14.4.20

“Cuộc khủng hoảng virus Corona báo hiệu sự tăng tốc của một chủ nghĩa tư bản mới, chủ nghĩa tư bản số”

“CUỘC KHỦNG HOẢNG VIRUS CORONA BÁO HIỆU SỰ TĂNG TỐC CỦA MỘT CHỦ NGHĨA TƯ BẢN MỚI, CHỦ NGHĨA TƯ BẢN SỐ”

Antoine Reverchon phỏng vấn Daniel Cohen
Nhà kinh tế Daniel Cohen phân tích cuộc khủng hoảng y tế như là thời khắc chuyển hướng của nền kinh tế sang một chế độ tăng trưởng mới và của vai trò của Nhà nước sang một phương thức can thiệp xã hội mới.
Nhà kinh tế Daniel Cohen hôm 23 tháng giêng năm 2015 ở Paris. CHARLES PLATIAU / REUTERS
Đàm luận. Daniel Cohen là giáo sư Trường kinh tế Paris – mà ông là một trong những thành viên sáng lập – và trưởng khoa kinh tế học Trường đại học sư phạm (phố Ulm - ND). Thành viên hội đồng giám sát nhật báo Le Monde, ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó ông kết hợp các khoa học xã hội khác nhau và sử học để mô tả cho bạn đọc không phải là nhà kinh tế những biến đổi lớn xã hội-kinh tế đương đại và trong quá khứ, như Les origines du populisme (Các nguồn gốc của chủ nghĩa dân tuý), viết chung với Yann Algan, Elisabeth Beasley và Martial Foucault (NXB Seuil, 2019) và các tác phẩm Il faut dire que les temps ont changé... (Phải nói rằng thời thế đã thay đổi, 2018), Le monde est clos et le désir infini (Thế giới thì kín còn dục vọng thì vô tận, 2015), Homo Economicus (2013), La prospérité du vice (2009) đều do Albin Michel xuất bản.
Trên các diễn đàn tranh luận thường có việc so sánh cuộc khủng hoảng hiện nay với các cuộc khủng hoảng năm 2003 (đi liền với dịch SARS), năm 2008 và cả với năm 1929. Các so sánh này có ý nghĩa chăng?


Khi cuộc khủng hoảng virus Corona bắt đầu, quả thật rằng điều đầu tiên hiện lên trong tâm trí là so sánh nó với cuộc khủng hoảng y tế năm 2003, vốn cũng xuất phát từ Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng này đã làm 774 người tử vong và lúc bấy giờ đã làm cho tăng trưởng kinh tế thế giới giảm khoảng 0,2% đến 0,3%.
Hiện nay, chúng ta ở rất, rất xa con số đó! Ngay cả khi cuộc khủng hoảng lan sang các nước khác, tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng Trung Quốc đến phần còn lại của hành tinh đã thay đổi quy mô. Giữa hai thời điểm trên, GDP của Trung Quốc đã nhân tám và vai trò của nước này trong thương mại quốc tế đã tăng vọt để chiếm lấy 20% các cuộc trao đổi!


Như tổng thống Mĩ Donald Trump gọi nó, con “virus Trung Quốc” này đã cho phép đo lường sự phụ thuộc kinh khủng của một số rất lớn ngành công nghiệp đối với Trung Quốc.
Về mặt này, rất có thể đại dịch kết thúc một chu kì kinh tế bắt đầu với các cuộc cải cách của Tập Cận Bình vào đầu những năm 1980 và sự sụp đổ của bức tường Berlin vào năm 1989. Dư chấn của cú sốc toàn cầu hoá này đang suy giảm. Hơn nữa, cuộc chiến thương mại do Donald Trump khởi động đã thuyết phục bản thân người Trung Quốc là họ phải giảm sự lệ thuộc đối với Hoa Kì.
Cuộc khủng hoảng năm 2008 há chẳng đã là một biểu hiện của sự suy giảm này sao?

Cuộc khủng hoảng năm 2008 ra đời từ dự án điên cuồng của các ngân hàng thương mại lớn của Mĩ giao cho các trung gian cung cấp tín dụng cho các hộ gia đình mà bản thân là rất dễ bị tổn thương, các tín dụng dưới chuẩn (subprime) nổi tiếng. Những sản phẩm cực kì độc hại được bơm vào hệ thống tài chính quốc tế gây nên sự sụp đổ chung các thị trường.
Phản ứng của các chính phủ thời bấy giờ đã ngang tầm cuộc khủng hoảng. Ta còn nhớ rằng các cuộc họp của G7 và G20 đã cho phép có được một sự kháng cự mạnh, có phối hợp và có tính toàn cầu. Ngày nay điều tương tự không xảy ra với những nhân vật như Donald Trump, Jair Bolsonaro, Boris Johnson, toàn những nguyên thủ quay lưng lại với chủ nghĩa đa phương.
Boris Johnson (1964-)
Jair Bolsonaro (1955-)
Vào thời đó, vấn đề là đối phó với một cuộc khủng hoảng mà tâm chấn, giống như năm 1929, là nền tài chính, để tránh khỏi những hậu quả mà chúng ta đã biết trong những năm 1930, tức là sự lây nhiễm của nền kinh tế tài chính sang nền kinh tế thực và sự sụp đổ của nó. Và chúng ta đã gần như thành công: mặc dù làn sóng của cú sốc ban đầu cũng dữ dội bằng với năm 1929 nhưng cuối cùng cuộc suy thoái toàn thế giới chỉ kéo dài có chín tháng...
Cuộc khủng hoảng kinh tế ngày nay khác một cách sâu sắc với các cuộc khủng hoảng của các năm 1929 và 2008. Ngay từ đầu, đây là một cuộc khủng hoảng của nền kinh tế thực. Thách thức, không phải như trong quá khứ, là tìm cách hỗ trợ nền kinh tế thực bằng những biện pháp về phía cung hay phía cầu. Một cách nghịch lí, điều người ta chờ đợi là Nhà nước hãy giữ nhiều doanh nghiệp đóng cửa. Do các biện pháp cách ly, GDP buộc phải giảm! Trong giai đoạn này, vai trò chủ yếu của các chính sách công không phải là thúc đẩy nền kinh tế mà phải đảm bảo là nền kinh tế ở vào trạng thái ngủ đông thoả đáng để nền kinh tế có thể nhanh chóng hoạt động trở lại sau này. Người ta không đòi hỏi Nhà nước có những biện pháp có tính kinh tế vĩ mô nhưng là các biện pháp kinh tế vi mô.
Đó cũng không phải là những biện pháp hỗ trợ cầu – các biện pháp này sẽ là cần thiết một khi đại dịch chấm dứt vì người tiêu dùng bị cách ly có thể mua được gì từ những nhà máy bị ngưng hoạt động? Những biện pháp hỗ trợ cung là cần thiết, nhưng cho những ngành then chốt trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng y tế, để phục vụ cho các bệnh viện hay y khoa thành phố, cho các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, bộ xét nghiệm, thiết bị trợ thở...
Đối với phần còn lại của nền kinh tế, người ta chờ đợi nhất ở Nhà nước những biện pháp hỗ trợ mỗi doanh nghiệp, mỗi người mất hoạt động. Không phải là phân phối tín dụng nhưng là hỗ trợ trực tiếp ngân sách trợ giúp ngân quỹ các doanh nghiệp, thu nhập các hộ gia đình. Về mặt này, nguyên tắc là đơn giản, thâm hụt phải bằng với việc mất hoạt động do đại dịch gây ra. Theo dữ liệu thống kê do Viện thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia (INSEE) cung cấp, mỗi tháng cách ly có thể làm mất 3 điểm tăng trưởng trong năm. Đó cũng là con số lí tưởng của thâm hụt công để đồng hành cùng đại dịch. Nếu cuộc khủng hoảng kéo dài hai tháng thì con số sẽ tăng gấp đôi...
Do đây không phải là một cuộc khủng hoảng tín dụng thì không gì tồi tệ hơn khi đối phó cuộc khủng hoảng này chỉ bằng các công cụ của năm 2008 do các ngân hàng trung ương khởi động – giảm lãi suất, dễ dãi tiền tệ, cơ chế ổn định – cho dù hiển nhiên rằng cũng cần phải tránh để cuộc khủng hoảng của nền kinh tế thực không trở thành một cuộc khủng hoảng tài chính.
Công cụ tốt là công cụ tài khoá, nhưng trong lĩnh vực này tất cả các Nhà nước không có những dư địa thao tác giống nhau. Đặc biệt, tôi nghĩ đến trường hợp của Italia. Giúp Italia tự tài trợ, ví dụ bằng cách cầu viện đến Cơ chế ổn định của châu Âu, là một điều tốt, vì điều này sẽ giúp Italia giảm thiểu chi phí tài trợ. Nhưng ở cấp độ này cũng thế, Italia không cần tín dụng nhưng cần được hỗ trợ ngân sách.
Ngân sách châu Âu, dù sao cũng bằng 1% của GDP của Liên minh châu Âu (EU), phải có thể tài trợ trực tiếp, ví dụ, hoạt động của các bệnh viện bị khó khăn nhất. Trên điểm này, cuộc tranh luận về các “trái phiếu corona” (corona bonds) có tính quyết định. Nó có thể cho phép thực hiện tức thì những chuyển nhượng ngân sách quan trọng, với điều kiện sau này giảm một số chi tiêu để trả lãi các trái phiếu đã phát hành...
Hoa Kì vừa phát động một kế hoạch 2000 tỉ đô la (1825 tỉ euro) mà một phần lớn sẽ được đưa trực tiếp vào tài khoản các doanh nghiệp và các hộ gia đình, cho dù phải đào sâu một lỗ hổng ngân sách khổng lồ. Có phải là giáo sư nghĩ đến kiểu hành động này?
Kế hoạch này bằng 10% GDP của Hoa Kì và quả thật là quan trọng. Nhưng một phần, đối với những gì liên quan đến các hộ gia đình, là một sự phân tán mù quáng: Nhà nước cho 1000 đô la cho mỗi người lớn và 500 đô la cho mỗi trẻ em cho tất cả các hộ gia đình có thu nhập dưới 75.000 đô la mỗi năm, mà không xem xét đến hoàn cảnh thực tế của các hộ này. Ta không thể loại trừ khả năng là [bằng biện pháp này] Donald Trump chủ yếu nhắm đến việc bảo toàn cơ may được tái đắc cử.
Một Nhà nước hiện đại, một Nhà nước của thế kỉ XXI, đáng lí phải có khả năng cân đo theo ni tấc, làm kinh tế vi mô “theo phẫu thuật”, nhắm đến từng doanh nghiệp, từng hộ gia đình một. Ngày nay chúng ta có những công cụ để làm điều này, như việc trích thu từ đầu nguồn, lời khai thuế VAT và đóng góp bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp, cho phép đưa sự trợ giúp đến tận những ai gánh chịu nặng nề nhất cuộc khủng hoảng.
Tất nhiên, đối phần của khả năng này là nguy cơ bị kiểm soát toàn diện, vì chúng ta sẽ nhận ra rằng Nhà nước, giống như các GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon), đã đạt được năng lực truyền thông – và giám sát – toàn bộ xã hội.
Phải chăng cuộc khủng hoảng này báo hiệu sự kết thúc của chủ nghĩa tư bản tân tự do toàn cầu hoá?
Chắc chắn đây là hồi kết, hay là điểm khởi đầu cho sự thoái lui của chủ nghĩa tư bản toàn cầu hoá như ta đã trải nghiệm từ bốn mươi năm nay, tức là việc không ngừng tìm kiếm những chi phí thấp bằng cách ngày càng sản xuất ở xa hơn. Nhưng nó cũng báo hiệu sự tăng tốc của một chủ nghĩa tư bản mới, chủ nghĩa tư bản số.
Jean Fourastié (1907-1990)
Để nắm bắt phạm vi và những đe doạ mà chủ nghĩa số này chứa chấp, phải quay về quá khứ, vào thời mà người ta nghĩ rằng sự phi công nghiệp hoá, ở các nước phát triển, sẽ dẫn đến một xã hội dịch vụ. Ý tưởng, đặc biệt được nhà kinh tế Pháp Jean Fourastié (1907-1990) lí thuyết hoá là con người sẽ không lao động trên đất đai hay vật liệu nữa mà chính trên con người: chăm sóc, giáo dục, đào tạo, giải trí người khác sẽ là cốt lõi của một nền kinh tế cuối cùng được nhân bản hoá. Giấc mơ hậu công nghiệp này có tính giải phóng, phát triển hài hoà... Nhưng như Fourastié đã nhấn mạnh ước mơ này không đồng nghĩa với sự tăng trưởng.
Nếu giá trị của sản phẩm là thời gian tôi dành để chăm sóc người khác thì điều đó cũng có nghĩa rằng nền kinh tế không tăng trưởng nữa, trừ phi gia tăng đến vô hạn thời gian lao động.
Antoine Reverchon
Chủ nghĩa tư bản đã tìm ra cách đối phó “vấn đề” này, đó là số hoá một cách cực đoan. Nếu hữu thể là tôi đây có thể được biến thành một tập những thông tin, dữ liệu có thể được quản lí từ xa thay vì trực diện thì tôi có thể được chăm sóc, giáo dục, giải trí mà không cần ra khỏi nhà... Tôi xem phim trên kênh Netflix thay vì vào rạp chiếu bóng, tôi được chăm sóc mà không phải đến bệnh viện. Số hoá tất cả những gì có thể số hoá được là cách mà chủ nghĩa tư bản thế kỉ XXI làm để giảm hơn nữa các chi phí...
Sự cách ly xã hội mà chúng ta là đối tượng ngày nay sử dụng rộng rãi các kĩ thuật trên: làm việc từ xa, giảng dạy từ xa, y tế từ xa... Sau này nhìn lại, cuộc khủng hoảng này có thể hiện ra như là thời khắc tăng tốc của sự ảo hoá thế giới. Như là điểm chuyển hướng bước từ chủ nghĩa tư bản công nghiệp sang chủ nghĩa tư bản số, và của hệ luận của điều này, sự sụp đổ của những hứa hẹn nhân bản của xã hội hậu công nghiệp.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Print Friendly and PDF