Nhật Bản bắt đầu tiến trình hiện đại hóa qua sự Tây Phương hóa. Maruyama đã nhấn mạnh đến tính hiện đại của Sorai khi nêu bật quan niệm thực chứng của ông về những chuẩn mực (theo đó những chuẩn mực được con người xây dựng chứ không phải do thiên nhiên cung cấp cho con người), và vì thế đến tầm quan trọng của sự đoạn tuyệt được nhà tư tưởng này thực hiện giữa trật tự thiên nhiên về vũ trụ và chiều kích xã hội-chính trị của cộng đồng nhân loại. Do đó, Maruyama xem tư tưởng của Sorai như là một quan niệm hiện đại về chính trị khi khẳng định việc con người sáng tạo ra trật tự xã hội. Chúng ta phải ghi nhận rằng từ những năm 1960-1970, các nhà sử học Nhật Bản đã làm sáng tỏ các khía cạnh hiện đại của thời đại Edo, đặc biệt việc xóa nạn mù chữ rộng lớn và cuộc “cách mạng khéo léo” (Hayami Akira). Như vậy, khác với các nhà Mác Xít và các tri thức vốn đồng hóa sự hiện đại hóa với tiến trình Tây Phương hóa nền kinh tế và văn hóa, Maruyama bảo vệ điều mà ta có thể gọi là “luận điểm của sự hiện đại hóa nội tại”[3].
|
Hannah Arendt (1906-1975) |
Cũng như N. Stevens nói, “như vậy sự hiện đại hoá theo kiểu Tây Phương [vào thời đại Minh Trị] cũng chỉ là một chất gia tốc của một logic tự trị. Và ở một bình diện khác một sự bóp nghẹt những tiềm năng của chính mình” (trg 25). Tác giả khẳng định rằng chế độ chính trị do sự hiện đại hóa đổi chiều này của thời đại Minh Trị bao gồm “những mầm mống của chủ nghĩa quốc gia chuyên chế và bành trướng (mâu thuẫn với logic theo chủ nghĩa hiện đại hóa của thời đại Edo)” (trg 31). Trong một chương trong đó các phân tích của Maruyama được so sánh với sự diễn giải chủ nghĩa toàn trị của Arendt, chiều kích “toàn trị” của chủ nghĩa quốc gia/dân tộc cực đoan của Nhật Bản (1930-1945) được tác giả trình bày như là kết quả của sự hiện đại hóa này vốn “buộc chúng ta phải kể đến hiện tượng Nhật Bản trong mọi cuộc thảo luận về tính hiện đại và sự phê phán nó – khi mà, nếu Nhật Bản của thế kỷ XX đã trở thành hiện đại như Phương Tây, thì Nhật Bản đã trở thành như vậy dựa trên một di sản văn hóa đặc thù mà việc tính đến sẽ làm cho các cuộc tranh luận hiện nay về tính hiện đại ở Âu Châu trở thành phong phú hơn” (trg 70).
|
|
Như vậy chủ nghĩa quốc gia/dân tộc cực đoan không đơn giản chỉ là một sự cố trong hành trình của những thể chế của thời đại Minh trị (đó là sự diễn giải của những người bảo thủ ôn hòa) hay một hệ quả tất yếu của hạ tầng cơ sở kinh tế (diễn giải mác xít), mà nó là, theo Maruyama, do một sự hiện đại hóa các ý thức bị bỏ dở nửa chừng làm cho sự thành hình của một cuộc sống thật sự dân chủ bị ngăn trở, với một không gian công cộng để biểu đạt thật sự và một ý thức toàn diện về trách nhiệm chính trị. Trong cuốn Tư tưởng ở Nhật Bản (1961)[4], Maruyama đã phê bình sự yếu kém của quyền tự chủ chủ quan nơi người Nhật và là đặc tính cửa tư tưởng Nhật Bản với sự thiếu hụt một hệ thống tri trức thống nhất vốn sẽ cung cấp cho họ một ý tương về tính phổ cập, như đạo Cơ Đốc và chủ nghĩa Nhân văn đã từng thực hiện ở Âu Châu. Do sự thiếu hụt này, họ đã có xu hướng không phải để hội nhập, mà chỉ là xếp chồng lên nhau những ảnh hưởng đến từ bên ngoài, mà vẫn “giữ nguyên vẹn một nền tảng cổ mà sự trào lên lại có thể xảy ra một cách bất ngờ và không thể kiểm soát” (trg 33), điều đã xảy ra dưới thời kỳ của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Nhiều sự hiện đại hóa
Ở Nhật Bản, còn rất nhiều người vẫn tiếp tục đồng nhất tính hiện đại với tính hiện đại của Tây Phương, nhưng có một quan điểm thường được các nhà sử học chấp nhận, ít nhất là từ những năm 1980, khẳng định rằng đã có những yếu tố về tính hiện đại trước khi có sự Tây Phương hóa của đất nước. Ngoài ra cũng cần phải thấy là rất tiếc B. Stevens đã không lúc nào nhắc đến những tài liệu thứ yếu rất phong phú bằng tiếng Nhật về tính hiện đại và đến Maruyama, một tác giả được bàn luận nhiều, vì việc quy chiếu này đã có thể đóng góp cho sự hiểu biết tốt hơn về sự phong phú của các cuộc tranh luận về tính hiện đại ở Nhật, và từ những năm 1980, về tính hậu hiện đại, trong bối cảnh của sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân tộc văn hóa.
|
Yoshimoto Takaaki (1924-2012) |
Hiện trạng của những nghiên cứu của Nhật Bản về tính hiện đại rất khác với bối cảnh của Pháp, nơi mà người ta bắt đầu nghĩ tới ý tưởng rằng có thể “là hiện đại mà không cần phải thuộc về Tây Phương”[5]. Nay không còn phải tư duy về một tính hiện đại duy nhất trên hành trình tiến hóa, một lý tưởng thật ra đã không nảy nở ở bất cứ nơi nào, không chỉ ở một Phương Tây ảo ảnh hay tại các nước được xem là phát triển nhất. Cũng như không phải xem coi sự hiện đại đã được thực hiện ở một nước một cách toàn diện hay không, mà phải tư duy về sự đa dạng của tiến trình hiện đại hóa. Vì theo sự phê phán của Yoshimoto Takaaki (1924-2012), ngay cả những Tiểu Luận của Maruyama cũng không thoát khỏi ý tưởng về tính toàn diện hay không của tiến trình hiện đại hóa ở một nước, khi đưa ra một cách lén lút một mô hình vẫn còn giữ tính Tây Phương (bất kể ý đồ được đưa ra là khẳng định rằng có thể “trở thành hiện đại mà không cần phải thuộc về Phương Tây”). Chính Maruyama cũng đã nhận thấy được khuyết điểm này sau đó và đã đi đến việc khẳng định có “nhiều con đường hiện đại hóa”[6]. Hy vọng rằng, trong bối cảnh của sự phát hiện về tiến trình hiện đại hóa của Nhật Bản, dẫn nhập của B. Stevens sẽ làm cho sự tiếp nhận của những công trình của Maruyama được tốt hơn và do đó sẽ đóng góp vào những suy nghĩ về “những con đường đa dạng của sự hiện đại hóa”.
|
|
Để tìm hiểu thêm
• Maruyama Masao, Essais sur l’histoire de la pensée politique au Japon (1952), trad. fr. Jacques Joly, Paris, Les Belles Lettres, 2018.
• Olivier Ansart, Une modernité indigène. Ruptures et innovations dans les théories politiques japonaises du XVIIIe siècle, Paris, Les Belles Lettres, 2014.
• Suzuki Sadami, “Kindai no chôkoku”. Sono senzen, senchû, sengo (Le “dépassement de la modernité”. Avant, pendant, après la guerre), Tôkyô, Sakuhinsha, 2015.
• Critique, n° 839, avril 2017: Et le Japon devint moderne...
Phạm Như Hồ dịch
Chú thích:
[*] Simon Ebersolt là giáo sư và nhà nghiên cứu chuyên về tư tưởng và triết lý Nhật Bản, đồng trưởng “Nhóm nghiên cứu triết học Nhật Bản” gồm các trung tâm Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ và Văn Minh Phương Đông (INALCO/Institut National des Langues et Civilisations Orientales), Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia (CNRS/ Centre National de Recherche Scientifique). Năm 2018, luận văn tiến sĩ của Ông, Contingence et communauté. Kuki Shûzô, philosophe japonais (Tính Ngẫu Nhiên và Cộng Đồng. Kuki Shûzô, triết gia Nhật Bản), đã nhận được giải đặc biệt PSL-Humanites, giải Richelieu của Ban Thư Ký các đại học ở Paris, và giải Okamatsu Yoshihisa của Hội Nghiên Cứu Nhật Bản của Pháp. Trang của tác giả: http://www.inalco.fr/enseignant-chercheur/simon-ebersolt↩
[1] Bungaku-kai (Thế giới văn học), Tháng 9-10 năm 1942; xem bản in của Takeuchi Yoshimi, Kindai no chôkoku (Vượt qua sự hiện đại), Tôkyô, Fuzanbô, 1979.↩
[2] Maruyama Masao, Nihon seiji shisô-shi kenkyû, Tôkyô Daigaku shuppankai, 1952; bản dịch tiếng Pháp của Jacques Joly, Essais sur l’histoire de la pensée politique au Japon (Tiểu luận về lịch sử tư tưởng chính trị ở Nhật Bản), Paris, NXB Les Belles Lettres, 2018.↩
[3] Suzuki Sadami, “Kindai no chôkoku”. Sono senzen, senchû, sengo (“Sự vượt qua sự hiện đại”. Trước, trong, sau chiến tranh), Tôkyô, Sakuhinsha, 2015.↩
[4] Maruyama Masao, Nihon no shisô, Tôkyô, Iwanami shoten, 1961; bản dịch tiếng Đức Wolfgang Schamoni và Wolfgang Seiffert, Denken in Japan, Frankfurt am Main, Suhrkamp, 1988.↩
[5] Pierre-François Souyri, Moderne sans être occidental. Aux origines du Japon d’aujourd’hui (Hiện đại mà không phải là Phương Tây. Ở cội nguồn của Nhật Bản ngày nay), Paris, Gallimard, 2016.↩
[6] Hitotsubashi shinbun (Nhật ký của Hitotsubashi), n° “Fuhen no ishiki kaku Nihon no shisô” (Tư tưởng của Nhật Bản thiếu ý thức về sự phổ quát), 1964.↩