16.4.20

CORONA: Một hồi chuông cảnh tỉnh?

CORONA: MỘT HỒI CHUÔNG CẢNH TỈNH?
Tác giả: Tôn Thất Thông
Chỉ vì một con vi-rút nhỏ xíu mà bỗng dưng mọi hoạt động xã hội ngưng đọng, kinh tế đình trệ, con người bị giam lỏng trong nhà, nhiều người lao động nhìn về tương lai như nhìn một chân trời vô định. Chỉ trong vòng vài tháng, thiệt hại kinh tế thế giới lên đến vài ngàn tỉ đô-la, gần một tỉ người lao động cấp thấp mất nguồn thu nhập, đấy là chưa kể làn sóng nợ nần, công cũng như tư, sẽ trào lên như thủy triều trong vài tháng tới. Đây không phải là một cuộc khủng hoảng chính trị, hay kinh tế, hay tài chánh, mà là cuộc khủng hoảng ngừng trệ toàn diện, có lẽ là khủng hoảng lớn nhất của thế hệ chúng ta. Vì đâu đến nỗi này? Có phải giới tinh hoa thiếu năng lực phán đoán để phòng ngự? Không hẳn là thế. Bài tiểu luận này đưa ra vài phán đoán dựa vào một trong nhiều góc nhìn khác nhau về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng.
***
Peter Daszak
Trong thời gian 20 năm qua, chúng ta đã gặp phải một vài đại dịch tương tự như Sars, Mers, Ebola. Qui mô của chúng tuy không lớn như cuộc khủng hoảng Covid-19 lần này, nhưng tính chất và nguyên nhân thì giống nhau. Ngay cả trước đây hàng nửa thế kỷ, giới khoa học đã định danh được động lực thúc đẩy đến thảm họa tương tự, nhưng kết luận của họ đều bị phớt lờ hoặc bác bỏ. Một vài vị nguyên thủ ích kỷ còn cho là “hoax”. Ngay cả các cảnh báo của chuyên gia về nguy cơ đại dịch toàn cầu có thể sẽ xảy ra đều được chính phủ các nước đón nhận như gió thoảng qua tai. Nhà nghiên cứu Peter Daszak của Eco Health Alliance ở New York thì tố cáo không úp mở: “chính chúng ta là nguyên nhân của tất cả các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai” [Irmer].
Phá hoại môi trường và sự lây lan của vi-rút
Các nhà vi trùng học đã báo động nhiều lần rằng, từ các trận dịch Sars, cho tới Mers và bây giờ là Covid-19, nguyên do đều xuất phát từ các chủng loại vi-rút thuộc gia hệ Corona. Nhưng chúng chỉ là nhóm tiền phong của một đội quân khổng lồ có hàng ngàn chủng loại khác nhau. Các chủng loại vi-rút này đang tồn tại trong các loài động vật hoang dã, mà chính cách hành xử của chúng ta, về khía cạnh kinh tế cũng như xã hội, đã xâm nhập vào môi trường sống của đội quân vi-rút này. Đó chính là nguyên nhân đã mở đường cho vi-rút tấn công con người.
Chuyên gia dịch tễ chỉ ra rằng, điều này có nguyên do sâu xa từ việc phá rừng khủng khiếp cộng thêm việc mở rộng đất đai canh tác để cung ứng thực phẩm và nông sản cho loài người vốn đã tăng lên gấp đôi từ 3 tỉ người năm 1960 đến 7,7 tỉ vào đầu thế kỷ 21 [McCarthy]. Vi-rút vốn là một loài phi-sinh-vật, không có ý định làm khó dễ con người, mà chúng chỉ cần một môi trường thích hợp để sinh tồn. Vì thế, vi-rút có thể có sẵn ở một loài động vật này, lúc khác thì nhảy qua một loài động vật khác, nếu ở đó chúng tìm được môi trường sinh sản. Quá trình lan tỏa này đã xảy ra hàng vạn năm trước và còn tiếp tục xảy ra, nếu như con người không xâm phạm vào quá trình tiến hóa của chúng.
Dirk Pfeiffer
Giáo sư dịch tễ của đại học Hồng Kông, Dirk Pfeiffer cho rằng, “đó là chuyện hết sức tự nhiên, khi sự lan tỏa này luôn xảy ra từ môi trường này qua môi trường khác. Nhưng vì hoạt động của con người trong suốt thế kỷ qua đã thay đổi mọi chuyện. Chúng ta đã tạo nên một tình trạng mất cân đối trong thiên nhiên, đã tiến đến quá gần các khu rừng và phá hủy môi trường sống của động vật hoang dã vốn đã mang sẵn các mầm bệnh mà chúng ta chưa biết. Chúng ta đã thay đổi hành tinh này theo cách thức thuận lợi nhất để làm tiền và phục vụ cho một cuộc sống vật chất thừa mứa. Nhưng chính bằng cách làm đó, chúng ta đã tạo ra một môi trường vô cùng thuận lợi khả dĩ cho các mầm bệnh từ động vật hoang dã lây sang con người” [McCarthy].
Chúng ta cũng đừng quên rằng, trong 100 năm qua, với việc phá rừng, sử dụng bừa bãi hóa chất, chăn nuôi công nghiệp ở mức đại trà, con người đã tiêu diệt hơn nửa triệu loài sinh vật trên trái đất, từ các loài thú vật quí hiếm đến vô vàn loại côn trùng nhỏ bé. Sự đa dạng trong hệ sinh thái tồn tại từ trước đã tạo thế cân bằng trong thiên nhiên, đồng thời đó cũng là môi trường sống của rất nhiều chủng loại vi-rút. Khi môi trường sống bị phá hủy, thì tất yếu vi-rút phải kiếm đường thay thế. Con người đã bước vào quĩ đạo của vi-rút một cách vô thức. Thêm vào đó, việc khai thác và buôn bán động vật hoang dã với doanh thu nhiều tỉ đô-la mỗi năm đã lót đường cho việc lây lan xảy ra dễ dàng hơn. Những bức hình chụp từ chợ thú rừng ở Vũ Hán hoặc ở Nam Dương, nơi người và thú vật tiếp cận với nhau hàng ngày, cũng cho chúng ta một hình dung cụ thể.
Chợ động vật hoang dã. Ảnh: Ronny Adolof Buol/Sijori Images via ZUMA Wire/REX/Shutterstock
Nhà sinh vật học của đại học Ulm, Simone Sommer cho rằng, tất cả các loài động vật đều đang sống chung hòa bình với ít hoặc nhiều loại vi-rút và các chất kích thích khác. Chúng đang tồn tại ở đó và tương thích với môi trường sống, ngày nào cả hai bên không phá hoại lẫn nhau [Irmer]. Trong một hệ sinh thái cân bằng, sự tiến hóa sẽ xảy ra rất tự nhiên. Nhưng khi môi trường bị phá hủy, một số không gian sống bị thu hẹp và một số khác được tạo thêm. Trong các không gian mới thành hình đó, chỉ còn tồn tại những vi-rút có khả năng thích ứng cao, với mã di truyền đã thay đổi để phù hợp với môi trường mới. Giới chuyên gia vi trùng học gọi chúng là các loài vi-rút vạn năng (Generalists) cực kỳ nguy hiểm.
Christine Kreuder Johnson
Simone Sommer
Giám đốc One Health Institute ở Mỹ, Christine Kreuder Johnson kết luận trong đề án nghiên cứu được phổ biến trên Proceedings of the Royal Society rằng, “việc lan tỏa vi-rút từ thú vật sang con người có nguyên nhân từ hành động của chúng ta liên quan đến thú vật hoang dã và môi trường sống của chúng. Hậu quả tất yếu là chúng phải san sẻ các loại vi-rút cho chúng ta. Với một tổng hợp bất hạnh của nhiều yếu tố, điều đó đã mang chúng ta đến thảm họa hôm nay” [The Guardian]. Cũng trong bài nghiên cứu đó, bà Johnson cho biết rằng, các loài động vật hoang dã có khả năng thích ứng với môi trường sống của con người cũng truyền nhiều loại vi-rút sang chúng ta. Thú vật gặm nhấm, dơi, các loài có chân – vốn dĩ thường sống gần con người chung quanh các nông trại sau khi môi trường sống của chúng bị phá hủy – là nơi chứa gần 75% của tất cả các loại vi-rút. Chỉ riêng loài dơi đã có nhiều liên quan đến các đại dịch trong 20 năm qua như Sars, Mers, Ebola.
Việc phá rừng, săn bắn, mở rộng diện tích trồng trọt, chăn nuôi công nghiệp vô tội vạ đã đưa vi-rút trong động vật hoang dã ngày càng gần con người hơn. Để thay thế môi trường sống đã bị con người cướp mất, động vật hoang dã phải tiến vào các vùng gần dân cư, thí dụ như trang trại, kho chứa nông sản. Chúng còn ăn hoa trái và để lại vi-rút trên trái cây, một con đường lý tưởng để chuyền qua gia súc và con người. Thêm vào đó, sự triệt giống của nhiều loại động vật và côn trùng làm môi trường sinh sản của vi-rút ngày càng thu hẹp. Trong bối cảnh đó, vi-rút phải thay đổi mã di truyền để thích ứng với môi trường mới, thậm chí còn phát triển nhiều khả năng mới có năng lực cao hơn. Sự tiến hóa đó càng làm tăng thêm nguy cơ của các vi-rút ngày càng nguy hiểm như Covid-19 lan tràn ra ngoài. Gần 200 tổ chức liên quan đến động vật hoang dã, trong đó có International Fund for Animal Welfare, trong một bản thông cáo chung đã chỉ ra rằng, các bệnh truyền nhiễm liên quan đến động vật hoang dã đã gây bệnh cho gần hai tỉ người mỗi năm với hơn hai triệu người chết [The Guardian].
Tư duy “tăng trưởng không ngừng” bằng mọi giá
Những điều nói trên đã được các chuyên gia môi trường, vi trùng học và dịch tễ học liên tục cảnh báo trong suốt nhiều thập niên qua. Các nghiên cứu công phu của họ vẫn có đầy rẫy trong các thư viện. Ngay cả WHO cũng cảnh báo rằng, thế kỷ 21 sẽ là “một trường thiên lịch sử của các thảm họa” [McCarthy]. Thế nhưng đại dịch vẫn chưa được quốc gia công nghiệp nào lưu ý. Tại sao? Chúng ta hãy nhìn về quá khứ: Sars xảy ra năm 2002 chủ yếu tại Trung Quốc và Hồng Kông với thiệt hại tương đối giới hạn chủ yếu trong vùng châu Á và một ít ở châu Mỹ. Mers xảy ra nhiều đợt suốt gần bốn năm, chủ yếu tại Trung Đông nhưng các tâm dịch chưa chạm đến ngưỡng cửa thế giới công nghiệp phương Tây. Ebola thì khổ thay, nó tìm đến những nước nghèo nhất của châu Phi, ở vùng đất ta tạm gọi là “lục địa bị bỏ quên”, và Ebola cũng nhanh chóng trở thành biến cố bị bỏ quên trên truyền thông đại chúng. Cho nên, những bài báo cáo xuất sắc nhất của chuyên gia môi trường và dịch tễ cũng chưa lay chuyển được tư duy của các chính trị gia hàng đầu, những người vốn xem sự tăng trưởng không ngừng GDP là thước đo của sự thành công, nhờ thế, lá phiếu cử tri mới được tăng lên. Với Covid-19 bây giờ, các tâm dịch đã đến trước ngõ chúng ta, đã chạm đến các thủ đô quyền lực của thế giới công nghiệp. Có lẽ nhờ thế, thời gian tới chúng ta sẽ chứng kiến những thay đổi tận gốc nền chính trị của các quốc gia công nghiệp. Vài chục ngàn người tử vong có thể không là gì đối với một vài nguyên thủ thực dụng với tư duy “kinh tế là trên hết”, nhưng việc GDP giảm xuống 10% sẽ làm cho họ mất ngủ mất ăn. Thay đổi tận gốc sẽ là điều tất yếu. Muộn lắm rồi, nhưng vẫn còn hơn không!
Jürgen Zimmerer (1965-)
Khi nói về tác động tai hại của năng lượng than lên môi trường, giáo sư lịch sử đại học Hambug, Jürgen Zimmerer đã chỉ ra rằng, “… ở nước Đức chúng ta cũng thế, người ta vẫn chưa nói rõ ràng rằng, không chỉ về than mà còn là ý thức hệ về sự tăng trưởng không ngừng. Đó là một hệ tư tưởng gần như không thể bị phản bác, mặc dù logic của con người cho thấy rằng, sự tăng trưởng không ngừng, vốn dựa trên nền tảng của sự tiêu thụ tài nguyên không giới hạn, là điều không thể đạt được, khi tài nguyên trên hành tinh này là hữu hạn” [Zimmerer]. Tài nguyên hữu hạn của hành tinh không thể đáp ứng nhu cầu vô hạn của việc tăng trưởng không ngừng: Một logic giản dị như vậy mà các nước công nghiệp hàng đầu chưa chấp nhận nó hàng nhiều thập niên nay. Không chỉ các kinh tế gia cao cấp trong mọi quốc gia, mà cả những người tiêu thụ đầu cuối như chúng ta, đều vui mừng khi tăng trưởng GDP được nâng lên mỗi năm, và sẽ bất mãn khi tăng trưởng trong năm giảm xuống. Cái nghịch lý “tăng trưởng không ngừng đối mặt với tài nguyên ngày càng cạn kiệt”, buồn cười thay, ít người xem nó là ung nhọt của mọi nền kinh tế cần được chữa trị. Nếu chúng ta đã kiếm được tài nguyên phong phú từ một hành tinh khác, thì cái nghịch lý đó cũng tạm thời chấp nhận được. Nhưng đã kiếm được chưa?
Bao giờ mới kiếm được tài nguyên từ một hành tinh khác? Suốt cả thế kỷ nay, tại sao chúng ta dung dưỡng một nghịch lý hiển nhiên như thế? “Chính tình-trạng-được-yên-ổn trước các hậu quả của việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và chủ nghĩa tư bản lãng phí với hàng hóa tiêu thụ thừa mứa, khiến cho công dân của các nước công nghiệp giàu có khó lòng đưa ra kết luận cần thiết từ cuộc khủng hoảng môi trường. Làm thế nào bạn sẵn sàng chấp nhận việc thay đổi đường lối, nếu mọi thứ cho đến nay đều diễn ra tốt đẹp? Tại sao người ta phải giữ khoảng cách với hệ tư tưởng tăng trưởng không ngừng đang tốt đẹp, nếu những hệ lụy về kinh tế, xã hội và chính trị của nó xảy ra ở một nơi xa xôi khác?” [Zimmerer]. Cái giá của tư duy tư bản chủ nghĩa mang bản chất thực dân đó vẫn được gánh chịu bởi con người và thiên nhiên ở những nước nghèo, nghèo nhất thế giới. Đó là những nước châu Phi ở phía nam sa mạc Sahara, là những khu rừng già thuộc thổ dân Nam Mỹ, là những vùng rừng già nhiệt đới ở Đông Nam Á. Ở đó, người ta phải phá rừng để kiếm tiền sinh sống, để bán tài nguyên thiên nhiên cho các nước giàu có với giá rẻ, mà người mua từ các nước giàu thì hành xử theo logic “thuận mua vừa bán”, nhưng thực chất đó chỉ là logic và nghệ thuật thương lượng của người nắm đầu chuôi, là đồng tiền.
Xã hội chúng ta đã bị cai trị bởi đồng tiền, bởi những người luôn giương cao ngọn cờ “tăng trưởng không ngừng” và quyến rũ chúng ta vào trò chơi đó với huyền thoại “tăng trưởng phồn vinh”, thậm chí lôi kéo chúng ta tiêu thụ không ngừng để kích thích kinh tế. Và chúng ta đã hân hoan tham dự vào trò chơi đó với ảo tưởng như đang làm cho phồn vinh xã hội được nâng cao. “Từ những thập niên 1970, 1980 chúng ta chứng kiến sự vươn dậy của chủ nghĩa tân tự do. Họ là những người sống với giáo điều chủ đạo cho rằng, con người bản chất là ích kỷ. Các định chế trong xã hội cũng được thiết lập trên tinh thần đó, từ nhà trường đến chính sách lao động và cả nền dân chủ nói chung” [Rutger].
Quan hệ giữa chính quyền và giới kinh tế trong nửa thế kỷ qua rõ ràng không lành mạnh. Chính quyền không đóng đúng vai trò quan trọng như bản chất thực sự của nó, mà chỉ là công cụ phục vụ cho học thuyết “tăng trưởng không ngừng”. Giờ đây, đứng trước sự hủy hoại vô tiền khoáng hậu do vi-rút Covid-19 gây ra, chính phủ mới đóng đúng vai trò, làm người điều khiển mạnh mẽ có uy quyền trong tinh thần phục vụ cho đời sống của người dân, cho dù các biện pháp đưa ra có phù hợp với lòng ích kỷ của giới tinh hoa kinh tế hay không. Để làm những quyết định đi ngược với việc tăng trưởng kinh tế, trong quá khứ có lúc cần cả 10 năm và nhiều cuộc bút chiến, giờ đây nhà nước đạt được trong vòng vài ngày. Thật nực cười, phải nhờ một con vi-rút vô tri để đạt được điều đó. Trong đời sống gò bó tạm thời và sống chậm của việc cách ly, chúng ta mới nhận chân ra rằng, bản chất ích kỷ phải nhường chỗ cho sự đoàn kết gắn bó với nhau, và phát triển kinh tế phải nhường chỗ cho những hoạt động khác phục vụ cho cộng đồng. “Nếu chúng ta nghĩ đến môi trường, thì rõ ràng rằng, sau đại dịch, chúng ta phải bắt đầu lại từ đầu, phải làm việc cật lực cho nhiệm vụ lớn lao nhất của thời đại là bảo vệ môi trường. Và để lãnh đạo cả xã hội vượt qua mọi thách thức của sự biến đổi khí hậu, chúng ta cần một nhà nước có nhiều hoài bão” [Rutger].
Chúng ta có thể chờ đợi gì?
Lidewij Edelkoort (1950-)
Trên đây là chuyện to lớn của những quan chức nắm trách nhiệm về đại sự. Nhưng chúng ta trong vòng cá nhân nhỏ hẹp và quan hệ gần gũi, qua trải nghiệm Covid-19, có lẽ chúng ta cũng sẽ nhận thức thêm vài điều mới mẻ, những nhận thức mà chúng ta đã bỏ quên không nghĩ đến trong đời sống bon chen vội vã. Biết đâu, nhờ đại dịch mà chúng ta tìm lại được chính mình như một sinh vật có ý thức? Nhà cố vấn thời trang và xu hướng tương lai tiếng tăm người Hà Lan, Lidewij Edelkoort nhận xét rằng, “đại dịch buộc chúng ta sống chậm lại, từ chối đi máy bay, làm việc ở nhà, vui thú trong vòng gia đình gần gũi, học cách sống tiết độ và tỉnh thức. Bỗng nhiên các cuộc biểu diễn thời trang trở nên lố bịch và lạc lõng, các quảng cáo trực tuyến dường như dị hợm và đến không đúng chỗ, đúng lúc… Mỗi một ngày chúng ta nghi ngờ một hệ thống chúng ta đã quen từ nhỏ, và bắt buộc phải xem xét đến khả năng cáo chung của chúng” [Edelkoort].
Từ trạng thái tỉnh thức đó, chúng ta sẽ xem xét lại toàn bộ phong cách chúng ta đã sống, tiêu thụ và giải trí. Có thể chúng ta sẽ học cách hài lòng với thời trang đơn giản, với nội thất bình dị, thay vào đó sẽ chú trọng hơn về chuyện trau dồi văn hóa, hoặc làm những chuyện ích lợi cho cộng đồng và môi trường. Có phải chúng ta đã hoang phí vô độ trong cái vòng xoáy “tiêu thụ bừa bãi để kích thích tăng trưởng không ngừng”? Mốt thời trang, siêu xe có còn quan trọng nữa không, khi chúng ta đã từng chạy đôn chạy đáo để mua một cuộn giấy vệ sinh? Và nói cho cùng, chạy theo mốt thì biết bao giờ mới đạt sự thỏa mãn hoàn toàn, khi một mảnh protein nhỏ xíu của vi-rút có thể cướp mạng sống của chúng ta? Rồi có thể đến một lúc, những thứ đang sở hữu sẽ không làm cho chúng ta khoan khoái khi mỗi lần mang ra ngắm nghía. Thay vào đó, một dịp đoàn tụ gia đình, một buổi tối thưởng thức hòa nhạc có thể làm cuộc sống chúng ta hạnh phúc hơn. Nếu được thế thì sự tỉnh thức được khám phá trong thời gian cách ly xã hội trong đại dịch có thể là một vốn quí không dễ tìm. Qua tình trạng tỉnh thức này, có thể chúng ta sẽ xem sự hiểu biết, đạo đức xã hội, lòng thương người còn quí giá hơn những thứ vật chất và hào nhoáng tầm thường mà chúng ta đã từng chạy theo một cách vô thức.
Từ cuộc sống chậm trong thời đại dịch, “chúng ta sẽ có một trang giấy trắng cho một sự khởi đầu mới, tại vì hàng loạt doanh nghiệp và tiền sẽ biến mất trong quá trình sống chậm. Tái khởi động và tái định hướng đòi hỏi nhiều dũng cảm và sâu sắc để xây dựng một nền kinh tế mới với những giá trị khác và phương cách chúng ta xử lý việc sản xuất, chuyên chở, phân phối và bán lẻ” [Edelkoort]. Các kinh tế gia hàng đầu sẽ phải xét lại lý thuyết của mình vốn dĩ đã chi phối tư duy các nước giàu có suốt một thời gian dài sau thế chiến II. Bảo vệ môi trường có lẽ sẽ tiến lên mặt tiền trong công cuộc phát triển xã hội. Toàn cầu hóa – vốn là động lực của tăng trưởng và phồn vinh – chắc hẳn sẽ mang một diện mạo khác hẳn trước đây. Quan hệ kinh tế quốc tế sẽ phải được xem xét lại để chuẩn bị cho một đại dịch khác trong tương lai. Tình đoàn kết và hợp tác vô vị lợi trong xã hội cũng như giữa các quốc gia sẽ được coi trọng như những giá trị mới vừa được khám phá; và nhiều hiệu ứng tích cực to lớn khác. Nhưng hãy tỉnh táo xem chừng các hiệu ứng tiêu cực: các biện pháp kiểm soát cá nhân bằng phương tiện hiện đại internet và điện thoại thông minh để phòng dịch cần phải nhanh chóng gỡ bỏ kịp thời sau trận dịch. Nếu không, chúng ta sẽ tự nguyện bước vào một chế độ kiểm soát toàn diện con người, chúng ta sẽ bị kiểm soát bất kỳ ở đâu, bất kỳ giây phút nào, hay nói khác đi, chúng ta sẽ đồng ý một cách vô thức sự chuyển đổi từ “kiểm soát qua làn da” đến “kiểm soát dưới làn da” [Harari], cách mà hiện nay, các “tracking apps” đang được áp dụng để phòng dịch.
Christian Walzer
Trên bình diện hẹp, có thể chúng ta sẽ biết yêu và có trách nhiệm hơn với môi trường, sẽ biểu lộ trách nhiệm đó bằng hành động cụ thể để bảo vệ sự trong sạch của hành tinh chúng ta đang sống. Cuộc khủng hoảng Corona chỉ cho ta thấy rằng, nhân loại đang đứng trước một bước ngoặt  lớn: chúng ta phải kịp thời bảo tồn không gian sống còn lại của thiên nhiên, đặc biệt là các khu rừng nhiệt đới trong đó còn vô vàn sinh vật trú ẩn vốn dĩ đang là môi trường sống cần thiết của hàng ngàn loại vi-rút. Bảo vệ thiên nhiên đó chính là tự bảo vệ cho bản thân mình. Đó không phải là một dự phóng lãng mạn, mà là điều kiện cần để sinh tồn. Bác sĩ thú y Christian Walzer phát biểu với niềm lạc quan dè dặt: “Thế giới nay mai của chúng ta sẽ khác hẳn thế giới mà chúng ta biết cách đây ba tháng” [Irmer].
Bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu có thể sẽ trở thành ý thức sống động trong mỗi con người, khi chúng ta biết rõ nguyên nhân và bản chất của việc vi-rút lây lan. Ý thức đó đi kèm với hoạt động cụ thể có thể tạo nên một sức mạnh mới thúc đẩy giới tinh hoa chính trị đưa ra những chính sách phù hợp. Như Peter Daszak đã nói, chúng ta cần suy nghĩ về đại dịch theo phong cách giống như ta nghĩ về biến đổi khí hậu. Sự biến đổi đó là mối đe dọa chết người cho chúng ta, nhưng là một loại đe dọa mà chúng ta có thể kiểm soát được, vì chúng ta chính là người đã tạo ra nó [McCarthy]. Về căn bản, đại dịch Covid-19 không phải là đại dịch cuối cùng mà chúng ta phải đối mặt! Nếu không phòng ngự gì hết, một đại dịch tương tự sẽ xảy ra, có thể sau 10 năm, nhưng cũng có thể sau vài ba năm.
Gaël Giraud (1970-)
Trong đại dịch Covid-19 này, dù dân nghèo hay tỉ phú, trẻ hay già, người bình dị hay siêu sao, dân thường hay nguyên thủ quốc gia, vi-rút đều xem như nhau, chúng có thể tấn công nặng nhẹ hay dẫn đến tử vong. Chúng không hề phân biệt ai là ai, mọi người đều bình đẳng. Và đối với vi-rút, dường như mọi người mọi giới đều có chung một tâm trạng như nhau: sợ hãi, lo âu. Nhưng phải chăng nhờ nỗi sợ hãi đến bất chợt quá nhanh mà chúng ta mới thấy sự mong manh và phi lý của kiếp người, sự phi lý mà chúng ta đã chấp nhận một cách vô thức, và đã đến lúc cần phải tìm cách ra khỏi vòng đời phi lý đó. Trên bình diện rộng, hành tinh của chúng ta đang tồn tại như một con bệnh. Phải chăng, đôi khi đến tình trạng thập tử nhất sinh, những người cầm cân nẩy mực mới chịu đưa con bệnh đến lương y? Hy vọng hàng chục ngàn mạng sống sẽ không hoài phí để đánh thức lương tri của những lãnh đạo chính trị trong nỗ lực tạo dựng một thế giới mới hài hòa sau đại dịch.
Để kết luận, xin mượn lời của vị giáo sư đại học bách khoa Paris, Gaël Giraud: “… tôi muốn hy vọng rằng đại dịch hiện nay sẽ là cơ hội để chúng ta thay đổi cuộc sống và các định chế nhằm hướng tới hạnh phúc trong sự tiết độ, sự tôn trọng tính hữu hạn” [Giraud].
Tôn Thất Thông, đầu tháng 4.2020
Tài liệu tham khảo
Bregmann, Rutger – phỏng vấn bởi Sabine Peschel, Deutsche Welle: Die Corona-Krise wird zu einem Test für unsere Gesellschaft (Khủng hoảng Corona sẽ trở thành một cuộc trắc nghiệm cho xã hội chúng ta).
Edelkoort, Lidewij – phỏng vấn bởi Marcus Fairs, DeZeen 9.3.2020: Coronavirus offers “a blank page for a new beginning” (Coronavirus tặng “một trang giấy trắng cho một sự khởi đầu mới”).
Harari, Yuval Noah – Neue Zürcher Zeitung 23.3.2020: In der Corona-Krise stellen wir die Weichen für die Zukunft (Trong khủng hoảng corona, chúng ta tạo bước ngoặt cho tương lai).
Irmer, JulietteNeue Zürcher Zeitung 28.3.2020: Wie man künftig Pandemien verhindern kann (Làm sao để tránh dịch xảy ra trong tương lai).
McCarthy, SimoneSouth China Morning Post 6.4.2020: Coronavirus: One virus caused Covid-19. Scientists say thousands more are in waiting (Coronavirus: chỉ một con vi-rút đã sinh ra Covid-19. Khoa học gia cho rằng, hàng ngàn con khác đang chờ đợi).
Odenwald, Michael – FOCUS 7.4.2020: Die Zerstörung des Planeten befeuert Epidemien (Sự phá hủy hành tinh làm bùng nổ dịch bệnh).
The Guardian UK: Human impact on wildlife to blame for spread of viruses, says study (Một nghiên cứu cho biết, con người là nguồn gốc của sự lây lan vi-rút).
Zimmerer, Jürgen – Sueddeutsche Zeitung 11.1.2020: Australien im Feuer des Kolonialismus (Úc trong ngọn lửa của chủ nghĩa thực dân).
Zhou, Cissy & Magnier, Mark – South China Morning Post 1.4.2020: Coronavirus: from China to the US, consumer behaviour radically altered as world retreats into ‘survival mode’ (Từ Hoa Lục đến Mỹ, thói quen tiêu thụ thay đổi tận gốc khi thế giới bước vào “tình trạng sống hay chết”).
Nguồn: CORONA: Một hồi chuông cảnh tỉnh?, Diễn Đàn Khai Phóng
Print Friendly and PDF