ĐÂU LÀ VẤN ĐỀ CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU?
Tìm được câu trả lời có thể đưa chúng ta đến giải pháp thực sự.
Alex Rosenberg
Bầu trời xanh phản chiếu trong vũng nước lũ sau cơn bão Florence
Nếu sức nóng của mùa hè, tiếp theo là cơn bão Dorian, không thuyết phục được bạn tin biến đổi khí hậu là có thật, thì có lẽ không gì có thể làm bạn tin được. Những ai trong chúng ta bị thuyết phục đều sẽ muốn giảm thiểu biến đổi khí hậu nếu có thể. Muốn làm được như vậy cần hiểu rõ các vấn đề khác nhau của biến đổi khí hậu. Đó là các vấn đề mang tính kinh tế, chính trị và triết học. Ba loại vấn đề này đan xen khắn khít với nhau. Và là một nội dung của một ngành học thuật tương đối mới có tên chính trị học, triết học và kinh tế học (politics, philosophy and economics - PPE).
PPE là tên của chủ đề này kể từ khi ra đời ở Đại học Oxford sau Thế chiến thứ I. Ngày nay, PPE được giảng dạy tại hơn một trăm đại học ở Mỹ, kết hợp các nguồn lực trí tuệ để nắm bắt các vấn đề phức tạp của con người.
Để nhận ra các vấn đề mà chúng ta đối mặt khi tìm cách giảm thiểu biến đổi khí hậu, chúng ta cần bắt đầu bằng một thuật ngữ của kinh tế học: “hàng hóa công.”
Gác qua một bên nghĩa thông thường của những từ này. Trong lý thuyết kinh tế học, hàng hóa công không phải là hàng hóa như trường học hay đường sá mà chính phủ cung cấp cho công chúng. Hàng hóa công là loại hàng hóa có hai đặc tính mà các loại hàng hóa khác không có, kể cả trường học và đường sá. Thứ nhất, hàng hóa công có tính chất không cạnh tranh: cho dù một người đã tiêu dùng một hàng hóa công nhiều như thế nào đi nữa, thì cũng không làm giảm phần dành cho những người khác sử dụng.
Đèn đường là một ví dụ: tôi sử dụng thỏa thích sự an toàn về đêm mà đèn đường mang lại cho tôi, thì cũng không làm giảm phần dành cho bạn. Chúng ta không cạnh tranh nhau khi tiêu dùng hàng hóa công. Xét ở đặc tính này, trường công không phải là hàng hóa công. Nếu giáo viên quá để tâm đến con bạn, thì họ có ít thời gian dành cho con tôi.
Thứ hai, hàng hóa công không loại trừ: việc tôi sử dụng đèn đường không bao giờ ngăn bạn sử dụng cùng một lúc. Cách duy nhất để loại trừ bạn là tắt đèn đường đi. Nhưng rồi cả tôi cũng không có để mà dùng. Trường công là hàng hóa có tính chất loại trừ. Con bạn có thể bị đuổi học. Do đó, trường học không phải là hàng hóa công.
Hiệp định khí hậu Paris đặt mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng hơn 1,5oC. Thành quả đó là hàng hóa công. Tôi chỉ có thể thụ thưởng thành quả khi nó tồn tại cho cả bạn cùng thụ hưởng, và bất kể việc tôi thụ hưởng vì lợi ích cá nhân nhiều như thế nào đi nữa thì vẫn không làm giảm lượng mà bạn có thể thụ hưởng.
Dĩ nhiên, cũng như trường hợp của đèn đường, một số người sẽ có nhiều lợi ích, thậm chí là thật nhiều lợi ích từ hàng hóa công, hơn những người khác. Sự thật đáng tiếc là cuộc sống của phụ nữ nhìn chung được cải thiện nhiều hơn so với cuộc sống của nam giới nhờ đèn đường. Giảm thiểu biến đổi khí hậu sẽ không mang lại lợi ích như nhau cho mọi người. Nhưng việc đó không thể mang lại lợi ích cho một người mà không mang lại lợi ích cho những người khác, và bất kể tôi đã hưởng lợi nhiều như thế nào, vẫn sẽ có lợi ích dành cho bạn.
Thomas Hobbes (1588-1679) |
Đến đây, chúng ta đưa chính trị học và triết học vào. Như với tất cả các hàng hóa công khác, giảm thiểu biến đổi khí hậu vấp phải vấn đề thế lưỡng nan của người tù: nếu tất cả các nước gây ô nhiễm chính, trừ Mỹ, cùng nhau cắt giảm khí thải, thì Mỹ không phải làm theo mà vẫn hưởng lợi. Mặt khác, nếu Trung Quốc, Liên Minh Châu Âu, Ấn Độ, Nga và Hàn Quốc khoanh tay đứng nhìn, thì Mỹ lại càng không có lý do để cắt giảm khí thải. Mỹ đơn phương không thể tự giải quyết vấn đề. Đường nào thì Mỹ cũng nên án binh bất động. Nếu lãnh đạo của các nước kia cũng suy lý y như vậy, kết cục có thể là tình trạng thời tiết cực đoan khắc nghiệt bao trùm.
Có cách nào thoát thế lưỡng nan của người tù khi cung ứng hàng hóa công không?
Triết gia Thomas Hobbes là người đầu tiên chú ý đến vấn đề này vào thế kỷ thứ 17, ông tìm kiếm lý lẽ cho quyền lực chính trị. Câu hỏi của Hobbes về làm thế nào để thoát khỏi tình trạng vô chính phủ đã đặt ra thế lưỡng nan của người tù. Ông nhận thấy pháp quyền là một hàng hóa không cạnh tranh và không loại trừ ngay cả đối với những người yếm thế nhất, nghèo khổ nhất. Dĩ nhiên, một số điều luật mang lại lợi ích nhiều hơn cho một số người so với những người khác. Nhưng Hobbes lập luận rằng, bất cứ điều luật nào, thậm chí là luật của những kẻ độc tài chuyên chế, bất kể chúng có thể nguy hại đến cỡ nào, cũng mang lại lợi ích không loại trừ tối thiểu cho mọi người và chúng ta có thể thụ hưởng một cách không cạnh tranh.
John Locke (1632-1704) |
John Rawls (1921-2002) |
Việc thực thi pháp quyền, bất cứ điều luật nào, ít nhất cũng giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng của thuở hồng hoang, thuở mà “cuộc sống của con người là cô độc, xấu xa, khó chịu, tàn bạo và ngắn ngủi.” Theo Hobbes, cách duy nhất để cung cấp hàng hóa công này là mỗi người chúng ta từ bỏ mọi quyền lực và trao lại cho chính quyền để chính quyền có thể áp chế thượng tôn pháp luật. Giải pháp thoát khỏi thế lưỡng nan của người tù của tình trạng vô chính phủ mà Hobbes đề xuất chưa từng thu hút được nhiều sự ủng hộ. Lịch sử triết học chính trị từ thời Locke đến thời Rawls là một chuỗi các giải pháp thay thế cho chiến lược của Hobbes. Mỗi giải pháp thay thế tìm kiếm một cơ sở mà con người có thể tin tưởng tự ràng buộc bản thân mình vào để tự nguyện cung ứng hàng hóa công về “luật pháp và trật tự.”
Một khi triết gia xác định được vấn đề, các nhà khoa học chính trị có thể tiếp cận vấn đề theo hướng thực nghiệm: tìm cách xác định những tình huống trong thực tế cuộc sống mà con người tự động giải quyết vấn đề cung ứng hàng hóa công cho bản thân mình, vì lợi ích cá nhân và không ép buộc.
Elinor Ostrom (1933-2012) |
Vì trả lời câu hỏi này mà nhà khoa học chính trị Elinor Ostrom được trao giải Nobel vốn chỉ dành cho các nhà kinh tế. Bà dành cả sự nghiệp của mình để xác định các điều kiện trên khắp thế giới, bao gồm cả các nước đang phát triển, mà theo đó các nhóm hóa giải được thế lưỡng nan của người tù bằng cách thiết lập các thể chế - quy tắc, chuẩn mực, thông lệ - mà mọi thành viên đều được hưởng lợi, một cách không cạnh tranh và không loại trừ. Theo đó, Ostrom đã đưa ra phương pháp tránh rơi vào thế lưỡng nan của người tù mà hàng hóa công đặt ra.
Thành phần cần có của phương pháp [của Ostrom] rất rõ ràng: các thành viên đồng thuận ai là người tham gia nhóm; chỉ có một bộ quy tắc duy nhất mà tất cả các thành viên đều có thể thực sự tuân thủ; việc tuân thủ được giám sát hiệu quả, với các hình phạt được phân theo mức độ vi phạm; áp chế và xét xử có thể thực hiện được; và những thế lực bên ngoài phải để cho các thành viên tuân thủ quy tắc. Cuối cùng, trong dài hạn, nhóm mà cung ứng hàng hóa công cho thành viên trong nhóm phải được nhập vào, được chấp nhận bởi các nhóm cao cao cấp hơn. Các nhóm này tiếp tục tồn tại khi có thể tự cung cấp cho mình một hệ thống các quy tắc, chuẩn mực, thông lệ và thể chế không cạnh tranh, không loại trừ và mang lại lợi ích cho các thành viên trong nhóm.
Không cần viện đến khoa học tên lửa để nhận thấy rằng rất khó để trên dưới 200 quốc gia trên thế giới có thể thỏa mãn các điều kiện kể trên. Hiệp định khí hậu Paris còn cách rất xa phương pháp của Ostrom. Trở ngại lớn nhất trong việc thực thi hiệp định là sự không sẵn lòng từ bỏ chủ quyền quốc gia.
Nhưng hiện tại ít ra chúng ta cũng biết đang vấp phải vấn đề gì, và thậm chí có một số công cụ để tiến gần hơn tới giải pháp. Ví dụ, công dân và các nhóm công dân được nhập vào nhau có thể vận dụng phương pháp của Ostrom để xây dựng ngày càng nhiều các giải pháp toàn cầu ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu, theo đó cung cấp ít nhất là một phần hàng hóa công này cho nhiều người.
PPE tiếp cận vấn đề biến đổi khí hậu bằng khái niệm hàng hóa công của nhà kinh tế, công trình nghiên cứu triết học về thiết lập quyền lực chính trị cung cấp những hàng hóa công này theo lợi ích riêng tư duy lý của chúng ta và khám phá của các nhà khoa học chính trị về các điều kiện mà theo đó con người thực sự tự cung cấp cho mình những hàng hóa công này.
Phân tích này, thông qua việc cho thấy sự hóc búa của vấn đề biến đổi khí hậu, phát đi thông điệp rõ ràng về việc nước Mỹ cần nghiêm túc tìm kiếm giải pháp công nghệ ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu.
Hãy nhìn lại vấn đề đèn đường ở thế kỷ 19. Giả sử rằng bạn giàu có hơn mọi người khác và bạn có nhiều thứ để mất hơn khi đi bộ trong thành phố vào ban đêm. Vì bạn có quá nhiều thứ để mất nên bạn thấy xứng đáng khi tự bỏ tiền ra làm đèn đường, ngay cả khi mọi người khác cũng sẽ được sử dụng, miễn phí. Trong trường hợp đó, nếu bạn từ chối trả toàn bộ chi phí cho hàng hóa công [đèn đường] thì quyết định của bạn là phi lý về mặt kinh tế.
Thomas Edison (1847-1931) |
Nếu không có đèn đường tốt thì sao? Nếu bạn giàu có hơn mọi người, thì bạn nên làm gì? Tất nhiên là tài trợ cho nghiên cứu của Thomas Edison. Ông ta tìm kiếm một giải pháp công nghệ - đèn đường tốt, rẻ, đáng tin cậy - có lẽ đủ rẻ tiền để bạn sẵn lòng chi trả toàn bộ.
Các quốc gia và các công ty thuyết phục rằng việc lợi ích họ có được từ giảm thiểu biến đổi khí hậu có thể cao hơn chi phí sẽ cung ứng hàng hóa công cho mọi người dưới dạng sản phẩm phụ, tác động phụ, của những thứ mà họ tự trang bị cho bản thân. Mấu chốt là chi phí của từng quốc gia hay từng công ty sẽ phải đủ thấp để được khỏa lấp bởi lợi ích mà quốc gia hay công ty đó có được.
Đó là lúc mà khoa học và các sáng kiến công nghệ tham gia vào. Các tấm năng lượng mặt trời, tua-bin gió, năng lượng hạt nhân an toàn, can thiệp bầu khí quyển, đại dương hay rừng mưa nhiệt đới bằng kỹ thuật địa chất - một số hay tất cả các giải pháp này, hay bất cứ giải pháp nào mà chúng ta chưa nghĩ ra, có thể có hiệu quả về chi phí cho một hay nhiều quốc gia hay công ty. Giảm thiểu biến đổi khí hậu như là một hàng hóa công sẽ rất quý giá đối với ít nhất một người tiêu dùng - một quốc gia hay một công ty - vì vậy mà người tiêu dùng đó sẽ tự trang bị cho mình. Phần còn lại có thể hưởng ké.
Alex Rosenberg (1946-) |
Việc như vậy sẽ xảy ra không? Hay có thể xảy ra hay không? Liệu có thể đẩy nhanh tốc độ về đích của việc này hay không? Các triết gia đã kết luận như đinh đóng cột rằng không có logic của khám phá khoa học, không có công thức cho đột phá tiếp theo và do đó không có thuật toán giúp cải tiến công nghệ của chúng ta. Khám phá khoa học có tính chất may rủi. Những gì chúng ta có thể làm là tạo cơ hội cho khoa học đưa chúng ta thoát khỏi mớ bòng bong này: đào tạo các nhà khoa học, hỗ trợ nghiên cứu thuần túy, tự do phổ biến khoa học và tán dương khoa học bằng sự bất tử, không chỉ bằng tiền.
Về tác giả:
Alex Rosenberg giảng dạy PPE tại Đại học Duke và là tác giả cuốn “How History Gets Things Wrong” (“Lịch Sử Làm Rối Tung Mọi Thứ Như Thế Nào”) và các tác phẩm khác.
Trần Thị Minh Ngọc dịch