16.4.20

Virus Corona đã đánh thức trí tuệ tập thể của thế giới như thế nào


VIRUS CORONA ĐÃ ĐÁNH THỨC TRÍ TUỆ TẬP THỂ CỦA THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO
Mạng lưới năng lực các dự án Covid-19 trên nền tảng JOGL. Marc Santolini/JOGL, do tác giả cung cấp.
Khắp nơi trên thế giới, các nhà dịch tễ học, các nhà thực hành, các kỹ sư (và nhiều người khác) đang khai thác không mệt mỏi các dữ liệu về dịch bệnh để mô hình hóa diễn tiến của dịch, dự đoán tác động các can thiệp có thể hoặc phát triển những giải pháp cho tình trạng thiếu thốn các thiết bị y tế.
Họ tạo ra những mô hình và mã mở và được các phòng thí nghiệm khác sử dụng lại.
Giới nghiên cứu và sáng tạo đổi mới có vẻ như bị cuốn vào một sự cuồng nhiệt hợp tác và sáng tạo kiến ​​thức mở, mang tính lây lan không kém gì virus Corona.
Liệu đây có phải là “trí tuệ tập thể” nổi tiếng, được cho là để giải quyết những vấn đề lớn của hành tinh chúng ta hay không?
Khoa học, một mạng lưới được xây dựng trên vai của những người khổng lồ
Năm 1675 Newton đã viết: “Nếu tôi nhìn xa hơn, thì đó là bằng cách đứng trên vai của những người khổng lồ.”
Kể từ đó, việc thừa nhận di sản trí tuệ tập thể đó đã trở thành một tiêu chuẩn trong nghiên cứu khoa học. Ngày nay, trong khoa học và kỹ thuật, 90% các công bố khoa học đều được viết bởi các nhóm nhà nghiên cứu.
Trong ba thập kỷ qua, sự đăng quang của Internet và sau đó là của các mạng lưới xã hội đã góp phần xóa bỏ những hạn chế truyền thống của trí tuệ tập thể, của xã hội các “học giả” độc quyền đối với những tạp chí mà muốn truy cập thì phải trả tiền, thông qua sự lù mù của hệ thống tạp chí có bình duyệt.
Nghiên cứu học thuật sống bằng sự thuận lợi công nghệ và sự cởi mở chưa từng có tiền lệ, cho phép một đối tượng đa dạng các tác nhân tương tác với nhau một cách tức thì và có phân bổ. Chúng ta đang chứng kiến ​​một sự tăng trưởng, chưa từng có tiền lệ, các tạp chí với nguồn mở và các trang web lưu trữ các bài báo.
Bên ngoài hệ thống học thuật, còn có các cộng đồng phi định chế: các tin tặc, tin tặc sinh học hoặc thậm chí các nhà kiến tạo tự tổ chức trao đổi trực tuyến với nhau và tham gia vào nỗ lực tập thể để tạo ra kiến ​​thức. Chính mảnh đất màu mỡ này đã giúp tạo ra một phản ứng chưa từng có tiền lệ đối với cuộc khủng hoảng Covid-19.
Covid-19 đánh thức trí tuệ tập thể
Khi khởi đầu dịch bệnh, chúng ta đã thấy các nghiên cứu “truyền thống” tăng tốc và mở ra các phương tiện sản xuất của họ một cách đáng kể. Những tờ báo uy tín, như Science [Khoa học], Nature [Thiên nhiên],  The Lancet, vốn thường thu phí khi truy cập các bài báo của họ, đã mở quyền truy cập đối với những bài viết về virus Corona và Covid-19.
Dữ liệu về diễn tiến của dịch bệnh được cập nhật hàng ngày – ví dụ như các dữ liệu của Đại học John Hopkins là kết quả của một công trình mở và hợp tác và các dữ liệu đó đã được sử dụng lại gần 9.000 lần trên nền tảng hợp tác Github thông qua dự án của các bên thứ ba.
Kết quả các nghiên cứu được công bố ngay lập tức trên các máy chủ tiền-xuất bản với nguồn truy cập mở, hoặc trên trang web của các phòng thí nghiệm. Các thuật toán và trực quan hóa tương tác đều diễn ra dưới hình thức trực tuyến trên GitHub; video giáo dục và phổ biến trên YouTube.
Những con số làm chúng ta chóng mặt, với hơn 45.000 bài báo học thuật về chủ đề nói trên đã được đăng cho đến nay.
Léo Blondel
Thomas Landrain
Gần đây, đã xuất hiện các sáng kiến đại chúng, tập hợp nhiều tác nhân khác nhau, ngoài khuôn khổ các định chế, và sử dụng các nền tảng trực tuyến. Ví dụ, đã xuất hiện cộng đồng các nhà sinh học, các kỹ sư và các nhà phát triển trên nền tảng cộng tác Just One Giant Lab (JOGL), nhằm phát triển những công cụ với chi phí thấp và nguồn mở, chống lại virus. Nền tảng này, được chúng tôi thiết kế cùng với Léo Blondel (đại học Harvard) và Thomas Landrain (La Paillasse, PILI) trong ba năm qua, có thiên hướng trở thành một viện nghiên cứu ảo, nguồn mở và phân bổ trên hành tinh.
Nền tảng này cho phép các cộng đồng tự tổ chức nghiên cứu để mang lại những giải pháp sáng tạo cho các vấn đề khẩn cấp, đòi hỏi những năng lực cơ bản liên ngành cũng như những kiến ​​thức “thực địa”. Nó hoạt động như một yếu tố chủ chốt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp, bằng cách liên kết các nhu cầu và nguồn lực trong cộng đồng, hoạt náo xung quanh các chương trình nghiên cứu, và tổ chức các hoạt động mang tính thách thức.
Đặc biệt, việc sử dụng các thuật toán khuyến nghị giúp sàng lọc thông tin, để những người đóng góp có thể theo dõi hoạt động và những nhu cầu xác đáng nhất của cộng đồng, hợp lý hóa công cuộc hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trí tuệ tập thể.
Khi dự án đầu tiên gắn với Covid-19, một xét nghiệm chẩn đoán nguồn mở với chi phí thấp, ra đời bốn tuần trước, thì chúng ta đã chứng kiến một cơn sốt thực sự trên nền tảng đó. Số lượng đóng góp đã không ngừng tăng lên theo từng phút: hàng trăm cuộc tương tác, thành lập dự án, trao đổi... đến mức máy chủ lưu trữ nền tảng bị quá tải! Chỉ trong vòng một tháng, đã có hơn 60.000 lượt người viếng đến từ 183 quốc gia, trong đó có 3.000 người đóng góp tích cực tạo ra hơn 90 dự án, từ việc thiết kế các mặt nạ bảo hộ y tế đến các nguyên mẫu thông gió chi phí thấp.
Cộng đồng rộng lớn này đã nhanh chóng tự tổ chức thành các nhóm làm việc nhỏ, pha trộn nhiều năng lực và lĩnh vực đa dạng: các nhà dữ liệu khoa học từ các doanh nghiệp quy mô lớn, các nhà nghiên cứu nhân học, các kỹ sư và nhà sinh học đang đồng hành với nhau như thế trong vũ trụ ảo này. 
Người tích cực nhất, nữ điều phối viên mới nổi của cộng đồng thậm chí hóa ra là... một nữ học sinh trung học 17 tuổi đến từ Seattle! Giờ đây, sáng kiến này là một chương trình nghiên cứu toàn phần, OpenCOVID19, với 100.000 euro tiền tài trợ từ Quỹ Nghiên cứu Axa để phân bổ lại cho các dự án mới nổi, trên một hệ thống tạp chí có bình duyệt của cộng đồng, trong quan hệ đối tác với AP-HP (L'Assistance publique-Hôpitaux de Paris, Trung tâm y tế vùng Paris-Ile de France – ND) để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá và xác nhận những thiết kế được sử dụng ở các bệnh viện và nhiều hướng sử dụng chính khác: chẩn đoán, phòng ngừa, điều trị hoặc phân tích dữ liệu và mô hình hóa.
Bản đồ các năng lực được người tham gia chia sẻ trên nền tảng JOGL liên quan đến các dự án Covid-19, và các tương tác của họ. Marc Santolini, JOGL, CRI, do tác giả cung cấp.
Công tác tự tổ chức các cộng đồng là đặc điểm riêng của thế giới nguồn mở và nguồn gốc của những dự án to lớn như Linux. Ngày nay, nó đã trở nên hiển nhiên trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu và đa ngành, đặt sự đa dạng các năng lực phục vụ cho sự phức tạp.
Trí tuệ tập thể là gì?
Nếu chúng ta có thể đo trí thông minh của cá nhân thông qua hiệu suất hoàn thành nhiều nhiệm vụ khác nhau để từ đó xây dựng “chỉ số thông minh” cá nhân (chỉ số IQ nổi tiếng), thì tại sao không đo trí thông minh của một nhóm người từ hiệu suất hoàn thành các nhiệm vụ tập thể của họ?
Năm 2010, các nhà nghiên cứu đã chứng minh sự tồn tại của một “nhân tố c”, trí tuệ tập thể tiên đoán hiệu suất hoàn thành nhiều nhiệm vụ khác nhau của nhóm.
Nếu một nhóm muốn phát huy tối đa trí tuệ tập thể của nhóm, thì nhóm không cần phải tập hợp những người có chỉ số IQ cao. Vấn đề là sự nhạy cảm xã hội của các thành viên, tức là khả năng tương tác hiệu quả, khả năng tham gia phát biểu công bằng trong các cuộc thảo luận, hoặc sự đa dạng của các thành viên, đặc biệt là tỷ lệ phụ nữ trong nhóm.
Nói cách khác, một nhóm thông minh không phải là một nhóm được tạo thành từ những cá nhân thông minh, mà là từ nhiều cá nhân khác nhau, tương tác một cách thoả đáng. Và các tác giả kết luận: “Có vẻ như dễ làm tăng trí thông minh của một nhóm hơn là trí thông minh của một cá nhân. Liệu có thể làm tăng trí tuệ tập thể, ví dụ, nhờ vào những công cụ cộng tác trực tuyến tốt hơn hay không?”
Đó là tinh thần khi thiết lập nền tảng JOGL: chúng ta có thể đánh giá, theo thời gian thực, diễn tiến của cộng đồng và tiến độ của các dự án, giúp triển khai một sự phối hợp tốt hơn đối với nhiều chương trình nghiên cứu khác nhau, trong đó, tất nhiên, có các chương trình nghiên cứu về Covid-19.
Dữ liệu cũng cung cấp một thước đo định lượng những cách “thực hành tốt” tạo điều kiện thuận lợi cho trí tuệ tập thể, cho phép tiến hành những nghiên cứu cơ bản dựa trên những sự hợp tác mà chúng tôi đang xúc tiến trong nhóm nghiên cứu của tôi tại Trung tâm nghiên cứu liên ngành ở Paris. Trên thực tế, bằng cách vận dụng các công cụ của khoa học mạng, chúng tôi đang nghiên cứu cách thức các động thái hợp tác này làm nền tảng cho sự tiến bộ của kiến ​​thức.
Thức tỉnh phù du hay biến động dài hạn?
Làm thế nào để những cuộc cách mạng như thế này có thể kéo dài? Nếu có một bài giảng mà chúng ta học được từ sự kiện “hackathon [ngày hack]”, những sự kiện này triển khai các nguyên lý của trí tuệ tập thể để tạo ra những dự án trong vòng một hoặc hai ngày, thì đó là, với thời gian, sẽ rất khó để ổn định hoạt động của các dự án trên, sau thời kì sôi động của sự kiện.
Ngay cả khi còn quá sớm để đưa ra kết luận về vấn đề này trong trường hợp của OpenCOVID19, thì có rất nhiều đường hướng để suy nghĩ về tương lai của những hợp tác đại chúng như vậy.
Một điểm chung của các cộng đồng, đang nhanh chóng trở nên rộng lớn hơn, là chúng ta nhanh chóng bị thất lạc trong đó! Chúng ta sẽ liên hệ với ai để giải quyết một vấn đề nào đó hoặc trả lời một câu hỏi nào đó? Giải pháp: “kiến trúc gây chú ý”, giúp hướng dẫn cá nhân đến đúng nơi mà tài năng của họ phù hợp nhất với tiến độ của dự án. Nói cách khác, chính trong các hệ thống khuyến nghị, cũng chính là các thuật toán từng tạo nên thành công của các mạng xã hội như Twitter, Instagram hay Facebook, mà các cộng đồng có thể tìm ra lời giải được liên tục tìm kiếm cho câu hỏi trên.
Kiểu tiếp cận như vậy, dựa trên các nguyên tắc nền tảng của khoa học nhóm và khoa học mạng, cho phép sử dụng những dấu vết kỹ thuật số do cộng đồng để lại (các cuộc tương tác, thảo luận, các dự án đã hoàn thành, các năng lực đã tuyên bố) để trình bày, trong một luồng các hoạt động, ai sẽ là người tốt nhất để liên hệ, dự án nào xác đáng nhất để giúp đỡ, hoặc nhiệm vụ hợp lý nhất để tiến hành sau đó.
Ở trung tâm kiến ​​trúc của JOGL, những thuật toán như vậy có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc gặp ngẫu nhiên đó cuối cùng chứng tỏ một cách bất ngờ là có lợi cho một dự án.
Việc phát triển những thuật toán khuyến nghị như vậy, vì lợi ích của sự hợp tác đại chúng, đòi hỏi sự đóng góp của nhiều ngành khác nhau, từ khoa học máy tính đến khoa học xã hội, qua đến toán học hoặc đạo đức học. Cuối cùng, tương lai của trí tuệ tập thể quay lại với chính mình: bởi vì đúng là trí tuệ tập thể sẽ phải phục vụ cho tương lai của chính mình.
Marc Santolini
Tác giả
Nghiên cứu viên, UMR1284 INSERM và Đại học Paris tại CRI, nhà nghiên cứu khách mời tại Trung tâm Nghiên cứu Mạng phức tạp (đại học Northeastern University), và đồng sáng lập phòng thí nghiệm One Giant Lab, Đại học Paris.
Tuyên bố công khai
Marc Santolini là nhà đồng sáng lập và Giám đốc nghiên cứu của phòng thí nghiệm Just One Giant Lab.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF