TRUNG QUỐC THỜI HẬU VIRUS CORONA: CUỘC TRƯỜNG CHINH HƯỚNG TỚI PHỤC HỒI KINH TẾ
(Nguồn: Forbes)
Trung Quốc vừa mới hồi phục sau cuộc khủng hoảng virus Corona. Vào cuối tháng 3 này, chính phủ Trung Quốc đã nói tới việc trở lại làm việc, điều không thể tránh khỏi. Một sự trở lại cần thiết và mang tính sống còn đối với nền kinh tế Trung Quốc và tất nhiên, đối với Đảng. Tuy nhiên, diễn tiến của sự trở lại này không hề trơn tru. Ngoài sự cố bạo loạn trên cầu Hồ Bắc-Giang Tây tuần trước – đồng thời cũng báo hiệu sự bất bình đẳng của sự trở lại này trên khắp Trung Quốc -, các nhà máy và các mắc xích khác trong chuỗi sản xuất đang nỗ lực hoạt động trở lại.
Lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc gần đây, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố các dữ liệu kinh tế của tháng 1 và 2 trong một báo cáo. Các dữ liệu này là không dò thấu, cụm từ này là còn yếu. Thử gợi lên những kết luận chính trong báo cáo này.
Sản xuất công nghiệp đã giảm 13,5% trong hai tháng qua, đầu tư các tài sản cố định giảm 24,5% và doanh số bán lẻ giảm 20,5%. Xuất khẩu có mệnh giá bằng nhân dân tệ giảm 15,9%, trong khi nhập khẩu co lại 2,4%. Ngoài sự sụt giảm về chỉ số mua hàng của các nhà chế tạo sản xuất Trung Quốc, chỉ số giá sản xuất cũng giảm trung bình 5,3% trong hai tháng đầu năm 2020. Nhìn chung, hai chỉ số nói trên báo hiệu một mức tăng đáng kể về chi phí/giá đối với người tiêu dùng[*].
Vì vậy, nền kinh tế Trung Quốc hẳn là vẫn còn trong tình trạng co rút. Điều đó đặt ra một vấn đề lớn cho Đảng-Nhà nước, vốn phụ thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế liên tục, cũng như khả năng tạo ra các sản phẩm xã hội (thành quả của sự tăng trưởng kinh tế) để duy trì tính chính danh chính trị trong dân chúng. Chính quyền Bắc Kinh nhận thức rõ mức độ nghiêm trọng của tình hình kinh tế Trung Quốc, nay không còn khả năng chịu đòn nữa. Bắt đầu với cuộc chiến thương mại, Tết nguyên đán và kể từ tháng 1, virus Covid-19. Trong chiều hướng này, chính phủ trung ương đã triển khai một loạt các biện pháp quan trọng về chính sách nới lỏng tài khóa nhằm phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, không có giải pháp thần kỳ trong ngắn hạn: người ta tự hỏi liệu các biện pháp nới lỏng đó sẽ có tác dụng đến mức nào lên nền kinh tế Trung Quốc.
GIẢ MẠO SỰ HOẠT ĐỘNG TRỞ LẠI
Một điểm khác cần lưu ý: hồi đầu tháng 3, tạp chí Caixin đã tiết lộ sự “mở cửa lại” giả mạo của rất nhiều nhà máy gần như khắp Trung Quốc. Để tôn trọng khẩu hiệu “trở lại làm việc”, rất nhiều doanh nghiệp chỉ đơn giản “bật đèn” trong các cơ sở và nhà máy của họ, mà không “sản xuất” bất cứ thứ gì.
“[Tỉnh Chiết Giang] đã được ca ngợi là một ví dụ xuất sắc về sự phục hồi công nghiệp của đất nước trong bối cảnh thời hậu virus Corona bởi nhà hoạch định kinh tế số một của Trung Quốc [Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia - BBT], cơ quan này, vào ngày 24 tháng 2, đã báo cáo tỷ lệ trở lại hoạt động [tại Chiết Giang] cao hơn 90%, theo tạp chí Caixin. Tuy nhiên, một quan chức của Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh, đã tuyên bố với tạp chí Caixin rằng, từ hôm thứ Bảy, các nhà máy đã nhận được lệnh để cho máy móc thiết bị hoạt động cầm chừng suốt ngày, trong khi các văn phòng phải để cho các máy tính và máy điều hòa nhiệt độ hoạt động... khi Bắc Kinh bắt đầu kiểm tra tốc độ phục hồi bằng cách xem xét các mức tiêu thụ năng lượng.”
Mức độ gian lận này không phải là một hiện tượng biệt lập ở Trung Quốc. Đặc biệt là vì Đảng được biết đến với những dự báo và hạn ngạch đôi khi phi thực tế và đôi khi dẫn đến thảm họa – chính sách Đại nhảy vọt từng mang đến ký ức cay đắng. Tuy nhiên, nếu vấn đề này trở thành chuẩn mực, thì quá trình phục hồi có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Các hạn ngạch trở lại làm việc phi thực tế này vẫn là vấn đề trong thời điểm hiện tại. Về mặt lịch sử, đó là vấn đề về uy tín hoặc về lo lắng - vấn đề thậm chí còn tồi tệ hơn những gì chúng ta, những người quan sát bên ngoài, có thể tưởng tượng. Ngày hôm nay, vấn đề có lẽ là về uy tín.
Trong mọi trường hợp, với việc hệ thống tuyên truyền đang hoạt động hết công suất, không khó để tưởng tượng ra rằng Đảng muốn nền kinh tế đi đúng “đường lối” nhanh nhất có thể để có thể cho phần còn lại của thế giới, cũng như cho công dân của nước mình, thấy được “ưu thế vượt trội” của nhà nước Lêninít trước cơ chế “quản lý” cuộc khủng hoảng của thế giới phương Tây.
NHỮNG LÃNH VỰC NỔI BẬT
Sản lượng than đã giảm 6,3% từ tháng 1 đến tháng 2 (so với cùng kỳ năm trước), trong khi sản xuất than cốc - được sử dụng trong ngành thép - cũng giảm 5,5%. Ngoài ra, vào tháng 2, doanh số bán ô tô đã lao dốc gần 80% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm tồi tệ nhất thuộc về liên doanh General Motors với SAIC, đã giảm 92,2%. Một lĩnh vực thảm họa khác, ngành kinh doanh bất động sản với 30 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán có doanh thu giảm 19% trong hai tháng đầu năm. Đầu tháng 3, mười trong số các công ty kinh doanh bất động sản lớn nhất của Trung Quốc đã công bố kế hoạch phát hành tổng cộng 52,13 tỷ nhân dân tệ (7,45 tỷ USD) chứng khoán nợ. [/asl-article-intertitre]
Vấn đề cơ bản ở đây, tác động đến tất cả các lĩnh vực, là vấn đề phổ biến của việc thiếu cầu (về mặt tiêu dùng). Và vấn đề này vẫn còn lâu mới biến mất. Nó sẽ tiếp tục đè nặng lên các doanh nghiệp Trung Quốc - trong và ngoài nước - cho đến khi nền kinh tế toàn cầu trở nên ổn định hơn.
Trong khi doanh nghiệp có niêm yết trên sàn chứng khoán tại Trung Quốc có thể phát hành thêm vốn và nợ để giảm bớt các vấn đề tài chính của mình, thì về phần các doanh nghiệp tư nhân, họ phải dựa vào hệ thống ngân hàng ngầm (shadowbanking) hoặc vào sự giúp đỡ tiềm tàng của chính phủ để vượt qua giai đoạn này, thậm chí ngay trong năm này. Theo chiều hướng đó, có nhiều khả năng là hệ thống ngầm này - mà Tập Cận Bình từ một thời gian đến nay đã cố đánh bại - sẽ phát triển nhảy vọt trong giai đoạn phục hồi kinh tế này. Bởi vì chính quyền địa phương và trung ương không có khả năng đáp ứng đầy đủ yêu cầu thanh khoản cần thiết để cho nền kinh tế Trung Quốc không bị đuối.
Các nhà chế tạo ô tô đã phải cầu cứu đến chính phủ. Về phần các nhà sản xuất xe chạy bằng năng lượng tái tạo, họ đã trải nghiệm một sự co lại trong doanh số bán hàng của họ trong tháng thứ tám liên tiếp, chưa nói đến sự sụt giảm gần đây trong các chế độ trợ cấp của chính phủ đối với loại phương tiện này. Phải nói rằng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã ở trong tình trạng tồi tệ vì cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, mà còn vì thực tế sụt giảm doanh số bán trong lĩnh vực ô tô kể từ hơn hai mươi tháng qua.
Hiện tại khó có thể nói mức độ sẵn sàng của Đảng trong việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ cụ thể đối với từng lĩnh vực kinh tế, hoặc nếu tình hình tạo ra một chính sách “miễn phí cho mọi ngành”, khi mà các doanh nghiệp sẽ yêu cầu tài trợ trong khuôn khổ của một chương trình phục hồi kinh tế rộng lớn hơn. Dù sao đi nữa, trong khi cái bóng của Đại hội lần thứ 20 năm 2022 đã lượn lờ ở Trung Quốc, Đảng sẽ rất bận rộn trong việc dập tắt những đám cháy đang xuất hiện ở khắp nơi trong hệ thống chính trị, theo nghĩa rộng, ngoài ra còn phải liên tục để mắt đến nền kinh tế. Đây sẽ là một thử thách toàn diện đối với tài lãnh đạo của Tập Cận Bình: kết quả kinh tế cuối cùng có nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến khả năng của Chủ tịch Trung Quốc trong việc củng cố và duy trì - dựa vào sự hậu thuẫn của các phe cánh chính trị - cán cân quyền lực vượt qua mốc năm 2022.
MỘT VÀI CHỈ BÁO TÍCH CỰC?
Bất chấp tất cả, có một vài tia hy vọng đằng sau tình huống thảm khốc này. Ví dụ, Liên đoàn Cung ứng và Hậu cần Trung Quốc đang chứng kiến một sự gia tăng về chỉ số thịnh vượng hậu cần và chỉ số kho hàng, gợi ý rằng hoạt động kinh doanh thương mại đã tăng nhẹ kể từ thời điểm kiểm dịch trên quy mô gần như toàn quốc. Cùng lúc này, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã mang lại sự sống cho các nhà cung cấp bảo hiểm (khác với bảo hiểm nhân thọ) ở Trung Quốc. Thực tế là hầu như không có ai đi du lịch hoặc thậm chí đi lại. Những khiếu nại về xe ô tô - và những điều khoản có liên quan - cũng đang rơi tự do. Điều trớ trêu là các nhà phân tích tài chính đã tăng giá mục tiêu các chứng khoán cho một số công ty bảo hiểm nhất định, chẳng hạn như tập đoàn PICC. Nhưng toàn bộ ngành bảo hiểm chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi virus Corona, đặc biệt khi người ta nghĩ đến các khiếu nại về bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm thương mại hoặc thậm chí các yêu cầu tái bảo hiểm. Thay vào đó, các dạng yêu cầu nói trên có khả năng tăng vọt trong thời gian đầy bất trắc này.
Ở cấp độ kinh tế vĩ mô, theo Cục Thống kê Quốc gia, mặc dù tổng sản lượng công nghiệp có giảm, Trung Quốc đã tạo ra 1,08 triệu việc làm trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 2. Với điều đó, tình hình việc làm, về cơ bản, có vẻ ổn định. Hơn nữa, có vẻ như hơn 80% các doanh nghiệp chế tạo sản xuất vừa và nhỏ đã hoạt động trở lại, làm tăng chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI, Purchasing Managers' Index) trong tháng 3. Một số nhà sản xuất và nhà xuất khẩu cũng đã có một khoảnh khắc dễ thở, bởi vì Hoa Kỳ đã miễn thuế quan đối với rất nhiều sản phẩm y tế, như khẩu trang và ống nghe.
Một hệ quả bất ngờ khác từ công cuộc “kiểm dịch quốc gia” này là sự cải thiện đáng kể chất lượng không khí - tất nhiên là tạm thời thôi. Một mặt, trong khi cuộc khủng hoảng Covid-19 đã và đang gây ra rất nhiều nạn nhân, thì việc giảm thiểu sự ô nhiễm không khí có thể sẽ cứu được nhiều mạng người hơn trong dài hạn. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm không khí có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn so với thời kỳ tiền dịch bệnh, trong chừng mực mà Đảng sẽ tìm cách không chỉ khởi động lại nền kinh tế, mà còn đẩy nó lên giới hạn tối đa để bù đắp cho thời gian đã mất. Nếu trường hợp này xảy ra, trong khi sự ổn định của nền kinh tế vẫn còn rất đáng lo ngại, thì các mối quan tâm về môi trường sẽ được đặt sang một bên.
CHÍNH SÁCH NỚI LỎNG TÀI KHÓA VÀ TIỀN TỆ THÊM MỘT THỜI GIAN NỮA
Như vậy, Đảng đã mở “hộp công cụ” chính trị của họ. Đảng đã triển khai những chương trình rộng lớn về nới lỏng tài khóa và tiền tệ nhằm giúp nền kinh tế Trung Quốc tồn tại trong thời gian khó khăn này. Thử điểm lại những biện pháp chính đã được thực thi.
Ngày 16 tháng 3, Ngân hàng Trung ương đã giải ngân 550 tỷ nhân dân tệ (79 tỷ USD) để bơm vào hệ thống tài chính của đất nước, sau khi đã giảm từ 50 đến 100 điểm cơ bản tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với những ngân hàng nào đã hoàn thành các mục tiêu tài trợ gộp, và giảm thêm 100 điểm cơ bản đối với một số ngân hàng cổ phần thương mại nhất định. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương cũng đã bơm 100 tỷ nhân dân tệ (14,3 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua các khoản tín dụng trung hạn, một trong những dấu hiệu tham chiếu chính để xác định lãi suất ưu đãi cho các khoản vay.
Cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng và bảo hiểm của đất nước, Ủy ban điều tiết hoạt động bảo hiểm và ngân hàng của Trung Quốc (CBIRC), đã cho phép tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ một thời hạn từ ngày 25 tháng 1 đến ngày 30 tháng 6, khoảng thời gian mà các khoản vay có thể được gia hạn mà không bị phạt. Về phần Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), họ đã công bố một dự thảo những quy định nhằm hợp lý hóa quy trình phát hành trái phiếu.
Về phần Hội đồng Nhà nước, họ đã tạm thời sửa đổi sự phân bổ thuế giữa chính quyền trung ương và các chính quyền cấp tỉnh hoặc dưới tỉnh, cho phép các chính quyền cấp dưới giữ thêm 5% [thuế] cho đến cuối tháng Sáu. Phân bổ này là vào khoảng 110 tỷ nhân dân tệ (15,72 tỷ USD) cho chính quyền các địa phương. Ngoài ra, Hội đồng Nhà nước cũng đã trao nhiều quyền hạn và quyền tự chủ hơn cho chính quyền các địa phương liên quan đến các vấn đề về quyền sử dụng đất đai. Các tỉnh và thành phố trực thuộc tỉnh có quyền độc lập đánh giá xem liệu đất nông nghiệp - không bao gồm “đất nông nghiệp canh tác lâu dài (永久基本农田) - có thể được sử dụng cho những mục đích khác. NDRC cũng đã công bố những đường lối chỉ đạo để giúp làm tăng mức cầu trong nước, ví dụ, giảm thiểu thuế quan nhập khẩu đối với một số sản phẩm nhất định và tăng hạn ngạch các biển số đăng ký xe ở những vùng có loại hạn chế này.
Chính quyền trung ương đã tăng các khoản đóng góp cho các chính quyền cấp tỉnh và dưới tỉnh về bảo hiểm y tế, dịch vụ y tế công cộng và bảo hiểm thất nghiệp, thêm 1.260 tỷ nhân dân tệ (180 tỷ USD) so với năm trước, nâng tổng số tiền lên 6.280 tỷ nhân dân tệ (897,24 tỷ USD). Các sở tài chính trực thuộc tỉnh và dưới tỉnh đã phân bổ tổng cộng 110,48 tỷ nhân dân tệ (15,78 tỷ USD) để hỗ trợ cho các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh. Về phần Bộ Tài chính Trung Quốc, họ đã trực tiếp đóng góp 25,75 tỷ nhân dân tệ so với năm trước. Cuối cùng, Hội đồng Nhà nước sẽ giải ngân gần một tỷ nhân dân tệ (142,87 triệu USD) dưới hình thức trợ cấp bảo hiểm xã hội thuộc phần chi trả của các doanh nghiệp, từ đó làm giảm gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp.
Tất nhiên, đây chỉ là một vài điểm nổi bật trong “kế hoạch” của Trung Quốc. Chúng ta phải chờ xem liệu xu hướng nới lỏng tài chính và tiền tệ này có tiếp tục diễn ra trong hầu hết thời gian của năm 2020 hay không, hoặc cho đến khi đại dịch được ổn định trên quy mô toàn cầu. Hiện tại, nếu các chương trình này cho chúng ta nếm trước mùi vị về những gì sắp xảy ra, chúng ta có thể chờ đợi năm 2020 sẽ là một năm mà Trung Quốc sẽ thực hiện những cải cách lớn về mặt cấu trúc. Hãy nhớ rằng Đảng, trong thời kỳ “phi thường”, trong quá khứ, đã biết vượt qua khó khăn để chứng minh khả năng cải cách của mình. Hãy cứ theo dõi tiếp.
Hà Lập Phong (1955-) |
Hiện nay, Đảng rất tự tin và tin vào các chương trình của mình, đến độ NDRC, do Hà Lập Phong (đồng minh người Phúc Kiến của Tập Cận Bình) lãnh đạo, đã công khai tuyên bố rằng nền kinh tế sẽ trở lại bình thường từ nay đến quý hai, khi các chương trình này dự kiến sẽ có hiệu lực đầy đủ. Tuy nhiên, những tuyên bố như thế làm cho người ta bối rối: hiểu thế nào là tình trạng “bình thường” ở đây? Liệu các tuyên bố đó có gợi ý rằng Đảng tin rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi ngay cả trong trường hợp mà nền kinh tế toàn cầu chưa phục hồi không? Trong mọi trường hợp, và mặc cho các chương trình nới lỏng quy mô lớn đó, Đảng vẫn quay lại với những thói quen cũ của mình: ném tiền vào một vấn đề cho đến khi nó biến mất.
Và vì những lẽ hiển nhiên, các chính phủ cấp tỉnh và dưới tỉnh đã phát hành tổng cộng 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (171,45 tỷ USD) trái phiếu trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2. Gần 70% các trái phiếu này đã được sử dụng để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, trong khi chỉ có 14% được tài trợ cho các dịch vụ “địa phương” (theo nghĩa ở cấp tỉnh và dưới tỉnh). Tuy nhiên, điều này có thể hiểu được theo quan điểm của Đảng: điều đặc biệt cần thiết là phải duy trì hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước lớn và nhân viên của chúng, và cách tốt nhất để làm là đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng.
LÀM CHUYỂN ĐỘNG CON TÀU TRUNG QUỐC
Nếu mục tiêu thực sự là đưa nền kinh tế thoát khỏi cái bẫy của sản xuất dư thừa và sự phụ thuộc quá mức vào các khoản đầu tư trong các dự án cơ sở hạ tầng - thứ, mà cuối cùng, thường chẳng phục vụ được gì mấy (những sân bay được xây dựng quá gần với nhau, các trạm tàu điện cao tốc TGV ở giữa hư không, v.v.) - thì Đảng sẽ phải triển khai những biện pháp mới để kích thích nền kinh tế trong thời kỳ chậm tăng trưởng. Tuy nhiên, vào lúc này, chúng ta đang trải qua một giai đoạn ngoại lệ, và có nhiều khả năng kiểu các chính sách keynesian này không đúng là những gì mà Trung Quốc cần đến để vực dậy nền kinh tế.
Vấn đề cơ bản vẫn nằm ở thực tế là Đảng đã rơi lại vào tình trạng tái nghiện và vẫn “nghiện” chu kỳ đầu tư tuần hoàn này - hàm ý các dự án cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, người ta còn tự hỏi tại sao Đảng, trong trường hợp đặc biệt này, đã không chọn cách đầu tư nhiều hơn vào các dịch vụ địa phương, thay vì điều hành mọi thứ từ trung ương. Tất nhiên, chúng ta có thể nói đến vấn đề bất tận về mối quan hệ giữa các tỉnh và chính quyền trung ương, về sự nghi kỵ lẫn nhau - đặc biệt từ chính quyền trung ương - vốn tồn tại giữa hai bên. Nhưng nếu mục tiêu dài hạn của Đảng là kéo nền kinh tế Trung Quốc theo hướng tiêu dùng trong nước và công nghiệp thứ ba [không trực tiếp sản xuất], thì họ phải bắt đầu bằng cách cải thiện mức cung, chất lượng và khả năng tiếp cận của các dịch vụ đó. Để làm điều này, Đảng phải mở lại hồ sơ gai góc về sự phân bổ thuế suất, một sự phân bổ vốn rất ủng hộ bộ máy trung ương kể từ năm 1994. Nếu cuộc khủng hoảng Covid-19 đã dạy chúng ta điều gì đó về tình trạng dịch vụ công ở Trung Quốc, thì đó chắc chắn là việc các dịch vụ công vẫn đang thiếu nguồn tài trợ và thiếu nhân sự (và những nhân sự có trình độ).
Hiện tại, Đảng cũng sẽ muốn duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, cho đến khi phục hồi nền kinh tế - đến lúc mà Đảng có thể nới lỏng và buông phần nào dây cương. Điều đó không có khả năng xảy ra vào năm 2020 và chiến thuật cũ là bơm tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng có thể là đủ.
Hơn nữa, các doanh nghiệp (và cả các doanh nghiệp nhà nước) đã phát hành tổng cộng 173,4 tỷ nhân dân tệ trái phiếu doanh nghiệp, được cho là được sử dụng để “ngăn chặn dịch bệnh”. Mặc dù không biết rõ chính xác “ngăn chặn dịch bệnh” nghĩa là gì, nhưng ý đồ cho phép các doanh nghiệp phát hành những trái phiếu như vậy là rõ ràng: để cho thị trường giải quyết các vấn đề về thanh khoản của các doanh nghiệp. Tất cả trở nên hiển nhiên khi các cơ quan điều tiết tài chính chính đã triển khai một quy trình tăng tốc cho những công ty nào muốn phát hành loại trái phiếu này. Người ta luôn thấy khích lệ khi Đảng chọn những cách tiếp cận theo định hướng thị trường nhiều hơn để giải quyết các kiểu vấn đề này.
Tuy nhiên, có một câu hỏi vẫn chưa có lời đáp: liệu các doanh nghiệp này có khả năng thanh toán các khoản nợ này hay không? Các trái phiếu đó, trong trường hợp bình thường, khi nền kinh tế thế giới không trong tình trạng khủng hoảng, sẽ thực sự không gây ra vấn đề quá lớn. Nhưng với tình hình hiện tại, tình hình mà nền kinh tế trong nước chỉ mới vừa bắt đầu hồi phục và phần còn lại của nền kinh tế thế giới đang sắp “đóng cửa”, thì người ta tự hỏi liệu các trái phiếu đó có làm tăng thêm những rủi ro dài hạn trong nội bộ hệ thống tài chính hay không. Nhưng có lẽ Đảng đã ngầm chấp nhận một sự thỏa hiệp như vậy: một thanh khoản ngắn hạn trên thị trường đối lại nhiều rủi ro hơn cho toàn bộ hệ thống tài chính.
Cuối cùng, đối với Đảng, mối quan tâm trước mắt là liệu các doanh nghiệp có gặp khó khăn trong việc phát hành trái phiếu nợ để đối mặt với vấn đề thanh khoản của họ hay không, bởi vì điều này có thể dẫn đến một làn sóng phá sản trên toàn quốc. Một tình huống như thế có thể là giọt nước làm tràn ly trong hệ thống tài chính Trung Quốc. Một hệ thống đã phải chịu đựng ghê gớm trong cuộc chiến thương mại, kỳ nghỉ Tết nguyên đán và cuộc khủng hoảng covid-19 hiện tại. Mặc kệ những quan ngại nói trên, việc cho phép các doanh nghiệp đang gặp khó khăn phát hành “ồ ạt” các trái phiếu nợ là cách tốt nhất để đưa ra một quyết định mạo hiểm, đặc biệt khi vào thời điểm hiện nay đại dịch đang tác động đến “người mua” phương Tây.
Giới thiệu tác giả
Alex Payette |
Alex Payette (Phd) là đồng sáng lập và CEO của tập đoàn Groupe Cercius, một công ty tư vấn về tình báo chiến lược và địa chính trị. Ông là cựu nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Nhân văn Canada (SSHRC). Ông tốt nghiệp tiến sĩ chính trị học so sánh thuộc Đại học Ottawa (2015). Các nghiên cứu của ông tập trung vào các chiến lược xây dựng sự vững chắc của Nhà nước-Đảng Trung Quốc. Cụ thể hơn, những công trình mới nhất của ông tập trung vào sự tiến hóa của các quá trình thể chế, cũng như vào sự tuyển chọn và đào tạo giới tinh hoa ở Trung Quốc thời đương đại. Các công trình này đã được đăng trên tạp chí Journal Canadien de Science Politique [Khoa học Chính trị Canada] (2013), tạp chí International Journal of Chinese Studies [Nghiên cứu Quốc tế về Trung Quốc] (2015/2016), tạp chí Journal of Contemporary Eastern Asia [Đông Á thời Đương đại] (2016), East Asia: An International Quarterly [Đông Á: Báo cáo quốc tế hàng quý] (2017), Issues and Studies [Các vấn đề và Nghiên cứu] (2011) cũng như Monde Chinois/Nouvelle Asie [Thế giới Trung Quốc/Châu Á mới] (2013/2015). Ông cũng đã đăng một bản chú thích nghiên cứu về “ai là những ứng cử viên tiềm năng” cho Bộ Chính trị TQ vào năm 2017, bài dành cho IRIS [Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược] – mục Asia Focus #3.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: La Chine après le coronavirus: la longue marche vers la reprise économique, Asialyst, ngày 05/04/2020.
Chú thích:
[*] Đặc biệt, giá thực phẩm, nằm trong chỉ số giá tiêu dùng, đã tăng 21,9% trong tháng Hai.↩